Ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín cho biết việc nhà trường cắt toàn bộ 20% phụ cấp của nhân viên y tế là sai.
Như bài biết: "Gần 90 nhân viên y tế trường học ở Hà Nội bị cắt giảm phụ cấp gần 1 triệu/tháng" đã được Tạp chí đăng tải vào ngày 8/6 nêu thực tế, 6 năm qua, gần 90 nhân viên y tế Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở tại huyện Thường Tín bị cắt, giảm 20% phụ cấp/tháng (gần 1 triệu đồng). Trong đó, có nhiều trường hợp bị cắt hoàn toàn khoản phụ cấp 20%.
Ngày 8/7, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín (Hà Nội) nhấn mạnh, việc các trường cắt hoàn toàn phụ cấp của nhân viên y tế là sai.
Vị lãnh đạo huyện cũng khẳng định việc cắt phụ cấp trên không phải là chỉ đạo của huyện, bởi việc này là các trường tự chủ chi trả cho nhân viên y tế.
"Việc cắt phụ cấp không phải là huyện chỉ đạo cắt, bởi các trường người ta tự chủ việc này nhưng họ làm thế là không được", ông Thản cho hay.
Ông Thản cũng cho biết thêm, trước sự việc trên, Huyện đang cho Kế toán của Phòng Tài chính - Kế hoạch Huyện yêu cầu kế toán các trường tổng hợp các nhân viên y tế bị cắt phụ cấp và tuần này sẽ có báo cáo của các trường.
"Huyện sẽ cho Kế toán của Phòng Tài chính kiểm tra lại các trường và sẽ có kiến nghị, bởi phụ cấp tối đa không quá 20%, thì có thể là 1%, có thể là 2%, nhưng không có (cắt hoàn toàn - PV) là không được và chúng tôi sẽ có nhắc nhở đối với các trường này", Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thường Tín nói.
Trước đó vào tháng 6 trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc các trường tại huyện Thường Tín chi trả không thống nhất mức phụ cấp cho nhân viên y tế, bà Uông Thị Phượng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thường Tín cho hay, trong Nghị định 56 đã ghi rõ rằng, nhà trường tự thống nhất với nhau và căn cứ trên đặc thù công việc được giao.
Trước đó Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của gần 90 nhân viên y tế tại các trường học bậc Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở tại 29 xã và thị trấn của huyện Thường Tín thông tin về việc bị cắt giảm phụ cấp 20%.
Theo nội dung đơn, những nhân viên này được nhận quyết định biên chế vào năm 2008 (đối với nhân viên y tế bậc Tiểu học và Trung học cơ sở) và năm 2010 (đối với nhân viên y tế bậc Mầm non). Kể từ thời gian được biên chế đến năm 2014, họ được nhận phụ cấp tiền lương và phụ cấp ưu đãi 20% từ ngân sách nhà nước.
Năm 2014, huyện Thường Tín có văn bản 204 thông báo về việc chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế trường học trong huyện là sai và kể từ năm 2015, huyện sẽ giao về các trường tự thực hiện theo Nghị định 56. Ảnh: N.N
Tuy nhiên, kể từ ngày 10/1/2015 đến nay, nhân viên y tế tại các bậc học trên trên bị cắt, giảm 20% phụ cấp theo văn bản 204 của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Thường Tín. Theo đó, thay vì huyện Thường Tín chi trả ngân sách nhà nước đối với khoản phụ cấp của nhân viên y tế, thì huyện giao cho nhà trường tự chủ việc này.
Về việc cắt, giảm phụ cấp, có nơi nhân viên y tế chỉ được nhận được phụ cấp 0,15 % đến 0,2 % theo mức lương cơ bản từ nhà trường (khoảng hơn 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng), nơi nào cao thì chi trả 10% lương hệ số, cá biệt nhiều trường còn cắt hẳn khoản phụ cấp này.
Nội dung đơn nêu, các nhân viên y tế làm trong các trường học phải làm rất nhiều công việc như chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Họ là những người phải tiếp xúc trực tiếp với học sinh, người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề.
“So với môi trường làm việc tại Trạm y tế xã hay bệnh viện thì chúng tôi bị thiệt thòi rất nhiều về các khoản ưu đãi nghề, nay lại cắt của chúng tôi 20%...”, trích đơn.
Theo nội dung văn bản của huyện Thường Tín, thẩm quyền quyết định mức phụ cấp ưu đãi đối với viên chức làm chuyên môn y tế trong các trường học là các thủ trưởng đơn vị, và nguồn kinh phí thực hiện chi trả là nguồn thu của đơn vị đã được giao dự toán hàng năm theo quy định của luật ngân sách nhà nước. Ảnh: N.N
Trong khi huyện Thường Tín cắt giảm 20% phụ cấp của các nhân viên y tế thì theo tìm hiểu của phóng viên, tại các huyện lân cận khác như Phú Xuyên, Thanh Oai…nhân viên y tế trong trường học tại đây vẫn được nhận 20% phụ cấp.
Từ lẽ trên, các nhân viên y tế trường học tại huyện Thường Tín mong muốn được cơ quan ban ngành xem xét để họ được nhận phụ cấp như các đồng nghiệp ở huyện khác.
Nguồn https://giaoduc.net.vn/