Nhiều chị em đang trong thời gian mang thai đều khá lo lắng khi đi khám thai trong mùa dịch. Đừng quá lo lắng, BS chuyên khoa sản sẽ hướng dẫn bạn những việc cần làm để hạn chế tối đa đi khám không cần thiết, trong khi vẫn đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh cả mẹ và con.
Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang còn nhiều diễn biến phức tạp. Ai cũng có những mối lo lắng của riêng mình cũng như gia đình của mình. Trong đó một bộ phận chị em phụ nữ dù mới mang thai hay sắp đến ngày lâm bồn, chuyển dạ càng lo lắng hơn cả khi trong mình còn có sinh linh bé nhỏ.
Theo BS Nguyễn Ngọc Chiến (Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec), trong khi các thành phố lớn và nhỏ giãn cách bởi dịch bệnh Covid-19, kéo theo đó là các phòng khám chuyên khoa đóng cửa và các bệnh viện cũng thu hẹp quy mô hoạt động thì nhiều khách hàng - bệnh nhân sẽ hoang mang vì không biết lịch khám định kì có còn được/ cần thực hiện và khi có tình huống cấp cứu thì phải làm như thế nào.
Hiểu rõ những điều đó, hôm nay, BS Chiến chia sẻ một số nguyên tắc chị em đang trong thời gian thai kỳ cần ghi nhớ để có thể bảo vệ tốt nhất cho cả mẹ và bé cùng yên tâm, thoải mái đi qua đợt dịch thứ 4 còn nhiều diễn biến phức tạp.
1. Chọn một bác sĩ và bệnh viện dự sinh ngay từ đầu
Theo BS Nguyễn Ngọc Chiến, ở ngay giai đoạn đầu của hành trình bầu bí nên chọn cho mình một bác sĩ và bệnh viện mà mình thấy tin tưởng nhất. Điều này giúp thai phụ chủ động liên hệ tư vấn khi cần và vào địa chỉ đó khi thực sự cần thiết. Có những vấn đề có thể xảy ra trong hành trình mang thai mà bạn không thể đoán trước. Việc chủ động tìm đến những người, những nơi bạn tin tưởng lựa chọn từ trước vừa tránh mất thời gian vừa giúp bạn yên tâm hơn trong mùa dịch bệnh.
2. Hạn chế tối đa số lần đi khám thai
BS Chiến khuyên, hạn chế tối đa số lần đi khám thai vì chúng ta đều biết phần lớn những bệnh viện luôn là nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Đối với thai phụ, điều này càng cần chú ý hơn cả bởi một khi người mẹ nhiễm bệnh sẽ suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng đến cả mẹ lẫn con. Thế nên, ngay cả khi các phương án phòng lây nhiễm bệnh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn cũng không nên chủ quan, hãy tính toán số lần khám thai chính xác hơn.
3. Nếu bạn đang ở trong 3 tháng đầu thai kỳ, đã khám và siêu âm xác định thai trong buồng tử cung
BS Chiến khẳng định, nếu các bạn đang ở trong 3 tháng đầu thai kỳ và đã khám, siêu âm xác định được thai đúng vị trí trong buồng tử cung, khả năng lớn là bạn không cần phải khám thêm cho đến khi thai cán mốc 11-14 tuần. Chuyên gia cho rằng, có thể trong giai đoạn này, thai phụ sẽ gặp bất thường như đau bụng kèm ra máu nhưng không cần phải vội vã hay hoảng sợ khi không khám được ngay vì phần lớn thai vẫn sẽ phát triển bình thường, số rất ít có thể bị sảy sớm hoặc thai lưu. Nếu điều đó xảy ra, bạn cũng không nên trách mình không đi khám được hay vì thiếu thuốc. Hãy hiểu, đó là quy luật và sự chọn lọc tự nhiên và không có thuốc nào đảo ngược được kết cục đó. Việc không may thai bị lưu mà bạn không biết, có thể là 1, 2, 3 hay 4 tuần cũng sẽ không gây hại gì cho người mẹ, kết thúc có thể là sảy thai lưu tự nhiên, tiết kiệm cho bạn một lần can thiệp có thể không thực sự cần thiết.
4. Nếu thai phụ đang ở trong 3 tháng giữa thai kỳ
Theo BS Nguyễn Ngọc Chiến, nếu đã kịp khám mốc 12 tuần và mọi chỉ số bình thường thì các mốc khám 15, 18 tuần hoàn toàn có thể giảm bớt. Thông thường, giai đoạn này là giai đoạn ổn định. Bạn có thể chờ đến tận tuần 22 để siêu âm hình thái (nhớ book lịch trước để có sự chuẩn bị tốt nhất cho lần khám này). Nếu bạn phải lùi lại 2-3 tuần thì cũng không có gì nghiêm trọng. Trong giai đoạn này và cho đến khi thai cán mốc 30 tuần, nghiệm pháp đường huyết để sàng lọc tiểu đường thai kỳ là quan trọng nhất, đặc biệt trong giai đoạn cách ly do dịch bệnh, nguy cơ này dễ tăng cao do ít vận động và chế độ ăn uống thiếu khoa học. Nếu không may bị tiểu đường thai kì thì bạn có thể book lịch tư vấn online. Lưu ý là nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ và không được phát hiện hay theo dõi sát thì bé có thể bị thiếu oxy gây mất tim thai đột ngột cuối thai kì. Hiện tượng này hiếm nhưng có thể xảy ra nếu bạn để đường huyết cao kéo dài.
5. Nếu thai phụ đã vượt qua mốc 28 tuần
Thông thường, khi vượt qua mốc này, lịch khám thai sẽ dày hơn nhưng nếu thai kì của bạn đang bình thường thì vẫn có thể giãn lịch khám ra. Tại nhà, bạn có thể theo dõi sức khoẻ của bản thân và của bé bằng một chiếc cân, một máy đo huyết áp nếu như bạn có nguy cơ cao với cao huyết áp và tiền sản giật, một máy đo đường huyết nếu bạn không may bị tiểu đường thai kỳ, theo dõi cử động thai. Chú ý đo các thông số theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo bạn và con không gặp tình huống nguy hiểm.
6. Chỉ vào viện khi thấy dấu hiệu chuyển dạ đã rõ
BS Chiến nhận định, khi chuyển dạ, thai phụ không nên vội vào viện ngay khi chưa có dấu hiệu rõ ràng, tránh việc vào rồi lại về làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh... Nếu không gọi được ô tô hay nhà không có xe, bạn có thể vào viện bằng xe máy. Trừ những ca sinh lần 2, lần 3... thì cần vào viện sớm hơn.
"Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp ích phần nào cho các bạn, giúp các bạn yên tâm hơn, khám ít hơn và có một thai kì an toàn trong mùa dịch", BS Nguyễn Ngọc Chiến nhắn nhủ.
Theo Nhịp Sống Việt