Sức khoẻ
   5 sai lầm thường gặp của bố mẹ khi chăm sóc trẻ bị sốt
 

Khi trẻ sốt, việc phụ huynh không đo chính xác nhiệt độ, ủ ấm hay chườm lạnh, cho uống thuốc hạ sốt không đúng cách có thể khiến tình trạng trẻ nghiêm trọng hơn.

Những ngày qua, nhiệt độ giảm sâu kèm mưa lạnh khiến 2 bé nhà chị Thương (ở Hà Đông, Hà Nội) bị ho, sổ mũi kèm sốt trên 38 độ. Vì mong con nhanh hạ sốt, chị vừa cho con uống thuốc vừa dán miếng dán hạ sốt trên trán cho con. Không những thế, thay vì lau mát bằng khăn ấm cho con, chị Thương lại lấy nước lạnh để chườm cho con. Cách làm này khiến tình trạng của các bé nhà chị không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm.

Theo các bác sĩ, sốt vốn là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ khi cơ thể phản ứng với các tác nhân gây bệnh. Đặc biệt, thời tiết đông xuân như hiện nay là điều kiện thuận lợi để nhiều loại virus, vi khuẩn phát triển và gây nên các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp trên... Khi bị bệnh, trẻ thường sốt cao kèm các triệu chứng khác.

Trẻ bị sốt có thể gặp nguy hiểm nếu bố mẹ không xử lý đúng cách. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi con bị sốt, nhiều bố mẹ lại gặp một số sai lầm trong chăm sóc khiến tình trạng của trẻ ngày càng xấu đi.

Dùng tay đo thân nhiệt

Nhiều bố mẹ có thói quen dùng tay sờ trán để đoán nhiệt độ của trẻ khi sốt. Tuy nhiên, cách xác định thân nhiệt cho trẻ bằng cảm quan như vậy sẽ không chính xác. Có thể xác định sơ bộ bằng cách dùng tay sờ nách trẻ, nhưng không nên sờ tay chân vì khi sốt cao, tay chân có thể bị lạnh, khiến việc đánh giá tình trạng bị sai.

Dùng miếng dán thay thuốc hạ sốt

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ sốt nặng, biến chứng vì cha mẹ cho con dán miếng hạ sốt mà không cho các cháu uống thuốc hạ sốt ngay. Nhiều bậc phu huynh còn cho miếng dán vào ngăn mát rồi dán vào trán cho trẻ.

Cơ chế hạ nhiệt của miếng dán được quảng cáo là hấp thu nhiệt và phân tán ra ngoài nhưng thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của phương pháp này.

Chườm lạnh cho con

Khi thấy con sốt cao, một số người tìm mọi cách để làm mát cơ thể cho con như chườm túi đá lạnh, lau người bằng nước lạnh, nước pha rượu hoặc cồn, chà chanh. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo những phương pháp này không những không hiệu quả trong việc hạ sốt mà còn có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Khi chườm lạnh, sờ da trẻ sẽ thấy mát hơn nhưng thực tế nhiệt độ cơ thể không hề giảm, thậm chí trẻ có thể bị ốm nặng hơn vì ngấm lạnh vào người. Hơn nữa, việc chườm hay lau người bằng nước lạnh khi cơ thể trẻ đang nóng có thể gây chênh lệch nhiệt độ quá mức, dẫn tới bỏng lạnh và suy hô hấp.

Bên cạnh đó, với rượu, cồn có thể làm mát nhanh nhưng có chứa một số chất hóa học có thể thấm qua da khiến trẻ bị ngộ độc. Chanh cũng có thể hạ sốt nhưng trong chanh có chứa các chất gây hại cho làn da non nớt của trẻ.

Cạo gió

Cạo gió để cắt sốt là quan niệm có ở nhiều nơi. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết, cạo gió có thể khiến trẻ dễ bị bầm tím da, thậm chí là chảy máu, khó đông máu hay nhiễm trùng từ các dụng cụ cạo gió trên da.

Cách chăm sóc trẻ bị sốt đơn giản tại nhà

Để tránh những sai lầm đáng tiếc khi chăm sóc trẻ sốt cao, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, cách hạ sốt cho con đơn giản mà các bậc phụ huynh có thể làm ngay tại nhà là dùng khăn ấm lau toàn thân cho trẻ, đặc biệt lau nhiều ở trán, 2 hốc nách và bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để trẻ hạ nhiệt hiệu quả. Tuyệt đối không dùng nước lạnh, nước pha rượu hoặc cồn để lau cho trẻ.

Để trẻ mặc quần áo thấm hút mồ hôi, không ủ ấm; cho trẻ nằm nơi thoáng mát, tránh gió; cho trẻ uống nhiều nước hoặc các dung dịch khác như sữa, nước trái cây, tốt nhất là uống nước oreson để bù nước cho cơ thể. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C phải cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo liều lượng quy định.

Kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ bắt đầu có một số biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục (trên 39 độ C), khò khè, khó thở, ngủ li bì, khó đánh thức, co giật kèm tay chân lạnh, nôn hết những gì đã bú hoặc ăn, mỏ ác phồng cao, cổ cứng, xuất huyết, bỏ bú, tiêu chảy ...

Lưu ý khi lựa chọn thuốc hạ sốt cho trẻ

Theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều loại thuốc hạ sốt trên thị trường với các thành phần khác nhau như Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin … Những thuốc có chứa Paracetamol được tin dùng cho trẻ do ít tác dụng phụ và an toàn nhất. Thuốc có nhiều dạng và có thể dùng đường uống hoặc đặt hậu môn. Các mẹ nên cân nhắc khi dùng thuốc có thành phần Aspirin và Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì Aspirin có thể gây tổn thương não, còn Ibuprofen có thể gây các phản ứng khó chịu đến đường tiêu hóa của trẻ.

Nguồn https://suckhoedoisong.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Khác biệt giữa vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi và người lớn (16/2)
 Co giật ở trẻ sơ sinh- Dấu hiệu bệnh gì? (15/2)
 FDA hoãn phê duyệt vaccine Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổi (14/2)
 10 điều cha mẹ cần làm để trẻ phòng Covid khi đến trường (12/2)
 Chuyên gia lý giải về sự cần thiết tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em (11/2)
 Cà chua - Thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý (10/2)
 Tác dụng phụ vaccine Covid-19 ở trẻ 5-11 tuổi (8/2)
 Chuyên gia tai mũi họng cảnh báo thói quen ăn uống dễ gặp dị vật đường ăn (27/1)
 Viêm màng bồ đào cấp ở trẻ em: Nhận biết, điều trị và một số lưu ý với cha mẹ (26/1)
 Loãng xương ở trẻ em: Triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục (24/1)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i