Hiện nay, có không ít trẻ sống trong gia đình nhiều thế hệ. Do bố mẹ bận rộn với công việc nên việc chăm sóc và nuôi dạy con cái thường do ông bà đảm nhiệm. Tuy nhiên, với sự khác biệt vốn có, không ít những mâu thuẫn, xung đột đã xảy ra, đặc biệt trong phương pháp giáo dục con.
Một mẹ bỉm bận rộn giao con cho ông bà đã có những tâm sự như sau: ''Cả hai vợ chồng mình đều đi làm ở cơ quan, không thể sắp xếp để đón con sau khi tan trường vì giờ đó vẫn phải làm việc. Nếu không sống chung với ông bà thì hai vợ chồng rất khó thu xếp để đưa, đón con theo giờ giấc của trường. Ngoài ra, buổi tối hai vợ chồng về đến nhà đã thấm mệt, nếu không có ông bà cơm nước, mình cũng không thể quán xuyến nổi.
Vấn đề là ông bà có nhiều thói quen không tốt nhưng vợ chồng mình nói mãi vẫn không ăn thua. Ví dụ như bà hay bế cháu đi ăn rong hoặc bón cho cháu ăn sau khi đã nhai kỹ trong mồm, rất mất vệ sinh và dễ truyền bệnh cho cháu. Ông thì có thói quen hay chửi tục, vạ miệng nói những từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi của cháu.
Để con sống cùng với ông bà cũng có nhiều lợi ích nhưng mặt khác con cũng chịu ảnh hưởng thói quen chưa tốt của ông bà. Mà một khi thói quen đã hình thành, rất khó để sửa. Mình phải làm sao?''.
Ảnh minh hoạ.
Có lẽ đây cũng là băn khoăn chung của rất nhiều người mẹ. Để trả lời cho câu hỏi này, Phượng My (sinh năm 1988, tác giả sách và cây viết tự do) đã có những lời nhắn nhủ như sau:
Lợi ích khi sống với ông bà
Không thể phủ nhận rằng sống chung với ông bà, bố mẹ có nhiều thuận lợi như:
- Tiết kiệm nhiều chi phí (so với việc ở riêng nhưng vẫn phải biếu tiền sinh hoạt hàng tháng).
- Có được cảm giác an tâm hơn so với cho con đi nhà trẻ sớm hoặc thuê giúp việc.
- Tập trung cho công việc tốt hơn khi đã có ông bà chăm sóc cháu.
- Hai vợ chồng có nhiều thời gian cho nhau nhiều hơn.
- Trẻ có cảm giác được chở che nhiều hơn (do ông bà chiều hơn bố mẹ).
- Trẻ học được thói quen, tính cách tốt từ ông bà (nếu ông bà mẫu mực, có nhiều thói quen tốt).
Ảnh minh hoạ.
Bất cập khi để ông bà chăm sóc cháu
Tuy nhiên, không thể phủ nhận khoảng cách giữa hai thế hệ dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong cách dạy con. Một vài bất cập là:
- Trẻ bối rối vì không biết theo ai. Bố mẹ dạy một đằng, ông bà dạy một kiểu.
- Ông bà thường can thiệp vào cách dạy con của bố mẹ. Một số ông bà cổ hủ, khăng khăng áp dụng các kinh nghiệm lỗi thời, mẹo chăm sóc trẻ bằng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hoặc những phương pháp dạy trẻ thiếu khoa học.
- Ông bà thường có xu hướng chiều chuộng cháu quá mức. Điều này khiến trẻ nảy sinh những tính cách và thói quen xấu.
- Dễ sứt mẻ tình cảm giữa hai thế hệ. Ông bà chăm cháu không tốt, không đúng cách bố mẹ muốn, điều này dễ nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã khiến ông bà tự ái, bố mẹ buồn phiền.
Ảnh minh hoạ.
Vậy nên làm thế nào khi sống cùng ông bà?
Dưới đây là một vài gợi ý mang tính chủ quan của mình và từ việc học hỏi bạn bè đang sống cùng bố mẹ (bố mẹ ruột/ bố mẹ chồng) mà vẫn hòa thuận, êm ấm.
1. Không phó mặc con cái hoàn toàn vào ông bà
Ông bà chỉ đóng vai trò phụ giúp, chăm lo ăn uống, giúp đỡ phần nào trong việc chăm sóc trẻ. Bố mẹ vẫn là người có trách nhiệm hàng đầu đối với con. Trẻ luôn là tờ giấy trắng ''hấp thụ'' những tác động tiêu cực lẫn tích cực từ lời nói, hành vi, năng lượng của người chăm sóc hàng ngày.
Đến 10 tuổi, hầu như tính cách và những thói quen cơ bản của trẻ đã hình thành. Nếu bố mẹ phó mặc việc chăm sóc lẫn dạy dỗ trẻ cho ông bà, về lâu dài sẽ có khả năng trẻ không xem bố mẹ là tấm gương cũng không nghe lời bố mẹ nữa. Từ việc mất kết nối với bố mẹ, trẻ bắt đầu tỏ ra ương bướng, có hành vi sai trái hoặc thói quen xấu rất khó để sửa.
Ngoài ra, việc đẩy trách nhiệm cho ông bà hoàn toàn còn vô tình gieo vào tâm trí trẻ suy nghĩ vô trách nhiệm. Trẻ sẽ nghĩ bố mẹ là người sinh ra mình nhưng không quan tâm chăm sóc mình, sau này mình cũng sẽ như thế. Vậy là một cái vòng lặp lại tiếp tục diễn ra!
2. Trò chuyện với ông bà về quan điểm nuôi dạy con và kiên định giữ vững lập trường
Tốt nhất là nên có một cuộc họp gia đình để bố mẹ chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của ông bà. Nếu không, bạn có thể tìm cách để trò chuyện với ông hoặc bà, với người nào có tâm thế cởi mở hơn trong nuôi dạy trẻ.
Bố mẹ cũng nên nói rõ về những vấn đề liên quan đến chăm sóc con với ông bà. Ví dụ như không xem tivi trong lúc ăn cơm, không ăn bánh kẹo, bim bim trước bữa chính... Khi trẻ làm sai thì phải hướng dẫn chứ không quát mắng hay đòn roi, càng không bao che, dung túng để trẻ tiếp tục làm sai. Trò chuyện cởi mở trước về tất cả vấn đề sẽ giúp hạn chế xung đột (nếu có).
Ảnh minh hoạ.
Thay vì chê trách ông bà không làm tốt việc chăm sóc cháu, bố/ mẹ có thể sử dụng chiêu ''lạt mềm buộc chặt'' như mua quà cho ông bà dù không phải dịp lễ Tết, nói lời cảm ơn ông bà đã vất vả chăm cháu. Hoặc cuối tuần đưa trẻ ra ngoài chơi để ông bà có thời gian nghỉ ngơi, nuôi dưỡng sở thích cá nhân của mình.
3. Tạo dựng lòng tin
Khi sống chung một nhà, việc mâu thuẫn giữa hai thế hệ là khó tránh khỏi. Với quan điểm ''trứng không thể khôn hơn vịt'', ông bà luôn cho rằng cách chăm sóc đến dạy dỗ của mình là đúng đắn. Hay nói thẳng ra là ông bà KHÔNG TIN TƯỞNG bố mẹ có thể chăm sóc và dạy trẻ tốt hơn mình.
Do đó, bản thân bố mẹ phải trở nên uy tín trong lòng ông bà. Uy tín ở đây được hiểu là:
- Có thu nhập tốt và đảm bảo điều kiện chăm sóc trẻ cơ bản nhất.
- Đọc sách, học các khóa nuôi dạy trẻ và cho ông bà biết bản thân có đầu tư thời gian, công sức để làm cha mẹ tốt. Hoặc nếu được có thể cho ông/ bà tham gia cùng các lớp học này.
- Đặt ra ranh giới và giữ vững ranh giới về việc nuôi dạy trẻ. Ví dụ như là chỉ nhờ ông bà cho ăn lúc bố mẹ bận hoặc trông trẻ trong khi bố mẹ đi làm. Khi bố mẹ ở nhà thì ông bà nghỉ ngơi hoặc làm việc của mình. Việc dạy trẻ là nhiệm vụ của bố mẹ, đề nghị ông bà không can thiệp vào.
- Nhiều thế hệ ông bà có quan điểm rất cởi mở, tiếp thu cái mới và tôn trọng lối sống cũng như quan điểm dạy cháu của con. Nếu ông bà thuộc tuýp như vậy, nhiệm vụ của bố mẹ là nhẹ nhàng bày tỏ ranh giới, các quy định chăm sóc và dạy trẻ trong gia đình và đề nghị ông bà tuân thủ là được.
Theo Phụ nữ Việt Nam