So với người bình thường, nếu thai phụ bị sốt xuất huyết thì cả mẹ, thai nhi đều có thể bị đe dọa tính mạng vì khó khăn trong điều trị.
Theo BS.CKI Trương Trọng Tuấn, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP HCM, hệ thống miễn dịch thay đổi khiến phụ nữ có thai thường có tình trạng tăng mẫn cảm đối với một số mầm bệnh, bao gồm siêu vi trùng, vi khuẩn và ký sinh trùng. Đây chính là lý do khi bị sốt xuất huyết, thai phụ dễ nhiễm bệnh, đối diện với nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng nguy hiểm cho cả thai phụ, thai nhi.
Theo bác sĩ Tuấn, so với người bình thường, nếu thai phụ bị sốt xuất huyết thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì khó khăn trong điều trị.
Biến chứng khôn lường của sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm đối với tất cả mọi người, nhưng đối với thai phụ, việc đề phòng biến chứng rất quan trọng, vì mẹ có thể truyền bệnh cho thai nhi. Sốt xuất huyết không dẫn đến dị tật, bất thường ở thai nhi, nhưng có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh non hoặc các biến chứng sức khỏe khác ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, virus này còn có thể truyền từ mẹ sang thai nhi trong quá trình mang thai hoặc khi sinh, có thể cần phải mổ lấy thai.
Diễn biến của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng khó lường, trở nặng nhanh chóng. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết bắt đầu là dấu hiệu sốt cao liên miên từ 4-7 ngày, thai phụ sẽ cảm thấy đau nhức đầu dữ dội, đau các khớp cơ, buồn nôn, người mệt mỏi, chán ăn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những triệu chứng sốt xuất huyết thể nhẹ.
Theo bác sĩ Trương Trọng Tuấn, không phải cứ hết sốt là thai phụ đã khỏi sốt xuất huyết. Giai đoạn nguy hiểm của bệnh thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh, thai phụ có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt, có thể kèm theo đau bụng, đại tiện ra phân đen, chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu niêm mạc,... lúc này cơ thể thai phụ giảm tiểu cầu đến mức xuất huyết.
Phụ nữ mang thai ở những tháng đầu thai kỳ, nếu bị sốt xuất huyết có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai, ảnh hưởng đến sức khỏe. Ảnh: Freepik
Triệu chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết là sốc. Thân nhiệt của thai phụ tụt xuống dưới 35 độ C, cơ thể chảy máu ồ ạt, huyết áp tụt xuống nhanh chóng. Mất máu quá nhiều, huyết tương tăng nhanh khiến cho phổi bị tràn màng dịch, cơ thể người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê do não phù, nguy hiểm tới tính mạng.
Nếu bệnh sốt xuất huyết trở nên nghiêm trọng, nó có thể kết hợp với rò rỉ huyết tương dư thừa, xuất huyết hoặc suy các cơ quan trong cơ thể. Sốt xuất huyết ở thai phụ có thể sinh ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu...
Phụ nữ mang thai ở những tháng đầu thai kỳ, nếu bị sốt xuất huyết có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai, thai chết lưu. Ở những tháng cuối, thai phụ bị sốt xuất huyết có thể gây tử vong cho thai nhi, làm trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc sinh non. Nếu trẻ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ đe dọa đến tính mạng cho cả thai phụ, thai nhi, có thể dẫn đến đẻ non, gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, rau bong non, tiền sản giật... Trẻ sơ sinh cũng có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí kéo dài vài tuần sau sinh nếu sinh ra từ bà mẹ bị tiểu cầu hạ. "Nếu bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong khi sinh, nguy cơ sản phụ xuất huyết là rất cao", bác sĩ Tuấn nói thêm.
Chăm sóc phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết
Thai phụ có khả năng miễn dịch thấp, do đó, họ dễ bị nhiễm trùng, bệnh tật hơn. Do đó, trong giai đoạn cao điểm của sốt xuất huyết, thai phụ, người thân nên tránh đi du lịch đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh khá cao.
Nếu thai phụ có tiếp xúc với người sốt xuất huyết, có dấu hiệu bệnh, cần được chăm sóc y tế đúng cách. Đặc biệt là những thai phụ gần đến ngày dự sinh hoặc ngay sau khi sinh, vì đây là các đối tượng có nguy cơ cao nhất, cần theo dõi chặt chẽ.
Phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết cần được bổ sung nước, hạ sốt hợp lý, nghỉ ngơi và bồi bổ, được các bác sĩ theo dõi liên tục, thận trọng. Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ bị sốt xuất huyết cần tăng lượng chất lỏng, cùng với các loại muối thiết yếu có vai trò quan trọng trong cơ thể. Mẹ bầu có thể uống nước dừa, oresol, nước trái cây, thức ăn nấu với nước uống sạch, ít nhất 3 lít mỗi ngày. Dinh dưỡng cũng giúp cân bằng lượng chất lỏng trong phôi thai để chăm sóc em bé.
Các triệu chứng sốt xuất huyết trong suốt thai kỳ không khác so với người bình thường, nhưng mức độ nghiêm trọng của tình trạng này có thể tăng lên ở phụ nữ có thai. Do đó, thai phụ cần được nhân viên y tế chăm sóc, theo dõi liên tục. Để an toàn cho cả mẹ, thai nhi, thuốc hạ sốt cần phải đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Nên cho con bú khi mẹ sốt xuất huyết?
Trẻ sơ sinh có mẹ được chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết giai đoạn trước sinh hoặc khi sinh cần theo dõi chặt chẽ để hạn chế nguy cơ lây truyền. Theo các chuyên gia, nguy cơ lây truyền virus sốt xuất huyết từ mẹ sang con qua sữa mẹ là không đáng kể, do đó nếu mẹ bị nhiễm sốt xuất huyết vẫn có thể duy trì việc cho con bú.
Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, sữa mẹ đặc biệt là sữa non có các kháng thể giúp trẻ sơ sinh miễn nhiễm với bệnh nhiễm trùng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng, sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng, kháng thể giúp bảo vệ trẻ, ngăn ngừa mất nước, duy trì tình cảm ở trẻ.
Ở một vài trường hợp cụ thể, như người mẹ bị bệnh sốt xuất huyết nặng, thì bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sơ sinh bú sữa công thức hoặc bú sữa ngoài.
Nguồn VNE