Dinh dưỡng
   Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy
 

Khi trẻ đột nhiên đi tiêu phân lỏng, phân nhiều nước và nhiều hơn tức là trẻ đã bị tiêu chảy. Rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng và sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy.

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khi trẻ bị tiêu chảy rất dễ bị mất nước, mệt mỏi, li bì. Đối với trẻ tiêu chảy kéo dài có thể gây chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất.

1. Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy?

1.1 Tiêu chảy nhẹ không nôn

Tiêu chảy thường tự khỏi sau vài ngày. Hầu hết trẻ bị tiêu chảy nhẹ không cần thay đổi chế độ ăn và các dung dịch điện giải thường không cần thiết. Vì vậy có thể tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, sữa công thức hoặc sữa bò. Tuy nhiên, nếu trẻ có vẻ đầy hơi hoặc chướng bụng sau khi uống sữa công thức hoặc sữa bò, cần có sự hãy hỏi bác sĩ của con bạn xem có nên tránh những điều này hay không.

1.2 Tiêu chảy nhẹ kèm theo nôn mửa

Trẻ bị tiêu chảy và nôn trớ sẽ cần dừng chế độ ăn thông thường. Bổ sung các dung dịch điện giải với một lượng nhỏ, thường xuyên cho đến khi hết nôn. Trong hầu hết các trường hợp, chúng chỉ cần dùng trong 1 đến 2 ngày. Khi cơn nôn đã bớt, hãy từ từ trở lại chế độ ăn bình thường của trẻ. Một số trẻ không thể dung nạp sữa bò khi bị tiêu chảy và có thể bị bác sĩ loại bỏ sữa bò khỏi chế độ ăn trong thời gian ngắn. Nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ trong thời gian trẻ bị tiêu chảy.

 

Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng khi bị tiêu chảy

1.3 Tiêu chảy nặng

Trẻ đi tiêu ra nước cứ sau 1 đến 2 giờ hoặc thường xuyên hơn, và có dấu hiệu mất nước có thể phải ngừng ăn trong một thời gian ngắn (chẳng hạn như 1 ngày hoặc ít hơn) để tập trung vào việc uống để bổ sung chất lỏng bị mất trong phân. Tránh cho trẻ uống, bổ sung những chất lỏng có nhiều đường, nhiều muối hoặc rất ít muối (ví dụ như nước và trà). Đối với tình trạng mất nước nghiêm trọng, trẻ có thể cần được truyền dịch qua tĩnh mạch tại khoa cấp cứu.

2. Dinh dưỡng đúng cách khi trẻ bị tiêu chảy

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi bị bệnh tiêu chảy trẻ vẫn cần được cho ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như lúc bình thường, không nên kiêng cữ hoặc thay đổi chế độ ăn của trẻ. Do mệt mỏi nên khi bệnh, trẻ thường biếng ăn. Lúc này cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, chế biến lỏng hơn và dễ tiêu, mềm như súp, cháo muối, cháo (cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt...). Khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ 1 lần. Thực phẩm dùng cho trẻ vẫn cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm bao gồm: tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì cần cho trẻ bú nhiều lần hơn giúp bù nước và cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Nếu trẻ dùng sữa công thức, vẫn phải pha sữa theo đúng tiêu chuẩn, không nên pha sữa loãng hơn.

Nếu trẻ lớn hơn một chút, cần cho trẻ uống thêm các loại nước như nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây như cam vắt (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước đun sôi để nguội. Không nên cho trẻ uống các loại nước giải khát có ga, nước ép trái cây quá ngọt vì có thể gây khó tiêu, đầy bụng.

3. Một số sai lầm cha mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy

3.1 Không cho uống nước khi trẻ bị tiêu chảy

Bác sĩ Ngọc cho biết, nhiều cha mẹ khi trẻ bị tiêu chảy lại hạn chế không cho trẻ uống nước vì cho rằng như vậy sẽ làm cho trẻ đi tiêu chảy nhiều hơn. Đây là quan niệm sai lầm vì khi đường ruột bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc thì việc đi tiêu là một hình thức tống các chất độc, vi khuẩn ra ngoài. Vì thế, dù có cho trẻ uống nước hay không thì ruột vẫn bị kích thích và tăng tiết nhiều dịch ruột gây ra tiêu chảy. Lúc này, vẫn phải cho trẻ tiếp tục ăn như bình thường và uống nhiều nước hơn để chống kiệt nước và phòng suy dinh dưỡng cho trẻ bệnh.

 

Khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế

3.2 Đổi sữa cho trẻ

Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu trẻ đang uống sữa ngoài, nhiều cha mẹ ngay lập tức nghĩ đến việc đổi sữa vì cho rằng việc thay đổi sẽ giúp hạn chế tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, đây là việc làm không cần thiết và chỉ phải đổi sữa nếu trẻ tiêu chảy nhiều hơn rõ rệt sau mỗi lần bú do tình trạng không dung nạp chất lactose trong sữa. Nếu đổi sang loại sữa không có lactose sẽ làm hạn chế tình trạng tiêu chảy. Nếu trẻ bị dị ứng sữa bò thì cũng cần phải đổi sữa cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ dinh dưỡng khi muốn đổi sữa cho trẻ.

3.3 Kiêng cữ quá mức

Nhiều cha mẹ lại cẩn thận và kiêng cữ quá mức khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy. Chỉ cho trẻ ăn cháo muối vì sợ trẻ ăn chất đạm sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Đây là việc làm sai lầm vì khi đường ruột bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc gây tiêu chảy thì những phần ruột chưa bị tổn thương vẫn hấp thu được nước và chất bổ dưỡng như bình thường. Vì vậy vẫn cần cho trẻ tiếp tục ăn như bình thường và uống nhiều nước hơn.

3.4 Do thức ăn mẹ ăn hằng ngày

Đối với những trẻ còn bú mẹ, khi trẻ bị tiêu chảy nhiều người cho rằng nguyên nhân là do thức ăn của người mẹ. Chính vì thế, nhiều bà mẹ đã ngừng cho trẻ bú, hoặc thay đổi, cắt giảm nhiều món ăn trong khẩu phần ăn của người mẹ, dẫn đến suy dinh dưỡng và thiếu sữa cho con.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, việc trẻ bị tiêu chảy có liên quan đến vệ sinh ăn uống của trẻ, vệ sinh bàn tay không thường xuyên, trẻ hay mút tay hoặc tiêu chảy cấp do virus... chứ không liên quan đến thức ăn người mẹ ăn hàng ngày. Thức ăn vào sẽ được cơ thể sẽ được hệ thống tiêu hóa chuyển thành những phần tử rất nhỏ để hấp thu qua đường ruột vào máu đến gan chuyển hóa thành các chất cần thiết cho cơ thể. Còn việc tạo sữa do tuyến sữa ở vú nhận các chất dinh dưỡng trong máu chuyển hóa thành sữa. Không có việc mẹ ăn quá chua hoặc ăn chất tanh, chất quá bổ... cho con bú làm trẻ bị tiêu chảy.

Khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời, tránh để rơi vào tình trạng mất nước nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Vân Khanh

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nhung-sai-lam-thuong-gap-khi-cham-soc-dinh-duong-cho-tre-bi-tieu-chay-169220729202155496.htm

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Ăn rau rất tốt nhưng có những loại rau càng ăn nhiều càng hại, rước bệnh vào người (29/7)
 7 loại rau gia vị hỗ trợ trị cúm A (27/7)
 5 loại trái cây giúp người mắc bệnh cúm tăng sức đề kháng (27/7)
 4 loại thực phẩm người mắc cúm A nên ăn để tăng cường sức đề kháng (25/7)
 14 thực phẩm nên ăn, nên kiêng để tránh phiền toái khi bị táo bón (23/7)
 3 loại thực phẩm giàu canxi nhưng cơ thể hấp thụ rất ít (22/7)
 Cách bổ sung vitamin D giúp trẻ cao lớn (20/7)
 Thực phẩm hỗ trợ não bộ khỏe mạnh ngừa 'sương mù não' hậu COVID-19 ở trẻ em (18/7)
 Lời khuyên của bác sĩ về cách sử dụng loại quả của 'sự sống' (16/7)
 Các loại hoa quả không nên ăn cùng nhau (15/7)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i