Nếu bạn thường xuyên có những nhận xét tiêu cực về ngoại hình của con, xâm phạm sự riêng tư tối thiểu của con... rất có thể bạn là một hình mẫu của "cha mẹ độc hại".
Kati Morton, một nhà trị liệu gia đình (Mỹ) chỉ ra một số dấu hiệu của các cặp cha mẹ độc hại thường nói hoặc làm.
"Con có biết mọi thứ bố/mẹ đã làm cho con không?"
Đây là câu nói có thể được cha mẹ độc hại sử dụng để khiến trẻ cảm thấy tội lỗi, hoặc giống như chúng là gánh nặng cho họ.
Kati Morton nhận định, điều này khiến cho trẻ cảm thấy mình mắc nợ không trả được. Tuy nhiên, điều này chỉ là dấu hiệu nỗi thất vọng, không hài lòng của chính cha mẹ, khi con cái không tuân thủ theo đúng ý họ.
"Con thật đáng thất vọng"
Morton nói, mối quan hệ của trẻ với cha/mẹ - những người chăm sóc chính - là vô cùng quan trọng để trẻ phát triển ý thức về bản thân. Do đó, việc nghe câu nói này có thể khiến trẻ cảm thấy rất tệ hại, thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm.
Nhận xét tiêu cực về ngoại hình
"Con ăn quá nhiều rồi đấy, trông con béo như một củ khoai tây vậy", hay "Mái tóc con trông thật tệ hại"... đều là những nhận xét không hay chút nào mà cha mẹ dành cho con.
Morton nói, việc cha mẹ đánh giá ngoại hình của con một cách khắc nghiệt có thể dẫn đến các vấn đề như rối loạn ăn uống hay sự tự ti về ngoại hình của trẻ. Thay vì đưa ra những lời như vậy, cha mẹ nên đồng hành cùng trẻ hướng tới những hình ảnh tích cực hơn, ví dụ cùng trẻ tập luyện để mảnh mai hơn.
Không cho phép sự riêng tư
Đó có thể là đọc nhật ký của con hay kiểm tra điện thoại của chúng. Đây là một dấu hiệu của việc nuôi dạy con cái mà không cho phép sự riêng tư, nơi cha mẹ nhất định phải giám sát chặt chẽ mọi khía cạnh trong cuộc sống của con. Trong những tình huống như vậy, nếu được yêu cầu về quyền riêng tư, cha mẹ sẽ tự động cho rằng trẻ đang làm điều gì đó xấu xa.
Áp đặt tham vọng của cha mẹ lên đứa trẻ
Cha mẹ độc hại luôn muốn con đi theo bước chân của họ hoặc theo đuổi ước mơ mà họ không thể thực hiện được. Điều này có thể bắt nguồn từ việc họ coi đứa trẻ như một phần mở rộng của chính mình.
Trong trường hợp trẻ không đáp ứng tham vọng đó, cha mẹ tỏ ra thất vọng, không buồn chú ý đến chúng như một cách trừng phạt. Morton nói: "Lối suy nghĩ và hành động này không liên quan đến ý chí tự do. Điều đó có nghĩa tình yêu của cha mẹ dành cho trẻ là có điều kiện, nó gắn liền trực tiếp với việc trẻ buộc phải làm những gì cha mẹ muốn". Theo chuyên gia, điều này cũng cho thấy một phụ huynh độc hại kém cỏi như thế nào trong giao tiếp.
Không bao giờ nói xin lỗi
Cha mẹ không ai là hoàn hảo và sẽ phạm sai lầm. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo Morton giải thích, là họ có sẵn sàng xin lỗi hay không. Cô nói: "Bằng cách xin lỗi, cha mẹ đang dạy con mình cách giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Ngoài ra, xin lỗi một đứa trẻ giúp chúng nhận thức được giá trị của bản thân".
So sánh con với trẻ khác
Theo Morton, so sánh người này với người khác không bao giờ có lợi cho sức khỏe. Nó có thể gây tổn hại vô cùng lớn về mặt tinh thần, nhất là khi việc so sánh được thực hiện giữa các anh chị em, bởi nó tạo ra nhiều cạnh tranh hơn so với tình cảm gắn bó thân thiết.
"Mẹ làm như vậy là vì con... "
Câu nói này dập tắt mọi ý định trò chuyện hay đặt câu hỏi của trẻ. Morton cho rằng, cha mẹ nói câu này có nghĩa họ nghĩ họ luôn biết điều gì là đúng và tốt nhất. Khi nghe những câu nói này, trẻ có thể cảm thấy mình đang hành động theo cách không lành mạnh để được đáp ứng những nhu cầu đó.
Nguồn VNE