Xã hội
   Cần sớm tháo gỡ bất cập về biên chế và tuyển dụng giáo viên
 

Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam công bố đã chỉ ra nhiều khó khăn trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

 

Giờ lên lớp của Trường Thực hành Sư phạm, Trường Đại học Vinh.

Đặc biệt trong đó, vấn đề thiếu chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên đã dẫn đến nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý và dạy học trong các cơ sở giáo dục.

Áp lực lớn

Báo cáo đưa ra, tình trạng thiếu giáo viên là những bất cập tồn tại nhiều năm nay. Hiện tỉ lệ giáo viên/lớp ở trường trường phổ thông đạt chuẩn quy định, nhưng về cơ cấu, thiếu giáo viên cấp THPT (các môn Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Sinh học và Giáo dục công dân) và thừa giáo viên THCS (các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn). Đặc biệt thiếu giáo viên ở trường tiểu học 2 buổi/ngày, và thừa giáo viên ở trường 1 buổi/ngày.

Theo thống kê, tình trạng này tồn tại ở tất cả khu vực, vùng miền và địa phương. Cùng với việc thiếu giáo viên cục bộ, đời sống của đa số cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên còn nhiều khó khăn, điều kiện làm việc còn hạn chế, nên một bộ phận chưa thực sự yên tâm công tác. Chưa có cơ chế, chế độ thỏa đáng để thu hút được người giỏi cho ngành Giáo dục.

Theo thống kê ở năm học 2019 - 2020, tình trạng thiếu giáo viên thể hiện rõ rệt ở trường tiểu học học 2 buổi/ngày (thiếu 8.743 giáo viên) và THPT (thiếu 4.706 giáo viên). Ở cấp học mầm non, năm học 2019 - 2020, toàn quốc thiếu hơn 42.000 giáo viên mầm non công lập, đã tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ.

Do tính đặc thù ở bậc học này, thời gian làm việc mỗi ngày trên 10 tiếng, chưa kể thời gian đón, trả trẻ, sinh hoạt chuyên môn, hoạt động xã hội, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của giáo viên và ít nhiều tác động đến tâm lý thầy cô khi thực hiện nhiệm vụ cao quý trồng người của mình. Cũng ở cấp học này, tình trạng giáo viên bỏ nghề đang diễn ra ở nhiều nơi, khách quan bởi dịch Covid-19 khiến một số cơ sở GDMN ngoài công lập giải thể, nhưng chủ quan cũng có việc thu nhập thấp và áp lực công việc lớn.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, đơn vị thực hiện báo cáo chỉ ra tình trạng không chỉ thiếu giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên cấp sở, phòng cũng đang rất thiếu, hầu hết các sở/phòng GD-ĐT đều thiếu cán bộ chỉ đạo và chuyên viên điều hành hoạt động chuyên môn. Mỗi phòng GD&ĐT thường có 1, 2 phó trưởng phòng (quy định tối đa là 3 người).

Mỗi sở/phòng GD&ĐT thường có 8 - 10 chuyên viên (trong khi nhu cầu mỗi phòng GD&ĐT cần 16 - 20, mỗi sở GD&ĐT cần 65 - 70 chuyên viên). Vì thiếu chuyên viên nên nhiều lãnh đạo phải đảm đương công việc của chuyên viên hoặc điều động giáo viên “biệt phái” từ các trường lên. Mặt khác, do cán bộ quản lý cấp sở/phòng không có phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp, nên không khuyến khích, thu hút được người giỏi về công tác tại phòng/sở GD&ĐT.

 

Cô trò Trường Mầm non xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Những rào cản khách quan

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Làm Giám đốc Sở GD&ĐT 3 năm, ông chưa bổ sung được biên chế nào dù ngành Giáo dục tỉnh này thiếu hơn 7.800 giáo viên. Vì vậy, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập là tin vui rất lớn với toàn ngành.

Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT đến việc tuyển dụng đủ giáo viên, với sự nghiệp giáo dục, đúng với tinh thần xác định đội ngũ giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Nghệ An đang tích cực tham mưu với UBND tỉnh và Sở Nội vụ để sớm triển khai.

Các cấp, ngành phải nỗ lực rất lớn để lấp chỗ trống giáo viên khi chúng ta có biên chế, GS Thái Văn Thành phân tích: Như ở Nghệ An còn thiếu 7.843 giáo viên và cũng từng đề xuất bổ sung từ năm 2020. Năm học mới 2022 - 2023 đã rất gần, Nghệ An đang thiếu nhiều giáo viên nhưng để phân bổ xong thì chưa biết đến lúc nào, chứ không phải ngày một ngày hai là có.

Thực tế việc tuyển giáo viên “khó nhanh” bởi quy trình phải qua nhiều khâu, gồm giao chỉ tiêu biên chế về cho các huyện, thị từ Sở Nội vụ, sau đó phải tổ chức hướng dẫn thi tuyển. Trước khi thi tuyển cũng phải công bố thông tin công khai trong một khoảng thời gian để ứng viên được biết, nộp hồ sơ. Sau đó mới đến thi tuyển, tiếp đó là trình cấp trên phê duyệt kết quả rồi mới ký hợp đồng vào làm việc.

Do đó, để bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập ngay trước thềm năm học mới là điều không thể. Tuy nhiên, dù nhanh hay chậm thì với Quyết định bổ sung biên chế giáo viên là một tin vui rất lớn đối với ngành. Giờ trách nhiệm thuộc về các đơn vị chức năng của địa phương trong đó có ngành Giáo dục, tham mưu, đề xuất và tổ chức thi tuyển giáo viên sớm để đảm bảo đủ số giáo viên, đặc biệt ưu tiên tuyển mới những giáo viên các môn học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 

Triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Trường THPT Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Làm gì để thay đổi?

Thực tế cho thấy, việc tuyển dụng biên chế cho ngành Giáo dục có tính đặc thù rất cao, nhưng thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng và quản lý đội ngũ này lại thuộc UBND tỉnh và ngành Nội vụ. Ngành Giáo dục không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu về công tác tuyển dụng dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ quản lý cấp phòng, sở; đồng thời thừa - thiếu giáo viên và mất cân đối cơ cấu giáo viên ở nhiều địa phương và cơ sở giáo dục.

Cho dù ở một số địa phương, ngành Giáo dục và Sở Nội vụ đã rất chủ động vào cuộc và linh hoạt giải quyết các khúc mắc nảy sinh nhưng thực tế cho thấy là với những quy định như hiện nay, ngành Giáo dục đang ít nhiều bị động trong việc tuyển người đảm bảo theo yêu cầu công việc của mình.

Lý giải những bất cập này, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: Vấn đề bất hợp lý là sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực.

Để tuyển dụng giáo viên, quy trình quản lý nguồn nhân lực phức tạp do phải tuân thủ nhiều luật (như Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức và Luật Giáo dục) và với nhiều cơ quan chủ quản khác nhau. Các quyết định quản lý hành chính liên quan đến việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên có sự tham gia của ngành GD-ĐT, Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Sự phức tạp này có xu hướng làm hạn chế hiệu quả và hiệu lực quản lý.

Từ thực tế trên, cho thấy cần có cơ chế trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên để đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu các môn học, tránh tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Trong khi chưa tuyển đủ giáo viên, cho phép địa phương hợp đồng với giáo viên và những người này được hưởng các chế độ gần tương đương với giáo viên chính thức.

Đặc biệt, cần khắc phục bất hợp lý là sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về quản lý nhân lực (bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ, giáo viên cấp dưới) và tài chính (phân bổ, thu/chi ngân sách Nhà nước) trong phạm vị quản lý của mình.


Dĩ Hạ

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/can-som-thao-go-bat-cap-ve-bien-che-va-tuyen-dung-giao-vien-post605783.html

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Hà Nội: Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học (27/8)
 Từng bước bù lấp 'khoảng trống' thiếu giáo viên ở các cấp học (27/8)
 Kinh nghiệm 'vàng' cho cha mẹ có con vào lớp 1 (26/8)
 Đà Nẵng: Xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em (26/8)
 Hà Nội: Khai giảng trực tiếp, thống nhất trên toàn thành phố từ 7h30 ngày 5/9 (25/8)
 Chuẩn hóa đội ngũ, trường lớp sẵn sàng cho năm học mới (25/8)
 Đặt hàng đào tạo giáo viên: Rào cản từ đâu? (24/8)
 Học sinh lớp 1 ngày đầu đến trường (23/8)
 Chung tay lo bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non vùng biên (23/8)
 Quảng Bình: Học sinh tựu trường sớm một tuần trước ngày khai giảng (22/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i