Chăm sóc trẻ
   Trẻ mầm non nghỉ dài ngày, cha mẹ vừa mệt vừa lo
 

 

Dù sợ dịch bệnh, chị Ngọc cho rằng trẻ ở nhà quá lâu có thể còn gây hậu quả nghiêm trọng hơn, nên muốn con được đến trường.

8h30, căn phòng trên tầng hai của gia đình chị Phạm Hồng Ngọc ở quận Hà Đông ồn ã, với tiếng khóc đòi mẹ của đứa con 5 tuổi, tiếng í ới nhờ buộc tóc, lấy đồ vệ sinh cá nhân của con lớn 7 tuổi. Chị phải dừng công việc, sang với con, cho chúng xuống nhà ăn sáng rồi lại "lùa" lên phòng.

Bảy tháng qua, chị Ngọc quanh quẩn hàng ngày với con, sau khi các trường tiểu học và mầm non đóng cửa vì dịch bệnh. Không có ông bà giúp, chồng thường xuyên đi công tác, chị Ngọc xin làm việc từ xa để kết hợp trông con.

Chị bắt đầu ngày mới lúc 6h30: đi chợ, mua đồ ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa rồi làm việc. "Đứa lớn học online buổi tối, từ 18h30 nên 16h30, tôi đã nấu cơm, tắm rửa rồi cho chúng ăn. 21h30 con học xong, tôi kèm con làm bài tập về nhà, xem lại công việc và kết thúc một ngày lúc 23h", chị Ngọc nói, cho biết luôn cảm thấy kiệt sức.

Chị Ngọc chuẩn bị sẵn giấy vẽ, màu để con nhỏ tự chơi, trong lúc làm việc và hướng dẫn con lớn học bài. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Con gái lớn của chị năm nay lớp 2, còn đứa nhỏ đang tuổi mẫu giáo. Ban ngày, trong lúc làm việc, chị kèm đứa lớn ôn bài, chuẩn bị sẵn giấy, kéo, màu và đất nặn để đứa nhỏ tự chơi.

Không có ai chơi cùng, đứa bé thỉnh thoảng lại ì èo. Chán cắt giấy, bé sẽ chạy sang chỗ chị giành đồ dùng học tập. Hai chị em tranh giành, khóc toáng lên mách mẹ. Nhà như chợ vỡ. Những khi có việc cơ quan gấp, chị đành mở tivi để hai con ngồi yên.

Hai đứa trẻ hàng ngày chỉ có thể giải trí bằng tivi, điện thoại hoặc trượt patin trong nhà, ngoài hành lang.

"Tôi khá lo khi thấy con hay cáu gắt, nói lắp bắp thiếu tự tin và đi lòng vòng trong nhà để giải tỏa năng lượng. Tôi tính gửi con về quê cho có không gian nhưng ở đó Internet không ổn định, ông bà lại không thể kèm cháu học", chị chia sẻ.

Chị Ngọc rất lo cho đứa con thứ hai sang năm vào lớp 1 nhưng đã lâu không được đến trường. Ở tuổi này, bé cần tương tác với cô giáo, bạn bè, học các kỹ năng thô, tinh và vận động nhiều để hỗ trợ sự phát triển thể chất, trí não. Chị sợ ở nhà nhiều ảnh hưởng không tốt tới tâm lý và tinh thần của con.

Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây ban hành hướng dẫn an toàn cho các trường mầm non mở cửa đón trẻ. Chị Ngọc hy vọng, động thái này báo hiệu khả năng mở cửa trường sớm. Những ngày gần đây, số ca mắc ở Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên theo chị, khi độ phủ vaccine ở người trưởng thành cao, các trường đảm bảo điều kiện an toàn, việc cho trẻ đi học là cần thiết.

"Hầu hết giáo viên đều đã được tiêm đủ vaccine, hơn nữa mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đến trẻ không nặng như người lớn, người già hay người có bệnh nền. Nhiều trẻ mắc Covid-19 chỉ như ốm thông thường", chị Ngọc nói.


Học sinh mầm non ở Hà Nội đi học trở lại hồi tháng 5/2020, sau ba tháng nghỉ dịch. Ảnh: Giang Huy

Không thể làm việc ở nhà, vợ chồng chị Đinh Thị Hiền, quận Thanh Xuân phải gửi hai con ở nhà một cô giáo mầm non với mức phí 80.000 đồng mỗi cháu. Hai con của chị Hiền cùng vài bé khác được cô trông từ sáng đến tối. Đi làm cả ngày nên chỉ đến tối, khi con học online, chị Hiền mới tranh thủ xem bài vở của đứa lớn tiểu học và hỏi han đứa nhỏ tuổi mầm non.

"Trong trường hợp con được đến trường, tôi sẽ cho chúng đi học. Bọn trẻ cần được sống đúng môi trường và lứa tuổi để phát triển cân bằng", chị Hiền giải thích.

Chị Phan Hồng Hạnh ở quận Hoàng Mai chia sẻ, hoàn toàn hiểu lý do trường mầm non mở cửa muộn. "Trẻ lớn đi học vài buổi còn phải nghỉ, với trẻ mầm non, việc trở lại trường sẽ khó hơn". Nhưng chị cũng băn khoăn "phụ huynh ra ngoài gặp gỡ nhiều, mắc bệnh rồi lây cho trẻ nên ở nhà cũng không chắc đã an toàn".

Con chị Hạnh 5 tuổi, chị sợ con sẽ gặp nhiều bỡ ngỡ khi vào lớp 1 sau gần một năm ròng rã ở nhà.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 5 triệu trẻ mầm non và mẫu giáo. Phần lớn các em chỉ được đến trường khoảng 2 tháng trong năm 2021; thời gian còn lại, trẻ nghỉ ở nhà hoàn toàn. Lứa mầm non, mẫu giáo được đánh giá là độ tuổi thiệt thòi nhất trong việc tiếp cận giáo dục thời dịch bệnh. Không học trực tiếp, cũng không thể học online, các hoạt động và giao tiếp của tuổi này chủ yếu diễn ra trong gia đình.

Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), cho rằng, nên xem xét kỹ ở góc độ tâm lý, thể chất đối với trẻ khi ở nhà quá lâu. Trẻ dưới 6 tuổi cần được chú trọng phát triển ngôn ngữ, vận động, nhận thức, tương tác và cảm xúc xã hội.

Trẻ mầm non đang ở giai đoạn hình thành và phát triển ngôn ngữ. Theo nghiên cứu, các em phải được nghe hàng nghìn lần một từ, thì kỹ năng dùng từ đó mới thành thục. Ở lớp, trẻ có thể nói những chuyện không đầu cuối cả ngày nhưng vẫn vui vẻ. Đó là do chúng có sự giao tiếp ngang bằng, giúp dễ hiểu và học hỏi nhau.

"Nếu chỉ ở nhà, trẻ sẽ nghe và tiếp nhận rất ít ngôn ngữ. Người lớn thường mất kiên nhẫn, dễ nổi cáu, dẫn tới việc con vừa được nghe ít, lại không có cơ hội giao tiếp", thạc sĩ Nga giải thích.

Ngoài ngôn ngữ, trẻ cần có cả vận động tinh và thô. Vận động thô không chỉ để rèn luyện thể chất, phát triển cơ bắp, mà còn tác động hoàn thiện hệ thần kinh và tâm lý. Vận động tinh gồm hoạt động như vẽ, viết, chơi đất nặn, cắt, dán; nhưng ở nhà, bố mẹ gặp khó khăn trong việc dạy trẻ khiến kỹ năng này thường bị bỏ qua.

Bên cạnh đó, trẻ phát triển nhận thức thông qua nhiều kênh. Tại lớp, các cô có những bài học về nhận thức, đồ chơi theo chủ đề, có những bài thơ, bài hát hay câu chuyện để thu hút sự tập trung và tạo hứng thú. Nhưng ở nhà, trẻ không tập trung, thiếu tương tác với bạn và đồ chơi cũng thiếu đa dạng, làm hạn chế sự tiếp nhận của các con.

Trẻ cũng bị thiệt thòi về giao tiếp nếu không đi học. "Các con ở nhà lâu, chỉ giao tiếp đơn điệu với bố mẹ. Phụ huynh cũng đã quen và thấy mọi việc bình thường. Nhưng đến khi ra ngoài, trẻ có thể bộc lộ những điều bất thường", bà Nga cho biết.

Chuyên gia nhận định việc đi học hay không phụ thuộc vào quyết định của nhà chức trách và từng gia đình; nhưng bố mẹ nên tham khảo tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới. Ngoài một số trường hợp có bệnh nền, phần lớn các ca mắc ở trẻ đều không ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Người lớn vẫn ra ngoài đi làm, tiếp xúc xã hội, còn trẻ lại bị bắt ở nhà. Trong khi đó, ở môi trường nào, trẻ cũng có nguy cơ lây nhiễm", thạc sĩ Nga nói.

Nguồn VNE

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Mẹ càng "lười" 3 việc này, con càng thông minh giỏi giang, nhất là 2 cái đầu tiên (20/12)
 Kể một khoảnh khắc của con khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, nghe xong người mẹ nào cũng bất giác mỉm cười (20/12)
 5 thực phẩm nhiều cha mẹ tưởng bổ dưỡng nên cho con ăn nhiều, nhưng vô tình gây dậy thì sớm cho trẻ (20/12)
 6 loại sản phẩm cho trẻ em tưởng vô hại nhưng có thể gây ảnh hưởng lớn đến trẻ (20/12)
 Nếu cha mẹ muốn con thông minh, giàu cảm xúc thì hãy làm cùng con 4 điều này. (20/12)
 Chuyên gia bật mí: Trẻ có 4 dấu hiệu này chứng tỏ giàu cảm xúc, ngoan ngoãn từ nhỏ (9/12)
 Cha mẹ dành thời gian nói với trẻ 6 điều này mỗi ngày để con lớn lên thành công (9/12)
 Em bé 10 tháng tuổi nuốt dị vật này vào bụng, bác sĩ nói: “Thứ này đáng sợ hơn nhiều so với những loại dị vật khác” (9/12)
 Bé gái 11 tuổi đã cao lớn vượt trội bạn cùng lứa nhờ cha mẹ thường xuyên cho ăn những món này (9/12)
 Sinh con vào 5 ngày âm lịch này, dù là con trai hay con gái thì đều tài giỏi, hưởng cuộc sống phú quý (9/12)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i