Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (CSGDMN).
Ảnh minh họa
Số lượng vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý
Theo Dự thảo, việc xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong các CSGDMN thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 và đảm bảo các nguyên tắc như: Đủ định mức số lượng người làm việc theo quy định để thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD&ĐT ban hành; những vị trí việc làm không có đủ khối lượng công việc để thực hiện theo thời gian quy định của một người làm việc thì bố trí kiêm nhiệm.
Dự thảo cũng lấy ý kiến đối với đề xuất vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý. gồm: Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng. Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, gồm: Giáo viên mầm non (hạng III, hạng II, hạng I); viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong CSGDMN (thuộc danh mục do Bộ Nội vụ ban hành) như: kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ, tư vấn tâm lý trẻ, bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn.
Đáng chú ý, định mức số lượng người làm việc đối với nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý được đề xuất như sau:
Mỗi cơ sở giáo dục mầm non có 01 chủ tịch hội đồng trưởng do cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non hoặc giáo viên mầm non kiêm nhiệm; mỗi cơ sở giáo dục mầm non có 01 hiệu trưởng. Còn số lượng phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về số lượng cấp phó tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong khi đó, đối với vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành được đề xuất như sau:
Đối với nhóm trẻ: 15 trẻ em/nhóm trẻ từ 03 đến 12 tháng tuổi; 20 trẻ em/nhóm trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi, 25 trẻ em/nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi được bố trí 2,5 giáo viên/nhóm trẻ; với lớp mẫu giáo học 02 buổi/ngày: 25 trẻ em/lớp từ 3- 4 tuổi; 30 trẻ em/lớp từ 4-5 tuổi; 35 trẻ em/lớp từ 5 - 6 tuổi được bố trí 2,2 giáo viên/lớp; những nơi không đủ số trẻ để bố trí theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo quy định thì định mức giáo viên mầm non sẽ tính trên số trẻ bình quân theo từng độ tuổi của từng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo.
Cũng theo Dự thảo, các CSGDMN căn cứ điều kiện, tình hình thực tế để hợp đồng lao động viên chức làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật. CSGDMN cũng sẽ được bố tri 02 người để thực hiện nhiệm vụ của các vị trí kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ.
Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
Theo Dự thảo, căn cứ xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các CSGDMN là tỷ lệ của số lượng viên chức theo từng chức danh nghề nghiệp ứng với vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; căn cứ để xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bao gồm: danh mục vị trí việc làm, mức độ phức tạp của công việc của vị trí việc làm, tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm.
Để xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở CSGDMN phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm, phạm vi, quy mô, mức độ phức tạp của công việc, số lượng vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp tương ứng để xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp. CSGDMN xác định tỷ lệ viên chức theo hạng trong từng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảo đảm cơ cấu hợp lý, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quy mô tổ chức, mức độ phức tạp công việc của vị trí việc làm.
Trong đó, số lượng người làm việc tại các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (giáo viên mầm non) và chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung chiếm tỉ lệ tối thiểu 65% tổng số lượng người làm việc của đơn vị (không bao gồm lãnh đạo, quản lý).
Nguồn https://baophapluat.vn