Hội chứng kém hấp thu là tình trạng dễ gặp với bất cứ ai và thường gặp ở trẻ nhỏ. Kém hấp thu là tình trạng trẻ không hấp thu được các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ thức ăn, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, trẻ chậm phát triển và sinh ra nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Mặc dù được bổ sung đầy đủ các chất nhưng con vẫn không lên cân, thậm chí còn còi xương, chậm lớn là điều khiến không ít ông bố, bà mẹ lo lắng.
1. Trẻ không tăng cân liên quan đến kém hấp thu
Trong số trẻ không tăng cân đến khám tại Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam thì có tới 50% trẻ liên quan đến kém hấp thu.
Nhiều bậc phụ huynh tìm mọi cách để can thiệp nhằm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho con em mình xong vẫn không hiệu quả.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Hội chứng kém hấp thu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ở cả trẻ em và người lớn, thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm.
"Khi chúng ta cho trẻ ăn, cơ thể sẽ tự hấp thu các chất dinh dưỡng và vitamin từ thức ăn. Tuy nhiên, những trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng thì dù vẫn ăn uống bình thường nhưng hệ tiêu hóa của trẻ lại không thể hấp thu các chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Đây là một vấn đề tiêu hóa thường gặp và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của trẻ.
Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh kém hấp thu chất dinh dưỡng, cơ thể trẻ sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng bổ trợ sự phát triển của cơ thể" - PGS. Mai chia sẻ thêm.
Hội chứng kém hấp thu thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm.
Các loại protein, vitamin, khoáng chất nếu không được hấp thu sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển cũng như hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Bị hội chứng này, trẻ có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng như gãy xương, chậm tăng trưởng, có nguy cơ cao nhiễm trùng.
2. Nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu
- Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trong giai đoạn đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ chưa thể phát triển hoàn thiện, theo đó khả năng miễn dịch rất non kém nên rất dễ mắc phải các hội chứng rối loạn đường tiêu hóa.
– Cho trẻ ăn dặm quá sớm: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ không tập cho trẻ làm quen từ từ một loại thức ăn mới, đặc biệt là những thực phẩm có cấu trúc phân tử phức tạp hoặc tính dị nguyên cao như lòng trắng trứng, các loại hải sản.
- Chế độ ăn thiếu sự cân bằng giữa 4 nhóm thực phẩm: Chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất cũng có thể dẫn đến tình trạng trẻ hấp thụ thức ăn kém, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Chế độ ăn uống không phù hợp là nguyên nhân chính khiến trẻ kém hấp thu.
- Loạn khuẩn ruột: Loạn khuẩn đường ruột là tình trạng hệ vi sinh đường ruột trở nên mất cân bằng. Tình trạng này cũng chính là nguyên nhân làm gián đoạn và giảm hiệu quả quá trình hấp thu dinh dưỡng ở trẻ.
- Thiếu enzyme tiêu hóa: Khi có enzym hay men tiêu hóa (tồn tại trong tuyến nước bọt, gan, tuy, ...), thức ăn sẽ được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Có thể nói, vấn đề kém hấp thu chất dinh dưỡng nào đều do nguyên nhân thiếu hụt enzyme tiêu hóa của chất đó. Nên giải quyết vấn đề kém hấp thu là tăng tiết enzyme tiêu hóa, đặc biệt dịch mật để tiêu hóa lipid.
Ngoài ra, không dung nạp đường lactose cũng là nguyên nhân khiến trẻ khó hấp thu dinh dưỡng.
Hội chứng kém hấp thu tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.
3. Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc hội chứng kém hấp thu
Bố mẹ có thể nhận biết hội chứng kém hấp thu ở trẻ dựa vào các biểu hiện sau:
Trẻ nhỏ đi tiêu phân lỏng, mùi rất tanh. Đối với trẻ lớn, bố mẹ quan sát trong bồn cầu có váng nổi trên mặt nước do mỡ không hấp thu.
Trẻ xanh xao, ốm yếu chậm tăng cân, suy dinh dưỡng hoặc chậm phát triển chiều cao.
Trẻ thường xuyên bị đau bụng, chướng bụng hoặc sôi bụng.
Sút cân, mệt mỏi, kém linh hoạt.
Giảm khẩu vị, chán ăn hoặc không có cảm giác thèm ăn.
Trẻ có biểu hiện đau cơ, chuột rút do thiếu canxi, thiếu máu do thiếu sắt, đau cơ do thiếu vitamin B1.
Những trường hợp trẻ kém hấp thu kéo dài có thể phù do giảm protein máu, da khô…
4. Biến chứng nguy hiểm khi trẻ mắc hội chứng kém hấp thu
Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, tình trạng kém hấp thu ở trẻ sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm:
Nguy cơ cao bị nhiễm trùng
Chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng
Thiếu các loại vitamin cần thiết cho cơ thể dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển trí tuệ…
5. Trẻ kém hấp thu, ăn gì cho tốt?
5.1 Các loại thực phẩm giàu chất đạm (đặc biệt ưu tiên đạm có nguồn gốc từ động vật):
- Sữa: Tốt nhất trẻ nên được bú sữa mẹ, nếu trong trường hợp không thể hoặc người mẹ không có đủ sữa thì nên cho trẻ dùng sữa công thức có hàm lượng năng lượng cao với mục đích đảm bảo được năng lượng cũng như thành phần dinh dưỡng.
- Trứng: Đây là loại thức rất bổ và tốt cho trẻ bởi trứng chứa nhiều chất đạm, chất béo, muối khoáng cùng các loại vitamin. Chất đạm có trong trứng mang đầy đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối, chính vì vậy cơ thể trẻ có thể dễ dàng hấp thu.
- Thịt: Với hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt là thực phẩm rất phù hợp cho những trẻ kém hấp thu dinh dưỡng.
- Cá, tôm, cua: Ngoài những thực phẩm trên thì hải sản cũng là những loại thực phẩm mà cha mẹ nên tăng cường cho trẻ, vì chúng có chứa nhiều chất đạm, dễ tiêu hóa hơn đạm thịt. Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn chứa nhiều canxi, phốt pho rất tốt trong việc phòng ngừa chứng còi xương ở trẻ.
5.2 Các loại thực phẩm giàu chất béo
Ngoài chất đạm, chất béo cũng là nguồn năng lượng quan trọng cần có trong mỗi bữa ăn của trẻ. Với cùng một hàm lượng, chất béo sẽ cung cấp gấp đôi năng lượng cho trẻ so với chất đạm và tinh bột.
Ngoài ra, các vitamin tan trong dầu cũng được hấp thu và cung cấp các acid béo no cần thiết.
5.3 Các thực phẩm giàu glucid
Gạo và mì là những thực phẩm rất giàu glucid. Với lượng lớn trong khẩu phần ăn sẽ đóng rất vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ.
Ngoài ra, gia đình cần chú ý cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ rau và hoa quả tươi để cung cấp đủ chất xơ, các vitamin cần thiết và các yếu tố vi lượng.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn