Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ sử dụng tối đa 2 viên một tháng, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết thuốc tránh thai khẩn cấp là giải pháp cho một số tình thế bắt buộc không thể tránh như có nhiều khả năng thụ thai, không thể thay thế phương pháp tránh thai hiện hữu. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, chị em chỉ nên sử dụng tối đa 2 viên mỗi tháng và 3 lần trong một năm. Nếu lạm dụng quá mức có thể gặp tác dụng phụ, hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thuốc áp dụng cho nhóm người không thường xuyên quan hệ tình dục, người không có hoặc không thể sử dụng biện pháp phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn như: uống thuốc tránh thai hàng ngày, đặt vòng tránh thai, sử dụng miếng dán tránh thai hoặc không có sẵn bao cao su...
Nhóm thứ 2 là nhóm hiếp dâm hoặc cưỡng bức, cần dùng ngay thuốc tránh thai khẩn cấp để ngăn ngừa chuyện có thai.
Nhóm thứ 3 là những người sử dụng phương pháp tránh thai khác nhưng lo sợ không thành công, chẳng hạn như: bao cao su bị thủng hoặc bị rách, sử dụng thuốc tiêm tránh thai nhưng thời gian tiêm bị chậm so với chu kỳ quy định, chị em uống thuốc tránh thai bị quên quá nhiều ngày (từ 3 ngày trở lên đối với viên tránh thai kết hợp, hoặc quên 2 viên trở lên đối với loại chỉ có Progestin).
Sau khi uống thuốc, nếu chu kỳ kinh nguyệt đến muộn hơn bình thường 1 tuần chị em nên dùng que thử thai hoặc thăm khám để kiểm tra. Ảnh: Shutterstock
Theo ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo, Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, thuốc tránh thai khẩn cấp hiệu quả ngừa thai lên đến 90% trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi phát sinh quan hệ tình dục. Nếu sử dụng càng muộn sau khi giao hợp hiệu quả thấp hơn. Tùy loại thuốc mà hiệu quả ngừa thai mất đi nếu vượt quá thời gian cho phép: 120 giờ (5 ngày) hoặc 72 giờ (3 ngày).
Khi được đưa vào cơ thể, thành phần nội tiết có trong thuốc ngừa thai khẩn cấp sẽ làm cản trở quá trình rụng trứng tự nhiên ở phụ nữ, nhờ đó ngăn cản sự gặp gỡ, diễn ra thụ tinh giữa trứng, tinh trùng. Trong trường hợp trứng thụ tinh, thuốc sẽ ngăn cản việc làm tổ của phôi thai trong lòng tử cung. Nếu quá trình làm tổ đã diễn ra, thuốc không làm gián đoạn quá trình mang thai. Một vài tác dụng phụ thường gặp của thuốc gồm:
Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Có thể xuất hiện ngay từ lần đầu tiên uống thuốc tránh thai hoặc sau nhiều lần uống. Biểu hiện ở việc kinh nguyệt đến sớm hơn hoặc muộn hơn so với chu kỳ bình thường. Nếu kinh nguyệt muộn hơn một tuần, chị em nên sử dụng que thử thai hoặc thăm khám với bác sĩ để làm xét nghiệm cần thiết, xác định chắc chắn việc mang thai hay không.
Xuất huyết tử cung bất thường sau khi uống thuốc: Biểu hiện sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu sau 2 ngày vẫn bị chảy máu, chị em cần thăm khám ngay để loại trừ nguy cơ mắc bệnh lý nghiêm trọng.
Khoảng 50% trường hợp gặp phải tình trạng chóng mặt, buồn nôn, nôn. Triệu chứng sẽ tự biến mất sau 1-2 tuần hoặc sớm hơn. Nếu sau khoảng thời gian trên triệu chứng không cải thiện, chị em nên thăm khám để tìm nguyên nhân tiềm ẩn.
Số ít trường hợp gặp phải triệu chứng đau bụng dưới quằn quại. Trong tình huống này, chị em cần thăm khám sớm để tìm nguyên nhân của triệu chứng, loại trừ nguyên nhân mang thai ngoài tử cung - biến chứng có thể gặp phải nếu ngừa thai thất bại bằng cách uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
Trường hợp lạm dụng thuốc quá mức khiến cơ thể không dung nạp thuốc có thể khiến chị em gặp tác dụng phụ kéo dài khác như: căng thẳng hoặc trầm cảm, tăng cân không kiểm soát, rối loạn huyết áp và hô hấp...
Sau khi uống thuốc tránh thai, chị em nên đến ngay bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa thăm khám và xử trí kịp thời nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng sau đây: nhức đầu, chóng mặt, yếu hoặc bị tê; mờ mắt, giảm thị lực, nói chuyện khó khăn; đau ngực, khó thở; đau bụng nặng; đau nhiều ở bắp chân hoặc đùi...
BS CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi tư vấn ngừa thai an toàn cho phụ nữ trẻ. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Hầu hết phụ nữ đều có thể sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, bao gồm cả những trường hợp không thể sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố (thuốc ngừa thai hàng ngày hoặc miếng dán tránh thai). Tuy nhiên, chị em cần được tư vấn nếu dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, hoặc mắc bệnh lý có thể tương tác với thuốc. Những trường hợp không nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp bao gồm: phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai; xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường không rõ nguyên nhân; có tiền sử bệnh viêm tắc tĩnh mạch hoặc bệnh huyết khối.
Bác sĩ Mỹ Nhi lưu ý, thuốc tránh thai phổ biến, bán ở các nhà thuốc tây có thể không cần kê toa. Tuy nhiên, tất cả trẻ vị thành niên, ngay cả những người lớn khi dùng tránh thai khẩn cấp nên hiểu đây là giải pháp tạm thời. Chị em phụ nữ nên đến bệnh viện có chuyên khoa sản, để bác sĩ tư vấn biện pháp tránh thai an toàn, hiệu quả.
Nguồn VNE