Đau đầu kèm sốt, cứng cổ; đau đầu kèm nôn; đau đầu hai lần một tuần… có thể là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe bất thường tiềm ẩn ở trẻ.
Ở trẻ em, đau đầu thường không đáng lo ngại, có thể do các bệnh thông thường gây ra. Một số nguyên nhân chính gây đau đầu ở trẻ nhỏ bao gồm: ốm hoặc nhiễm trùng; di truyền; ăn uống không đủ chất hoặc sử dụng một số loại thực phẩm như sôcôla, phô mai, caffeine, thực phẩm lên men, thực phẩm có chứa bột ngọt (MSG); thiếu ngủ hoặc ngủ không ngon giấc; một số yếu tố môi trường như khói bụi, ô nhiễm, nước hoa, ánh sáng mạnh, tiếng ồn lớn; căng thẳng, lo lắng hoặc xung đột cảm xúc; chấn thương đầu.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau đầu có thể do một tình trạng nghiêm trọng hơn. Đau đầu kèm sốt và cứng cổ có thể là dấu hiệu của viêm màng não. Nếu trẻ không thể nhìn lên trần nhà, cúi đầu xuống và lắc đầu qua lại, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ khám. Viêm màng não là tình trạng viêm một số màng bao quanh não và tủy sống, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, bị đập đầu hoặc bị ngã có thể khiến bé bị chấn động hoặc một số chấn thương khác dẫn đến áp lực trong đầu, do đó cần được kiểm tra.
Cơn đau đầu không đáp ứng với thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể là yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ. Cơn đau rất dữ dội hoặc đột ngột xuất hiện là dấu hiệu cha mẹ cần đưa con đến các cơ sở y tế để cấp cứu.
Cha mẹ nên theo dõi các dấu hiệu đi kèm đau đầu của trẻ để đưa bé thăm khám bác sĩ kịp thời. Ảnh: Freepik
Trẻ bị đau đầu kèm nôn mà không có các dấu hiệu bệnh khác, trong đó nôn mửa có thể là dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ. Điều này có thể do một số nguyên nhân, chẳng hạn chấn thương, nang màng nhện, não úng thủy hoặc khối u.
Cùng với đau đầu, trẻ nhỏ có thêm các biểu hiện như buồn ngủ bất thường; khó đi lại, nói chuyện hoặc thực hiện các hoạt động bình thường khác thì nguyên nhân có thể do một loại virus hoặc một tình trạng y tế tiềm ẩn.
Cơn đau đầu làm trẻ thức giấc khi ngủ cũng là một yếu tố nguy cơ. Đôi khi trẻ thức giấc vì những lý do khác, nhận ra mình bị đau đầu, điều này có thể không bất thường nhưng nếu cơn đau khiến trẻ tỉnh giấc đột ngột thì có thể khá nghiêm trọng, vượt quá tiêu chuẩn của những cơn đau đầu thông thường.
Nếu trẻ bị đau đầu ngay khi thức dậy vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ. Mặt khác, áp lực hoặc đau đầu khi nằm xuống cũng là một dấu hiệu khác của tăng áp lực nội sọ.
Ngoài ra, khi những cơn đau đầu diễn ra thường xuyên hoặc cản trở cuộc sống hàng ngày của trẻ có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Nếu trẻ đau đầu từ hai lần trở lên trong một tuần, ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi, học tập hoặc các khía cạnh khác của cuộc sống thì cha mẹ cần đưa con đi khám. Tóm lại, bất cứ khi nào con gặp tình trạng đau đầu khiến bạn lo lắng, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Châu Vũ (Theo Healthline, Harvard Health)
Nguồn: https://vnexpress.net/dau-hieu-dau-dau-nguy-hiem-o-tre-4492097.html