Sức khoẻ
   Trẻ thừa cân, phải theo dõi ngay chỉ số mỡ máu
 

Hiện nay, không ít trẻ bị rối loạn mỡ máu do thừa cân, béo phì hoặc do yếu tố gia đình, di truyền gene.

Đáng nói bệnh diễn tiến âm thầm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, hậu quả sẽ rất đáng tiếc.

Đừng lơ là triệu chứng da nhăn nheo, nổi mẩn ngứa

Chị Nguyễn Thu Hương (trú tại Ba Đình, Hà Nội) vừa đưa bé B. - con trai chị đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec vì lý do “da nhăn nheo, nổi mẩn ngứa không rõ nguyên nhân”.

Dù 11 tuổi nhưng bé B. có cân nặng xấp xỉ 70kg, chỉ số IBM cho thấy vượt ngưỡng béo phì. Tại bệnh viện, “da nhăn nheo” của B. được các bác sĩ kết luận do rạn da, đồng thời nghi ngờ cậu bé có rối loạn chuyển hóa.

 

Chế độ ăn uống lành mạnh cho bệnh béo phì ở trẻ em

Kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cho thấy chỉ số mỡ máu tăng cao, tiền đái tháo đường, huyết áp 130-140. Nhận kết quả từ bác sĩ, chị Hương ngỡ ngàng chia sẻ: “Không ngờ rối loạn mỡ máu cũng xảy ra ở trẻ nhỏ. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ chỉ người trưởng thành mới có hiện tượng này”.

Cá biệt có trường hợp, bé trai 8 tuổi (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ thừa cân vừa phải nhưng men gan tăng cao. Bé được chỉ định siêu âm để tìm nguyên nhân, kết quả khiến các bác sĩ cũng bất ngờ khi gan thoái hóa mỡ nhiều - vốn thường gặp nhiều ở người lớn. Nghi ngờ liên quan đến rối loại chuyển hóa, bé trai được chỉ định xét nghiệm, cả chỉ số mỡ máu và acid uric đều tăng cao.

BS. Dương Thị Thủy, Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Medlatec cho biết, có khoảng 40 - 50% trẻ thừa cân, béo phì đến khám và xét nghiệm tại bệnh viện, cho kết quả mỡ máu tăng cao.

Còn theo BS. Vũ Năng Phúc, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, người trưởng thành không phải đối tượng duy nhất bị bệnh lý rối loạn lipid máu. Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị mỡ máu cao nếu lượng LDL-C (cholesterol xấu) hoặc chất béo trung tính tích tụ trong máu quá cao, trong khi lượng HDL-C (cholesterol tốt) quá thấp.

Tình trạng này nếu kéo dài mà không được phát hiện có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề về tim mạch, khi trẻ trưởng thành. Cụ thể, mỡ máu ở trẻ sẽ dẫn đến sự hình thành các mảng bám trên thành động mạch, làm thu hẹp lòng động mạch và chặn dòng máu đến tim, gây ra bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Khi nào cần tầm soát?

Theo BS. Dương Thị Thủy, rối loạn mỡ máu ở trẻ em có thể do đột biến đơn gene hoặc đa gene dẫn đến việc sản xuất quá mức hoặc làm giảm thanh thải triglycerides and LDL-C, hoặc trong việc sản xuất thiếu hoặc thanh thải quá mức HDL-C, hoặc trẻ có yếu tố gia đình, có nhiều người thân mắc rối loạn mỡ máu.

Ngoài ra, nguyên nhân thứ phát là do lối sống ít vận động với chế độ ăn quá nhiều năng lượng, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa. Chất béo chuyển hóa là các axit béo không no được sử dụng trong một số thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán nhiều dầu, thức ăn nhanh (pizza, gà rán, khoai tây chiên…). Hoặc do bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, bệnh thận mạn, xơ gan, hội chứng Cushing.

“Đa phần trẻ vô tình được phát hiện rối loạn mỡ máu khi đi khám các bệnh lý khác, hoặc ở trẻ béo phì có nghi ngờ được chỉ định xét nghiệm; cũng có trường hợp trẻ không béo phì nhưng khi thăm khám lấy máu xét nghiệm, thấy ống huyết tương đục thì được chỉ định làm chuyên sâu. Nhưng đáng lưu ý, nhiều trẻ mang gene hoặc yếu tố gia đình nhưng không được nhận diện để thăm khám sớm”, BS. Thủy cho biết.

Theo khuyến cáo của BS. Thủy, với trẻ em có một trong các yếu tố nguy cơ (béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sử gia đình bị tăng lipid máu nặng hoặc bệnh mạch vành sớm, phơi nhiễm thuốc lá) hoặc có các bệnh lý làm tăng nguy cơ tim mạch (rối loạn lipid máu gia đình; bệnh thận mạn; cấy ghép mạch máu; ung thư; bệnh cơ tim; bệnh hệ thống; nhiễm HIV; trầm cảm)… cần xét nghiệm lipid máu khi đói mỗi 1 - 3 năm nếu yếu tố nguy cơ vẫn còn.

Còn với trẻ em không có các yếu tố nguy cơ thì nên xét nghiệm lipid máu một lần trước tuổi dậy thì (thường là từ 9 - 11 tuổi) và một lần nữa ở tuổi 17 - 21.

Theo BS. Phúc, phương pháp hiệu quả nhất để điều trị rối loạn lipid máu ở trẻ là hướng trẻ tới một chế độ ăn uống khoa học song song với tập luyện đều đặn. Nguyên tắc dinh dưỡng chung đối với người bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu là giảm lượng chất béo hay axit béo bão hòa (da, mỡ động vật, đồ chiên rán), giảm cholesterol trong khẩu phần ăn (bơ thực vật, lòng đỏ trứng...), tăng lượng đạm, dùng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu bắp, trừ dầu dừa, dầu cọ)... Ngoài ra, trẻ cần bổ sung thêm chất xơ, vitamin, yếu tố vi lượng từ rau, củ, hoa quả.

Tuy vậy, mỗi trẻ có một cơ địa, nhu cầu ăn uống, khả năng hấp thu, vận động khác nhau. Vì thế, không thể áp dụng chung một công thức cho tất cả. Mỗi trẻ cần có một chế độ dinh dưỡng riêng nhằm giúp quá trình giảm cân hiệu quả, an toàn.

 

Vũ Vũ

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tre-thua-can-phai-theo-doi-ngay-chi-so-mo-mau-d566353.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Phát hiện mới về phương pháp điều trị rối loạn phổ tự kỷ (19/9)
 Nhiều địa phương ghi nhận biến thể Covid-19 mới, khả năng lây lan nhanh (16/9)
 TP HCM lo dịch sởi bùng phát do thiếu vaccine (15/9)
 5 cách giúp giảm sổ mũi tại nhà (15/9)
 5 cách đơn giản cải thiện chất lượng không khí trong nhà (14/9)
 Chuyên gia hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc và lựa chọn thực phẩm khi trẻ bị chàm sữa (12/9)
 Dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ ở trẻ (9/9)
 Tiêu chảy cấp - bệnh nguy hiểm dễ lây lan từ nhà vệ sinh bẩn (9/9)
 Hướng dẫn mới của Bộ Y tế: Những ai, nơi nào bắt buộc phải đeo khẩu trang? (8/9)
 Phải đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ trẻ khi đến trường (6/9)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i