Nếu đánh con chỉ vì nó tiện và miễn phí thì cha mẹ sẽ không bao giờ cảm nhận được tình yêu từ các bé.
Hai chữ ''yêu thương'' có thể dễ dàng nói ra nhưng rất khó để thực hiện, đặc biệt là trên hành trình chăm sóc và nuôi dạy con cái. Quá trình trưởng thành của con trải qua rất nhiều giai đoạn, sự thay đổi tính cách hay nhận thức ở những thời điểm khác nhau có thể khiến bố mẹ ''nổi điên'', thậm chí khó kìm chế cảm xúc của mình. Và vượt qua nó chính là điều khó nhất trong việc giáo dục con cái.
Mới đây, một đoạn clip bất ngờ được chia sẻ lại thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh. Chị Vũ Thị Hường (34 tuổi) - mẹ của 2 bé Cún (6 tuổi) và Kén (4 tuổi) tỏ ra rất buồn bực khi các con hay mè nheo, nhõng nhẽo, đòi hỏi này kia, thua xa những đứa trẻ đồng trang lứa. Bà mẹ 2 con tâm sự: ''Mình thấy là 2 bé nhà mình không thể nào so với con của bạn. Cùng độ tuổi nhưng con bạn có rất nhiều ưu điểm". Nhưng chính chị không biết rằng tính cách của các con ra sao là phụ thuộc vào cách giáo dục của bố mẹ.
Mẹ cáu gắt, mắng mỏ con và hậu quả khiến bé vô cảm.
Suốt cả một ngày dài, không khí bao trùm gia đình luôn căng thẳng và mệt mỏi trong tiếng quát tháo cùng thái độ khó chịu của người mẹ. Trong khi đó, hai đứa trẻ trong độ tuổi ẩm ương, mè nheo càng khiến người mẹ bực tức hơn. Câu chuyện thường xảy ra ở rất nhiều gia đình khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy đồng cảm.
Sau màn quát tháo mới xong bữa cơm buổi sáng, người mẹ chưa một lần dịu giọng với hai cô con gái. Cảm giác như trong người chị luôn có một sự bức tức, khó chịu với chính con của mình. Chị Hường buộc tóc cho con gái đầu nhưng khá vội vàng, khi khó chải thì gắt: "Con ngồi hẳn hoi lên xem nào".
Thậm chí, khi Cún kêu đau và gương mặt liên tục nhăn nhó, chị Hường vẫn tiếp tục đưa những nhát chải thật mạnh. Có lẽ, chị đang quá vội để kịp giờ đưa con đi học, mẹ đi làm? Khi cả nhà vào trong thang máy, bé Kén rất vô tư tạo ra những âm thanh đùa nghịch vui vẻ thì chị Hường tát nhẹ vào má con, mắng: "Im mồm!". Kén liền im re.
Những giờ học luôn trôi qua trong sự căng thẳng, khó chịu.
Đỉnh điểm câu chuyện chính là khi chị Hường phớt lờ mọi cảm xúc của con gái. Dù bé xin gì, nói gì thì câu trả lời của người mẹ cũng là ''Không'' nhưng lại không kèm theo bất kì lời giải thích nào. Điều đó khiến bé Kén hoang mang, tổn thương, nhìn về phía mẹ cầu cứu. Và cuối cùng cô bé dần trở nên vô cảm, đóng trái tim của mình với chính người thân yêu nhất.
Giáo sư Pek Cho (Ủy ban cố vấn chính sách của Bộ Giáo dục Hàn Quốc) sau khi quan sát đã đưa ra nhận định: "Lúc nào cũng nhận được lời nói KHÔNG từ mẹ, thậm chí nhìn cũng không, cô bé dường như mất hết cảm xúc. Trái tim đóng lại. Khi xảy ra sự mất kết nối về cảm xúc, sự rạn nứt, từ góc độ đứa trẻ thì người mẹ không hơn 1 người huấn luyện, người nấu ăn, không có sự chia sẻ. 100% những lời của mẹ là yêu cầu, ra lệnh mà không có lý giải, phân tích. Mẹ không có sự kết nối mà chỉ đưa ra lời dạy dỗ. Trẻ con cần kết nối tốt và lời khuyên tốt".
Và tận khi xem lại những video từ chương trình, chị Hường mới buồn bã nhận ra sự thay đổi của con gái khi liên tục bị mẹ khước từ và phớt lờ: "Nhìn lại ánh mắt của Kén, đó là ánh mắt nhìn 1 vật thể xa lạ nào đấy chứ không phải nhìn bố nhìn mẹ nữa".
"Bố mẹ có thể đánh con bất cứ khi nào vì nó tiện và miễn phí. Chúng ta đánh con bằng đòn roi, thật sự không có tình yêu đâu" - giáo sư Pek Cho khẳng định.
Cô bé dần trở nên vô cảm sau lời mắng mỏ của mẹ mình.
Sau câu chuyện trên, hy vọng các bậc phụ huynh có thể phần nào hiểu được việc dạy con không chỉ là mắng mỏ, đòn roi mà đó là sự kết hợp giữa kỷ luật và sự dịu dàng. Làm cách nào để con nghe lời trong vui vẻ là điều không hề dễ dàng, đặc biệt với những bé trong độ tuổi khủng hoảng hay dậy thì.
Trẻ có thể nghịch ngợm, ương bướng, thậm chí có những lúc mè nheo, bướng bỉnh. Thế nhưng cách dạy dỗ và chỉ bảo của cha mẹ sẽ định hướng và góp phần hình thành tính cách của con trong tương lai. Hãy cố gắng để trở thành người đồng hành thay vì người ra lệnh, khi đó con có thể coi bố mẹ là ''người bạn thân thiết nhất'', sẵn lòng cởi mở chia sẻ và thay đổi mình.
Bên cạnh đó, mọi người đưa ra lời khuyên không chỉ mẹ mà bố cũng nên tham gia vào việc chăm sóc và dạy dỗ con, giảm bớt gánh nặng cho người mẹ. Có sự đồng hành và giúp đỡ của cả hai vợ chồng sẽ khiến việc chăm sóc con trở nên nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn.
Nguồn: VTV