Một đứa trẻ có triển vọng trong tương lai hay không phụ thuộc rất lớn vào sự giáo dục của cha mẹ ngay từ nhỏ.
Nhà giáo dục Jean Jacques Rousseau từng nói: “Giáo dục một người thường bắt đầu ngay từ lúc trẻ được sinh ra, nhưng trước khi trẻ biết nói hoặc biết lắng nghe, chúng đã được giáo dục. Nền tảng của giáo dục là gia đình”.
Một đứa trẻ có thể trở thành người như thế nào ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào cha mẹ của chúng. Khả năng thành công trong tương lai của một đứa trẻ thường không thể tách rời ảnh hưởng của gia đình.
Khi lớn lên, những đứa trẻ có thể làm nên nghiệp lớn thường xuất thân từ 7 kiểu gia đình này. Một nền giáo dục tốt từ gia đình là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái.
1. Gia đình lạc quan và tích cực
Nhà tâm lý học nổi tiếng M. Scott Pike từng nói: “Con cái không thể không bắt chước cha mẹ, sao chép cách sống của cha mẹ và coi đó là tiêu chuẩn, tấm gương mình noi theo”.
Khi gặp khó khăn, nếu cha mẹ chọn hướng giải quyết theo cách tiêu cực như phàn nàn, buộc tội, trốn tránh, thì khi con cái gặp trở ngại trong quá trình lớn lên, chúng cũng sẽ né tránh khó khăn theo cách tương tự.
Ngược lại, khi gặp khó khăn cha mẹ sẽ chủ động, tích cực tìm cách giải quyết vấn đề, luôn giữ thái độ lạc quan trong cuộc sống, khi con cái gặp thử thách, thất bại chúng thường chọn cách đối mặt.
2. Gia đình yêu thích việc học tập
Thái độ của cha mẹ đối với việc học có ảnh hưởng đến thái độ của con cái đối với việc học.
Để trẻ trở thành một người xuất sắc, ngoài việc dựa vào sự giáo dục, rèn luyện của thầy cô giáo trong thời gian học ở trường, điều quan trọng hơn hết là cha mẹ phải tạo cho con mình một không khí học tập trong gia đình.
Cách tốt nhất để cha mẹ giáo dục con cái là làm tương cho con noi theo. Nếu cha mẹ không thích học, chỉ xem điện thoại di động và xem các chương trình truyền hình ở nhà mỗi tối, thì làm sao họ có thể yêu cầu con mình thích đọc sách?
Khi trẻ đi học, nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc hình thành thói quen tự giác học cho con mình. Thực ra, để trẻ say mê học tập là điều rất đơn giản. Cha mẹ chỉ cần tỏ ra mình là người yêu thích việc học, thích đọc sách, hình thành bầu không khí học tập ở nhà, trẻ sẽ tự nhiên say mê học tập.
3. Gia đình hòa thuận, yêu thương nhau
Tình yêu thương của cha mẹ quyết định chất lượng giáo dục của gia đình. Giáo dục đầy tình yêu thương mang lại may mắn, giáo dục thiếu tình thương chỉ dẫn tới bất hạnh.
Sự tương tác hằng ngày của cha mẹ không chỉ được nhìn thấy trong ánh mắt của con cái, mà còn ở trong trái tim của chúng.
Nghiên cứu cho thấy rằng, khi cha mẹ có thể chấp nhận và điều chỉnh cảm xúc của con cái, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như buồn bã và tức giận, trẻ có thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn, học cách tự xoa dịu, điều tiết cảm xúc, và có khả năng quản lý hành vi của mình hơn.
Nếu một gia đình luôn quát mắng con cái, trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ chỉ dần mất tự tin, chán nản, mất động lực học tập.
Trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường giàu tình yêu thương sẽ luôn vui vẻ, yêu đời, có động lực để tiến bộ. Khi trẻ có đủ cảm giác an toàn từ gia đình, chúng sẽ tự tin khi giao tiếp với người khác, biết yêu thương bản thân và mọi người.
4. Gia đình coi trọng giáo dục
Để trẻ hiểu tầm quan trọng của việc được giáo dục và chăm chỉ học tập ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ không thể ép buộc mà phải để chúng tự cảm nhận được gia đình mình rất coi trọng việc học.
Ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái là suốt đời, và con cái chỉ có thể tin vào sức mạnh của giáo dục nếu cha mẹ tin vào nó.
Khi con cái chểnh mảng trong học tập, cha mẹ nên làm gương để giám sát và hướng dẫn chúng một cách hợp lý. Khi việc học của trẻ có nhiều tiến bộ, cha mẹ nên động viên kịp thời để trẻ có thêm động lực học tập.
5. Gia đình sống có nguyên tắc, kỷ luật
Để con cái được tự do làm những điều mình muốn là điều rất tốt để khơi dậy những tiềm năng bên trong chúng. Tuy nhiên, cha mẹ cần có sự kiểm soát trong giới hạn, cần hướng dẫn để trẻ không đi chệch hướng.
Đặt ra các quy tắc cho trẻ và thiết lập cảm giác sợ hãi cũng là những kỹ năng cơ bản của giáo dục gia đình. Một gia đình có quy tắc và ranh giới rõ ràng sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt ngay từ khi còn nhỏ, hiểu điều gì là đúng sai.
6. Gia đình biết tôn trọng con cái
Một số cha mẹ vì quá yêu thương con mình nên ngay từ sớm đã chủ động lên kế hoạch, định hướng tương lai cho con. Những điều này cha mẹ luôn nghĩ tốt cho con mình nhưng vô tình làm mất đi ý thức độc lập của con cái.
Nếu cha mẹ cố gắng kiểm soát con cái một cách mù quáng nhân danh tình yêu, trẻ sẽ trở nên nổi loạn hơn vì cảm thấy không được tôn trọng.
Khi gia đình dành cho trẻ đủ sự tôn trọng như tôn trọng quyết định và lựa chọn của trẻ, đưa ra những lời khuyên phù hợp thay vì ép buộc, trẻ sẽ lớn lên lành mạnh trong bầu không khí được tin tưởng, từ đó biết cách cư xử và có khả năng nhận thức bản thân cao hơn.
7. Gia đình coi trọng giao tiếp
Mọi người đều muốn có cơ hội để thể hiện và được lắng nghe, trẻ em cũng vậy. Trong giao tiếp cha mẹ - con cái, cha mẹ không nên người dẫn dắt mà nên là người biết lắng nghe.
Trong một gia đình, nếu cha mẹ có thể ngồi xuống, đứng ở góc độ của một đứa trẻ, giao tiếp với con cái bình đẳng, chọn cách giải quyết vấn đề thông qua giao tiếp, con cái sẽ tự nhiên không phản kháng hay trốn tránh, mà sẽ cởi mở chia sẻ hơn.
Phan Hằng (Theo Sohu)
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nhung-dua-tre-co-trien-vong-nhat-thuong-xuat-than-tu-7-kieu-gia-dinh-nay-d561467.html