Những người mới làm cha mẹ có thể gặp khó khăn khi cho bé ăn, dỗ dành bé. Những kỹ năng dưới đây khi luyện tập thành thạo sẽ giúp bạn "dễ thở" hơn khi chăm sóc một em bé sơ sinh.
Cách bế trẻ sơ sinh
Trong lần đầu tiên em bé được trao vào vòng tay cha mẹ, phần lớn chúng ta đều không biết bế bé đúng cách như thế nào. Những người làm cha mẹ lần đầu có thể có một chút sợ hãi. Điều quan trọng là bạn hãy làm việc này với sự cẩn thận, chú tâm.
Cổ của em bé sơ sinh còn yếu và khi bế bé, bạn cần giữ tay mình ở dưới cổ bé. Vì bé chưa thể tự giữ thẳng cổ nên nhiệm vụ của cha mẹ là một tay đỡ dưới đầu bé, một tay đặt dưới hông bé.
Bạn cũng phải cẩn thận với các điểm mềm trên đầu trẻ sơ sinh. Bạn nên hạn chế chạm vào điểm này nhiều nhất có thể. Bế bé sát vào ngực của bạn để bé được an toàn.
Cách bế bé bú
Cho bé bú rất quan trọng, đặc biệt là trong những ngày đầu đời. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời trong những năm tháng đầu đời của bé nên bạn cần học hỏi kỹ thuật cho bé bú đúng cách.
Nghe thì đơn giản nhưng thực tế là nhiều bà mẹ có thể phải đối mặt với các vấn đề như bé bú ít, lượng sữa không đủ và các tổn thương bầu ngực...
Có nhiều cách để bế bé bú mà bạn có thể áp dụng. Hãy chọn cách đem lại sự thoải mái nhất cho bạn và em bé. Nếu bé hơi buồn ngủ, mẹ có thể gãi nhẹ vào lòng bàn chân của bé để bé tỉnh táo và tập trung vào việc bú mẹ. Điều này sẽ đảm bảo bé không ngủ với cái bụng đói.
Cách quấn khăn/tã trẻ sơ sinh
Quấn tã đúng cách là chìa khóa để giữ trẻ bình tĩnh và thoải mái. Đầu tiên, bạn đặt khăn theo hình thoi, rồi gấp góc trên của khăn và đặt em bé nằm lên trên. Sau đó, bạn kéo một góc của tấm khăn qua ngực bé, phủ qua cả tay. Kéo cạnh dưới của khăn lên để bao bọc chân và gài khăn trước ngực bé. Cạnh khăn còn lại bạn làm tương tự như bước 2, quấn vòng qua người bé và gài lại.
Cách massage cho bé
Massage giúp cho xương và cơ của bé khỏe mạnh hơn. Quy tắc đầu tiên là không massage bé trước hoặc ngay sau khi bé ăn. Bạn massage bé theo các bước áu: Đặt bé nằm trên một chiếc khăn hoặc mặt phẳng thoải mái (giống như giường) và sử dụng dầu thực vật. Bạn bắt đầu với chân, rồi tới tay, ngực và cuối cùng là lưng của bé.
Bạn nên massage cho bé hàng ngày.
Cách tắm cho bé
Hầu như bất kỳ người mới làm bố mẹ nào cũng lo lắng về việc này. Điều quan trọng là trẻ sơ sinh chỉ cần tắm bằng cách dùng khăn sạch lau rửa người trong tuần đầu tiên. Bạn nên chờ cho đến khi dây rốn của bé khô và tự rụng rồi mới cho bé tắm bồn.
Bé không cần phải tắm hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cần kiểm tra nhiệt độ nước trước khi cho bé tắm và giám sát sát sao trong quá trình tắm bé.
Thay đổi về cảm xúc khi lần đầu làm mẹ
"Mệt mỏi" nhưng "Vui": Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy bị quá tải khi chăm con vì xoay quanh một ngày 24 giờ đều là đứa bé. Đặc biệt, những ai lầ đầu làm mẹ chưa "quen" được tần suất như vậy sẽ càng áp lực.
Tuy nhiên, mệt mỏi là thế, nhưng khi nhìn lại đứa con đang cười hay những lúc say ngủ, phải chăng sự hạnh phúc và niềm vui đang dâng lên trong lòng bạn? Để dẹp bỏ những cảm xúc tiêu cực khi lần đầu làm mẹ, bạn nên cân đối thời gian của mình phù hợp. Bạn hãy tìm hiểu phương pháp EASY rèn cho bé nếp ăn nếp ngủ phù hợp sinh hoạt người lớn. Bên cạnh đó, khi bé đi ngủ, bạn cũng tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức.
Căng thẳng và đau đớn khi cho con bú: Hầu hết những ai lần đầu làm mẹ luôn gặp khó khăn khi cho bé bú. Bé bú không ra sữa hay những cú "đớp" của bé khiến bạn đau rát, "nứt cổ gà". Nguyên do chính là bé chưa ngậm đúng khớp vú để kích sữa. Vì vậy, nếu lần đầu làm mẹ, bạn chưa biết làm thế nào thì hãy nhờ sự giúp đỡ của các nữ hộ sinh hoặc từ bà nội, ngoại, các chị em thân thiết hướng dẫn cách xem sữa non và bé có ngậm đúng khớp vú chưa.
Áp lực vì không biết chăm con: Lần đầu làm mẹ, bạn sẽ rất bỡ ngờ không biết tại sao con khóc cũng như không biết cách chăm sóc con. Đừng quá lo lắng, bạn hãy bình tĩnh xem xét tình huống và nhờ nội/ngoại hướng dẫn. Nếu không, bạn có thể tìm hiểu ở thông tin dưới đây.
Nguồn Phunutoday