Cô Moon Nguyen, thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng, cho rằng nói chuyện, đọc sách, cho con nghe tiếng Anh từ những tháng đầu đời sẽ giúp chúng không sợ ngôn ngữ mới.
Hôm Tết ngồi nói chuyện với cô em họ, bạn ấy chia sẻ "Cu Bi nhà em bốn tuổi, cho nghe tiếng Anh mà chẳng hứng thú gì. Xem Wolfoo cũng thích bản tiếng Việt, không thích bản tiếng Anh. Mẹ mà đọc truyện bằng tiếng Anh là cu cậu đòi "mẹ nói tiếng Việt đi".
Khi nghe chuyện về cậu bé bốn tuổi, mình nghĩ ngay tới Tiger (bé út nhà mình, 2,5 tuổi). Mình không phải là bà mẹ chủ tâm đào tạo con "bilingual" (song ngữ) từ nhỏ. Mình cũng bận rộn như bao bà mẹ khác. Nói cách khác, mình là một bà mẹ lười trong việc đào tạo các con.
Thời kỳ dịch bệnh con không gửi đi trẻ được, để rảnh tay làm việc, mình cũng cho Tiger xem YouTube nhiều hơn bình thường. Tiger từ đó nghiền xem phim hoạt hình Wolfoo (bản tiếng Anh). Từ vựng yêu thích của chàng là "I hate you" mỗi khi tức ai đó (chắc học được từ bộ phim này mà mẹ thì rất không thích cụm này). Thi thoảng chàng hô lên "Oh my god". Ngoài mấy từ ấy ra, chàng chẳng hề nói tiếng Anh vanh vách như "con nhà người ta". Được cái, Tiger không phản ứng chống đối mỗi khi mẹ nói tiếng Anh với chàng.
Sự khác biệt giữa Bi và Tiger là gì?
Sáu tháng đầu đời, ngày nào mình cũng đọc sách cho Tiger, đọc đi đọc lại một cuốn sách tiếng Anh. Chàng thích và hào hứng, đạp tay chân lia lịa.
Nhưng bẵng đi sau đó, dịch bệnh cuốn theo dòng đời xô đẩy, bà mẹ vốn đã lười lại vướng vào nhiều dự án khác nhau nên quên cả việc đọc sách cho con. Nhưng may mắn thay, mỗi ngày khi ngồi trên ôtô đi đâu đó, bố đều bật Michigan Radio. Rồi thi thoảng trong ngày, chàng đã nghe lén bố mẹ và anh chị nói tiếng Anh với nhau.
Có lẽ vì thế mà cho tới giờ, đã được 2,5 tuổi và không được mẹ dạy tiếng Anh mấy khi, Tiger vẫn có thể tiếp nhận tiếng Anh mà không phản ứng gì.
Vậy làm sao để con không "từ chối" tiếng Anh?
Câu trả lời là bắt đầu sớm nhất có thể. Bạn không phải đầu tư quá nhiều thời gian và phương pháp công phu nào cả. Cho con nghe tiếng Anh từ sớm để con "quen tai" và sau này không cảm thấy cảnh giác hay thiếu an toàn khi tiếp xúc với một ngôn ngữ mới. Nghe mấy bài tiếng Anh hát ru trên YouTube hoặc bất kỳ thứ gì khác bằng tiếng Anh cũng được. Tất nhiên là bạn không phải bật cả ngày cả đêm, cũng chẳng cần có câu trả lời mấy phút cụ thể, miễn là cả bạn và con đều thấy ổn. Đừng "làm quá", hãy vừa phải.
Nhưng theo mình, thứ âm thanh dễ chịu nhất với con chính là giọng nói của mẹ, chứ không phải từ YouTube. Đừng chỉ cho con tiếp xúc một cách thụ động như ngồi xem YouTube cả ngày (dễ gây stress và nghiện cho con, lại hại mắt). Nếu có khả năng, mẹ hãy dành thời gian nói chuyện với con bằng tiếng Anh ít nhiều, đọc sách cùng con. Giai đoạn nhỏ xíu này, bạn có đọc sai chút cũng không sao. Mục đích chính để con quen với âm thanh khác lạ của thứ tiếng mới.
Nguồn https://vnexpress.net