Trẻ bị tự kỷ thường có hành vi lặp đi lặp lại, đi nhón chân, la hét mất kiểm soát nơi công cộng, không phản ứng khi người khác gọi.
Hành vi lặp lại: Theo India Times, đây là một trong những đặc điểm của rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Trẻ tự kỷ thường lặp đi lặp lại những hành vi quen thuộc như vẫy tay, vỗ tay lắc đầu, lắc lư thân mình, chơi với đồ vật theo cùng một cách mọi lúc. Nhiều hành vi như hít, ngửi đồ vật hoặc thức ăn cũng thường gặp ở trẻ tự kỷ. Điều này xảy ra do trẻ có khuynh hướng định hình, không muốn khám phá xã hội. Ảnh: Verywellhealth.
Thường xuyên đi nhón chân: Đi nhón chân khá phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nhưng nếu vẫn xảy ra ở trẻ từ 5 tuổi trở lên, nó thường liên quan chứng tự kỷ. Ảnh: Pediatric.
Khóc hoặc la hét không kiểm soát nơi công cộng: Trẻ tự kỷ thích làm những hành vi theo cá nhân, trái ngược với mong đợi của người khác. Các hành vi bao gồm la hét, nổi cáu, khóc, giật đồ của người khác ở nơi công cộng. Thậm chí, chỉ cần ai đó chạm nhẹ vào người, trẻ cũng kích động, la hét không ngừng. Ảnh: Healthychildren.
Tránh giao tiếp bằng mắt với người khác: Theo tạp chí Parents, trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong ngôn ngữ biểu cảm. Vì vậy, chúng không hoặc rất ít khi giao tiếp bằng mắt, nhìn trực tiếp người khác, không nhìn vào ai đó hoặc đồ vật mà bạn chỉ tay vào. Ảnh: Raisingchildren.
Không phản ứng lại khi người khác gọi: Não bộ của trẻ từ 2 tuổi có thể tiếp nhận và xử lý thông tin, thính lực cũng đã hoàn thiện. Vì vậy, trẻ có thể nghe, hiểu khi bạn gọi, nói chuyện. Nếu khi cha mẹ gọi mà trẻ im lặng, không hiểu những gì bạn nói, con có khả năng đã mắc chứng tự kỷ. Ảnh: Sheknows.
Không biết tự chăm sóc bản thân: Đến độ tuổi nhất định, trẻ có thể tự thực hiện những kỹ năng sống hàng ngày của mình như đi vệ sinh, mặc quần áo, dọn đồ chơi… Nhưng nếu trẻ không thể làm được những điều đó đúng thời điểm, con có thể đã mắc tự kỷ. Đây là dấu hiệu không điều khiển được hành vi thực hiện những hoạt động đó. Ảnh: Cbsnews.
Khó chịu trước sự thay đổi: Nếu trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ, chúng có thể dễ khó chịu trước sự thay đổi và cần phải tuân theo các thói quen. Ví dụ, trẻ cần phải đi theo cùng một tuyến đường đến nơi giữ trẻ hoặc nhà ông bà mỗi lần. Ảnh: Theindianexpress.
Giác quan nhạy cảm: Nếu trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ, chúng có thể cực kỳ nhạy cảm với các trải nghiệm giác quan. Ví dụ, trẻ có thể khó chịu bởi một số âm thanh nhất định như tiếng máy hút bụi hoặc chỉ ăn các loại thực phẩm có kết cấu hoặc màu sắc nhất định. Ảnh: Autismcenter.
Mai Phương
Nguồn: https://zingnews.vn/8-dau-hieu-canh-bao-som-tre-bi-tu-ky-post1333564.html