GS Huỳnh Văn Sơn: "Đổi mới tuyển sinh sư phạm không chỉ đáp ứng quy định của NĐ 116 mà còn thể hiện tính tự chủ, đảm bảo định hướng phát triển cơ sở giáo dục".
Năm 2021 là năm đầu tiên các trường đào tạo giáo viên thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP “Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm”.
Với những điểm mới theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cùng quy định hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, công tác tuyển sinh và chất lượng tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị định 116 - thu hút người tài vào ngành sư phạm, cần khai thác nhiều hơn vấn đề định hướng nghề giáo, đảm bảo đầu ra của nghề; đặc biệt, chính thầy cô giáo và truyền thông cần hết lòng hết sức và truyền cảm hứng để nghề sư phạm có những hạt mầm mới thật nhiều nội lực.
Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)
Nhu cầu đào tạo giáo viên khá cao ở một số nhóm ngành
Theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, hiện nay, nhu cầu đào tạo giáo viên vẫn còn khá cao, nhất là với một số ngành, cấp. Hơn nữa, nhu cầu này có khác nhau ở một số địa phương bởi sự tác động từ nhiều yếu tố.
Dựa trên những nghiên cứu chuyên biệt do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho hai trường là Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhu cầu đào tạo giáo viên vẫn còn khá lớn ở một số nhóm ngành như giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và một số ngành mới đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 như: Mỹ thuật, Âm nhạc; Tin học – Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý… và một số ngành khác. Điều này có thể khác nhau ở một số địa phương cụ thể như tỉnh thành và các vùng miền tùy theo dữ liệu thực tiễn.
Việc xác định nhu cầu đào tạo cũng như chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm cần phải dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
Đó là số giáo viên hiện tại và cụ thể là nhu cầu đáp ứng ngay, kết quả dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên dựa trên dự báo số về hưu, số chuyển ngành – bỏ ngành, số học sinh tăng giảm tự nhiên và tăng giảm theo quy luật; số học sinh di cư tự nhiên, nhu cầu của phụ huynh và nhu cầu của học sinh; định hướng phát triển giáo dục Việt Nam (giảm số học sinh, tăng tỉ lệ học sinh học 2 buổi trên ngày trong cả nước…).
Tất cả những biến trên đều được đặt trong các điều kiện phát triển giáo dục, nhất là các quy định chung về ngành, biên chế, các vấn đề liên quan đến giáo dục đảm bảo các vấn đề pháp chế.
Đổi mới tuyển sinh sư phạm là điều tất yếu
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho biết, trong bối cảnh đổi mới giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục mới, công tác tuyển sinh của các trường đào tạo giáo viên cần có những đổi mới, nhất là cần xác định đổi mới tuyển sinh sư phạm không phải chỉ là đáp ứng quy định của Nghị định 116 mà còn là thể hiện tính tự chủ cũng như đảm bảo định hướng phát triển của cơ sở giáo dục, thể hiện vị thế của trường.
Theo đó, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn nêu ra 4 vấn đề quan trọng trong việc đổi mới công tác tuyển sinh ngành sư phạm.
Thứ nhất là tăng cường tuyên truyền về tính ưu việt trong thực hiện chính sách theo Nghị định 116, đặc biệt đối với các trường phổ thông và các địa phương càng phải đẩy mạnh. Bên cạnh đó, có thể phối hợp các trường đào tạo giáo viên để triển khai từ đầu cấp trung học phổ thông (gắn với hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp).
Thứ hai là đổi mới về phương thức tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên theo hướng gắn với đánh giá năng lực để thu hút những thí sinh có “năng khiếu” nghề dạy học.
Thứ ba là tiếp tục đầu tư cho công tác tư vấn tuyển sinh, đặc biệt đối với tư vấn cơ hội việc làm của các ngành gắn với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Cuối cùng, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Nghị định 116 - thu hút người tài vào ngành sư phạm, cần khai thác nhiều hơn vấn đề định hướng nghề giáo, đảm bảo đầu ra của nghề.
Đặc biệt đừng quên rằng, chính thầy cô giáo và truyền thông cần hết lòng hết sức truyền cảm hứng để nghề sư phạm có những hạt mầm mới thật nhiều nội lực, nhất là hứng thú nghề nghiệp và động cơ chọn nghề tích cực đúng nghĩa”, Thầy Sơn bày tỏ quan điểm.
Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cũng cho biết, thực hiện Nghị định 116, liên quan đến cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên, các trường sư phạm cần có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ với các địa phương.
Các trường sư phạm có sự kết nối, hợp tác chặt chẽ với các địa phương tùy thuộc vào mối quan hệ truyền thống hay khả năng xác lập quan hệ đối tác – quan hệ song phương. Đấy chính là tầm nhìn và mục tiêu trọng điểm trong giai đoạn hiện nay.
Nhu cầu này mang tính song phương bởi đó là nhu cầu thật, cho thấy trường sư phạm phải có trách nhiệm với giáo dục địa phương và tạo lập niềm tin bền vững về sự phát triển giáo dục; các địa phương cũng nên xem đây là cơ hội phát triển nhân sự bền vững và có chiến lược đầu tư.
Vấn đề đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên đang là thời cơ để các cơ sở đào tạo giáo viên đẩy mạnh kết nối với các địa phương trong các vấn đề như: dự báo mang tính trung hạn và dài hạn về số trẻ đến trường gắn với nhu cầu giáo viên ở từng cấp từng môn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; song song đó, cần tư vấn các vấn đề liên quan đến phát triển giáo dục mang tính tổng thể thông qua các dữ liệu dự báo và các tiêu điểm cụ thể.
“Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gắn kết các địa phương 19 tỉnh phía Nam trong bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tọa đàm chia sẻ về việc thực hiện Nghị định 116 trong năm đầu tiên.
Bên cạnh đó, để sử dụng ngân sách nhà nước trong việc đào tạo giáo viên, các địa phương cũng cần có những dự báo và đặt hàng các ngành theo giai đoạn 05 năm, để mỗi năm sẽ lũy tiến, hướng tới đảm bảo nhu cầu và có cơ chế sơ kết để rút kinh nghiệm.
Tất cả vấn đề trên là hành động nhất quán của toàn trường, khẳng định sự gắn kết của tập thể và cũng là sự đánh giá tích cực về Nghị định 116 trong bối cảnh hiện nay”, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn khẳng định.
Nguồn https://giaoduc.net.vn