Các hợp chất trong lê tươi có tác dụng hỗ trợ bổ phổi, giúp giảm bớt triệu chứng bệnh đường hô hấp...
Từ lâu, quả lê được dùng trong y học như phương thuốc hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh. Trái chủ yếu là nước (khoảng 80%), đường và fructose (khoảng 15%) và chất xơ (khoảng 2%). Trong báo cáo nghiên cứu về lợi ích của lê tươi, viện Khoa học làm vườn và thảo dược quốc gia (Mỹ) cho biết loại quả ngọt thanh này chứa lượng lớn hợp chất kháng viêm. Lê hỗ trợ sức khỏe đường hô hấp, góp phần cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì, hỗ trợ phòng ung thư, tốt cho tim mạch.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện y tế quốc gia (Mỹ) cho thấy hàm lượng lớn flavonoid, triterpenoids và một số acid có trong vỏ quả lê tươi hỗ trợ điều trị giảm đau họng, dịu cơn ho... Tập hợp các nghiên cứu trên 10 loại lê khác nhau tại Khoa y, trường Đại học Trung Quốc, cho thấy hợp chất này còn có tác dụng hỗ trợ chống viêm, ngăn bão cytokine cho bệnh nhân Covid-19. Trái cây cũng có thể giúp phòng ngừa chứng suy hô hấp cấp do tổn thương phổi (triệu chứng có thể gây suy đa cơ quan, tử vong cho bệnh nhân).
Theo tập hợp các báo cáo nghiên cứu tại Hàn Quốc, một số thành phần tự nhiên trong lê tươi hỗ trợ người bệnh dịu cơn tức ngực, dịu đường thở, góp phần tăng độ ẩm cho phổi, giúp mát tim. Khi bị viêm đường thở, lượng chất nhầy tăng gây nghẽn cho tiểu phế quản. Hợp chất luteoline có trong lê tươi có thể hỗ trợ giảm viêm, giúp giãn cơn co thắt của các tiểu phế quản này. Người bệnh sẽ bớt ho và dễ đẩy đờm ra khỏi đường thở hơn.
Trong quả lê có các hợp chất hỗ trợ điều trị ho hiệu quả. Ảnh: Freepik
Các nhà nghiên cứu Thụy Điển và Australia nhận thấy, nhóm quả lê và táo cũng hỗ trợ người bệnh hô hấp cải thiện chức năng phổi, bớt chứng hen suyễn... Lượng polyphenol và flavonoid có nhiều tiềm năng góp phần trong điều trị các bệnh lý viêm đường hô hấp, dị ứng đường hô hấp.
Khi bị nghẹt mũi, đau họng, ho hoặc có triệu chứng của cảm, cúm bạn có thể ăn một quả lê sẽ giúp giảm bớt khó chịu đường thở hơn. Bên cạnh các quả có múi như cam chanh, lê tươi chứa nhiều vitamin C và các chất dinh dưỡng khác, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch. Người thường ăn lê cũng tránh triệu chứng mất nước cho cơ thể.
Trong đông y, lê có đặc tính mát, vị chua ngọt nên thường dùng hầm cùng đường phèn, gừng hoặc nấu canh... hỗ trợ bổ phổi. Các món từ lê chứa các chất giúp cải thiện sức đề kháng, giúp người bệnh hô hấp nhanh hồi phục thể trạng hơn. Người có triệu chứng dị ứng với một số thành phần tự nhiên của quả lê nên cân nhắc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn.
Mai Trinh
(Theo Organic Authority, NCBI, Heart Spring Health)
Nguồn: https://vnexpress.net/an-qua-le-tot-cho-he-ho-hap-4506671.html