Ôm bé trong lòng, thu hút sự chú ý bằng món đồ yêu thích, xoa nhẹ vùng da chỗ tiêm... là những cách có thể giúp bé quên việc tiêm.
Ôm sát con trong khi tiêm
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa, cha mẹ nên ở bên cạnh con để có thể đánh lạc hướng và trấn an bé trong khi tiêm. Phụ huynh nên bế, giữ tay hoặc đùi bé để nhân viên y tế có thể tiêm. Trẻ lớn hơn một chút có thể ngồi trong lòng, đối mặt với bố mẹ.
Cho bé bú để giảm đau do tiêm vaccine
Cho bé bú có thể giúp giảm đau do tiêm. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trẻ bú mẹ trong thời gian tiêm phòng sẽ ít khóc hơn. Tuy nhiên, Ken Haller - bác sĩ, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Saint Louis ở Missouri (Mỹ), khuyến cáo, người lớn nên cho trẻ ăn sau khi tiêm phòng, vì trẻ có thể dễ bị nôn trớ trong khi tiêm nếu chúng vừa ăn xong.
Cho trẻ uống nước đường
Một số nghiên cứu phát hiện, đường có thể làm giảm đau do tiêm chủng. Thử cho trẻ uống một ít nước đường trước khi tiêm phòng hoặc nhúng núm vú giả vào chất lỏng ngọt, để trẻ ngậm trong khi tiêm.
Ôm bé vào lòng, giữ tay bé và không để con chú ý vào kim tiêm là những cách có thể giúp bé không sợ tiêm. Ảnh: Corbis.
Đánh lạc hướng bé
Đánh lạc hướng trẻ là một trong những bước quan trọng mà bố mẹ có thể làm để giảm bớt cơn đau cho bé khi tiêm vaccine. Mang theo món đồ của trẻ như đồ chơi, thú bông... để thu hút sự chú ý của bé.
Xoa vùng da gần chỗ tiêm
Sau khi bé tiêm phòng, bố mẹ hãy xoa nhẹ vùng da gần chỗ tiêm cho bé. Sự kích thích gây mất tập trung từ việc xoa bóp nhẹ có thể khiến bé không cảm thấy đau dữ dội. Một nghiên cứu ở người lớn cho thấy, những người xoa bóp vùng da sau khi tiêm khoảng 10 giây sẽ ít đau hơn. Một nghiên cứu khác chứng minh, xoa nhẹ lên da trước khi tiêm cũng có thể làm giảm cơn đau.
Tiêm vaccine kết hợp
Các loại vaccine cho một số bệnh có thể được kết hợp trong một mũi duy nhất để giảm số lần tiêm cho trẻ, giúp giảm những cơn đau do tiêm chủng, chẳng hạn như vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván, sởi - quai bị - rubella...
Cha mẹ giữ bình tĩnh
Nghiên cứu phát hiện ra rằng hành vi của cha mẹ chiếm khoảng 50% chỗ đau mà bé cảm thấy trong khi tiêm phòng. Các bậc cha mẹ thường lo lắng về cơn đau mà đứa bé phải chịu do tiêm vaccine nhiều hơn. Người lớn nên kiểm soát tâm trạng của mình mới có thể giúp trẻ bình tĩnh hơn trong khi tiêm.
Châu Vũ (Theo Everydayhealth)