Dạy học trực tuyến là một trong những nhiệm vụ căn bản trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Học sinh học trực tuyến qua Internet. Ảnh: INT
Đặc biệt với chỉ số mục tiêu cụ thể của Đề án 131 đề ra đến năm 2025. Theo TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội), dạy học trực tuyến không thể dừng lại mà còn gợi mở các phương thức và mô hình phong phú, tạo ra những cú huých, giá trị đột phá cho giáo dục.
Tạo giá trị đột phá
- Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy học trực tuyến tại Việt Nam trong 2 năm dịch Covid-19 vừa qua?
- Đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều bài học quý giá cho ngành Giáo dục Việt Nam. Vượt lên tất cả là sự tận tâm, tận hiến của thầy cô và học sinh; quan tâm, đồng lòng của xã hội tạo nên sức mạnh để vượt qua, duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục. Thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ tạo nền tảng thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục mà đã góp phần xây dựng hình thái mới, khẳng định vị thế trong giáo dục hiện đại.
Tuy nhiên, Covid-19 cũng làm thay đổi mối quan hệ giáo dục từ trước đến nay. Sự phát triển mạnh mẽ của các giải pháp, công cụ công nghệ dẫn đến bối cảnh áp dụng dạy học trực tuyến như một thực tế khách quan nhằm duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục theo cách mới trong bối cảnh bình thường mới.
- Đề án 131 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng nội dung CT GDPT được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học và 10% ở bậc trung học. Trong bối cảnh hiện nay, trường học và giáo viên sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn nào?
- Dạy học trực tuyến có 2 hình thức chính gồm: Trực tuyến đồng thời, theo thời gian thực (mọi hoạt động được thực hiện trên nền tảng, môi trường kết nối trực tuyến, cùng lúc) và trực tuyến không đồng thời, không theo thời gian thực (hoạt động được thực hiện trên nền tảng công nghệ cho phép kết nối trực tuyến nhưng không nhất thiết tại cùng một thời điểm).
Cả hai hình thức trên đều mang lại cơ hội đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện trong giai đoạn hiện nay. Dạy học trực tuyến, nếu được thực hiện bài bản, có lộ trình và khoa học, sẽ cạnh tranh lành mạnh với dạy học trực tiếp, từ đó, tạo ra giá trị đột phá, đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
Tuy nhiên, một trong những bài toán đặt ra là tạo sự cân đối, hài hòa về tỷ lệ số tiết học áp dụng dạy trực tiếp và trực tuyến trong triển khai kế hoạch nhà trường. Mặt khác, dạy học trực tuyến tự thân không phải là giải pháp thay thế hoàn toàn cho hình thức dạy học trực tiếp. Do đó, không thể thực hiện “quy đổi” số tiết học sang hình thức trực tuyến để đưa vào kế hoạch nhà trường một cách cơ học.
Ngoài ra, mỗi nhà trường cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch nhà trường, từ đó tái cấu trúc, sắp xếp và phân bổ các hoạt động giáo dục phù hợp, xây dựng thời khóa biểu có tích hợp các tiết dạy học trực tuyến.
Bên cạnh đó, tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn cần rà soát lại hệ thống học liệu, tiếp tục phát triển bài giảng số, tài nguyên dạy học số, chuyển đổi phương pháp phù hợp trong dạy trực tuyến.
TS Tôn Quang Cường. Ảnh: NVCC
Giải pháp cho các nhà trường
- Tiến sĩ có thể chia sẻ một số giải pháp giúp trường học đạt mục tiêu nêu trên trong bối cảnh bình thường mới?
- Dạy học trực tuyến đòi hỏi đầu tư hạ tầng công nghệ, giải pháp công cụ như hệ thống quản lý học tập, quản lý điều hành chung trong nhà trường, thiết bị đầu cuối hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá... Hiện nay, các giải pháp công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến của Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng. Do đó nhà trường cần kết nối với đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ giáo dục.
Các trường cần xây dựng và vận hành hệ thống quản lý dạy học, quản lý nhà trường, xây dựng danh mục công cụ, giải pháp công nghệ tối thiểu để đảm bảo dạy học trực tuyến từ cơ bản đến nâng cao theo từng giai đoạn. Nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận công nghệ của giáo viên và học sinh qua tập huấn phương pháp dạy học online, thực hiện dạy học trực tuyến trong sự phối hợp với phụ huynh và các bên liên quan.
Bên cạnh đó, nhà trường cần chuyển đổi tư duy trong xây dựng kế hoạch nhà trường có tích hợp dạy học trực tuyến một cách khoa học, thực sự coi dạy học trực tuyến là phương thức song hành với trực tiếp. Một số hoạt động dạy học không nhất thiết thực hiện trực tiếp mà có thể triển khai trên nền tảng trực tuyến và bằng thiết bị thông minh. Thầy cô hãy mạnh dạn áp dụng các giải pháp công nghệ mới trong dạy học, kiểm tra đánh giá. Nhà trường tăng cường khuyến khích, thúc đẩy các nhân tố mới và sáng kiến trong dạy học trên nền tảng số.
- Các địa phương có vai trò như thế nào trong việc thực hiện các mục tiêu này, thưa ông?
- Trong quá trình chuyển đổi số và áp dụng dạy học trực tuyến trong nhà trường, địa phương cần bố trí nguồn ngân sách đảm bảo thực hiện theo lộ trình. Đồng thời, huy động, thu hút các nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của các doanh nghiệp công nghệ giáo dục trong đầu tư phát triển hạ tầng, hỗ trợ xây dựng và phát triển học liệu số dùng chung; xây dựng cơ chế phù hợp để kết hợp với doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình giáo dục từ cấp sở/phòng đến từng nhà trường.
- Ông kỳ vọng gì vào quá trình triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”?
- Dạy học trực tuyến là một trong những nhiệm vụ căn bản trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, với cách tiếp cận này và những chỉ số mục tiêu cụ thể của Đề án 131, có thể nhận định rằng dạy học trực tuyến sẽ gợi mở các phương thức và mô hình phong phú, tạo ra những cú hích mới. Dạy học trực tuyến không chỉ giúp duy trì tính bền vững tất hữu của giáo dục mà còn thay đổi tư duy nhận thức, đổi mới sáng tạo về việc dạy học trong bối cảnh chuyển đổi, mở ra những cơ hội để bứt phá cho một nền giáo dục có tính mở, thông minh và hiện đại.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tú Anh (Thực hiện)
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/khong-the-dung-buoc-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-post607468.html