Tìm cách trèo qua cửa sổ, thử thách thắt cổ vẫn thở, biểu diễn với lửa... là hàng loạt trò mà nhiều trẻ thường bắt chước trên mạng. Học theo rồi thách đố nhau... khiến trẻ phải đối mặt với những tai nạn thương tâm.
Những trò quái đản
Vài năm trước, ở Việt Nam xuất hiện một số trò chơi mạo hiểm, đe dọa an toàn tính mạng con người nhưng lại được không ít bạn trẻ hưởng ứng, cổ vũ rồi nhanh chóng trở thành trào lưu. Có thể kể đến như nhảy cầu, chụp ảnh tự sướng tại những nơi có độ cao và nguy hiểm như nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp, ống khói... mà không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào...
Trước đó, cũng đã từng xuất hiện một trò chơi nguy hiểm trong giới học trò. Sau khi một người trồng cây chuối mười phút sẽ quay lại tư thế đứng gập người, người chơi khác "hỗ trợ" bằng cách dùng hai ngón tay cái chặn ở yết hầu, các ngón tay còn lại siết chặt cổ để tạo ra hiện tượng ngất xỉu đột ngột.
Khi được nhắc nhở, trẻ cho rằng người lớn đã quá lo bởi đây chỉ là trò chơi đơn giản, xỉu vài phút sẽ tỉnh lại ngay. Phần mở đầu này nếu không qua nổi sẽ bị cả nhóm cho là yếu đuối, hèn nhát và bị tẩy chay. Những trò mạo hiểm quái đản như thế không phải hiếm gặp trên mạng xã hội.
Ngày nay, Internet, điện thoại di động, máy tính bảng đã trở nên quá quen thuộc với trẻ nhỏ. Ngoài học tập, các em có thể dễ dàng truy cập vào những đoạn clip để giải trí. Bên cạnh clip hoạt hình, phim ảnh, trẻ cũng tò mò truy cập vào các trang có nội dung thử thách, mạo hiểm. Nguy hiểm hơn, có cả những phân đoạn phim hoạt hình hướng dẫn trẻ nhỏ làm theo trò chơi, gây ra hậu quả đau lòng.
Chuyên gia nhận định, thành phần tham gia trò chơi mạo hiểm hầu hết là người trẻ. Đó là người đang ở độ tuổi thích thể hiện bản thân, thích tìm tòi, thích hành vi có tính mạo hiểm, khám phá điều được coi là trào lưu, xu hướng mới. Dưới sự cổ vũ của những người trong cuộc, cộng đồng mạng, không ít người cho rằng, việc thử sức qua một trò chơi bằng cách mang chính tính mạng của mình ra để "đặt cược" được coi là cơ hội để thể hiện "đẳng cấp".
Bên cạnh đó, còn có một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên sống ảo, thiếu sự quan tâm của gia đình, gặp các bất ổn về vấn đề tâm lý... vì vậy dễ dàng ảo tưởng rằng việc tham gia các trò chơi có tính chất mạo hiểm là một dịp để họ khẳng định "giá trị của bản thân" với người thân và bạn bè, giúp giải tỏa tâm lý, xả stress.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên, cho biết, nếu trẻ nhỏ bắt chước những trò chơi trên mạng do tò mò, hiếu kỳ thì trẻ vị thành niên lại chủ động tìm đến những trò mạo hiểm để tự khẳng định bản thân. Thậm chí, không ít trẻ còn thách thức bạn bè của mình tham gia. Có trẻ sẵn sàng nhận lời nhưng cũng có trẻ do sợ bạn bè cô lập mà cố gắng làm theo. Thế nên, việc xảy ra tai nạn đôi khi chỉ trong phút chốc.
Giành chiến thắng để được tung hô
Rất nhiều trẻ em mê xem nội dung trên các thiết bị điện tử. Trẻ em chưa phân biệt được thật - giả khi xem các chương trình. Do vậy, rất cần sự kiểm soát của các bậc cha mẹ.
Cô Lê Thị Ngọc Mai, giáo viên Trường THPT số 1 Bảo Thắng, Lào Cai, cho rằng: "Các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội không có tội, bản thân mạng xã hội cũng không có tội. Cái đáng tiếc ở đây là khi chúng ta sử dụng nó không hợp lý, không có kỹ năng kiểm soát để tránh những nội dung kích thích mạo hiểm.
Mạng xã hội cần thiết trong cuộc sống nhưng không có nghĩa nó làm thỏa mãn hết nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, người lớn cần giúp cho các bạn trẻ nhận ra rằng những hoạt động xã hội lành mạnh trong cuộc sống thực mới mang lại nhiều niềm vui, nhiều ý nghĩa".
Cô Mai lưu ý rằng, các trang mạng thường giữ người xem ở lại trang của mình bằng những đường link liên quan. Khi trẻ xem hết nội dung này, nội dung tương tự sẽ hiện lên, mời gọi trẻ nhấp vào. Xem một lần, hai lần, trẻ có thể thoát ra nhưng nếu trẻ xem quá nhiều lần, các nội dung ấy sẽ kích thích nơi trẻ tâm lý tò mò, muốn thử cảm giác và giành chiến thắng để được tung hô. Trẻ nhỏ vốn thích khám phá, bắt chước nên rất dễ thực hiện theo những trò này.
Vì vậy, ngoài việc cho trẻ sử dụng điện thoại, phụ huynh nên dành thêm thời gian trò chuyện cùng con, tìm hiểu các hiện tượng mạng, trào lưu mới. Có như vậy, người lớn mới có thể kịp thời hướng dẫn, phân tích cho con trẻ sự nguy hiểm của trò chơi để trẻ hiểu và không làm theo. Với trẻ, nếu người lớn cấm cản mà không đưa ra được lý do thỏa đáng sẽ vô tình kích thích sự tò mò, muốn chứng tỏ cha mẹ sai... đồng thời thôi thúc trẻ thực hiện theo.
Trước khi nói đến câu chuyện quản lý còn nhiều kẽ hở trên mạng xã hội khiến rất nhiều video có nội dung tiêu cực, kích động hành vi tiêu cực, theo ý kiến nhiều chuyên gia, các bậc cha mẹ cần chủ động xem lại cách quản lý không gian mạng của trẻ.
Đặc biệt, việc các bậc phụ huynh cho con trẻ xem trang mạng xã hội bằng điện thoại, máy tính bảng với tài khoản của người lớn là sai lầm phổ biến nhất hiện nay. Hành động này chẳng khác gì đang "tiếp tay" cho các video có nội dung xấu tiếp cận đối tượng con trẻ.
"Tốc độ lan truyền thông tin của mạng xã hội rất khủng khiếp. Chỉ cần ở một quốc gia nào đó có một diễn viên, người mẫu, ca sĩ... vừa qua đời, vài phút sau, cộng đồng mạng tại Việt Nam đã nắm thông tin. Nguy hiểm hơn, để thu hút lượt theo dõi, một số trang mạng cũng tạo nên những trò chơi mạo hiểm để thách thức nhau và nhiều trẻ xem nhân vật đó là thần tượng của mình. Mỗi lần nhân vật ra những đoạn clip mới có thể tạo thành trào lưu lôi cuốn trẻ thực hiện theo", chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Thủy chỉ ra vấn đề trên mạng xã hội.
Nguồn Giáo dục và Thời đại