Giáo dục trẻ
   6 câu bố mẹ hay nói khiến trẻ tổn thương
 

 

Do mệt mỏi, cáu giận hoặc vô thức lặp lại những gì từng nghe khi còn nhỏ, các bố mẹ đôi khi vẫn nói ra những câu khiến con bị tổn thương.

Làm bố mẹ không phải điều dễ dàng song bạn có thể làm tốt hơn mỗi ngày. Dưới đây là sáu câu nói gây tổn thương trẻ sẽ giúp phụ huynh ý thức hơn về ngôn ngữ của mình.

"Có gì to tát đâu"

Trẻ con dễ khóc vì những thứ có vẻ ngốc nghếch. Tuy nhiên, dù khó chịu vì tiếng khóc, bố mẹ cũng không nên gạt đi cảm xúc của đứa trẻ bằng câu nói "có gì to tát đâu".

Những vấn đề nhỏ cùng cảm xúc đi kèm rất quan trọng đối với đứa trẻ. Theo chuyên gia nuôi dạy con Amy McCready (Mỹ), khi nói "có gì to tát đâu", bố mẹ sẽ khiến con hiểu rằng "cảm xúc của mình không quan trọng" hoặc "thật ngớ ngẩn khi sợ hãi hoặc thất vọng".

Thay vì chối bỏ cảm xúc của con, bố mẹ hãy dành một khoảng thời gian để cố hiểu sự việc theo góc nhìn của trẻ nhỏ. Bà McCready gợi ý phụ huynh mở lời: "Con có vẻ đang rất sợ hãi/ thất vọng/ tức giận. Con có muốn nói chuyện với bố mẹ để tìm cách giải quyết không?". Như vậy, phụ huynh vừa giúp con xác định cảm xúc của mình (một phần quan trọng trong sự phát triển trí thông minh cảm xúc - EQ) vừa cho trẻ thấy bố mẹ luôn luôn ở bên con.

"Con không bao giờ" hoặc "con luôn luôn" làm điều gì đó

Không ai "không bao giờ" hoặc "luôn luôn" làm điều gì đó cả. Ngay cả các nhà tư vấn hôn nhân cũng khuyên khách hàng tránh sử dụng cụm từ "không bao giờ" với nhau.

Chuyên gia tư vấn phụ huynh Robbin McManne nhận định hai cụm từ "con không bao giờ" hoặc "con luôn luôn" cho thấy phụ huynh không còn quan tâm đến phản ứng của trẻ trong một tình huống nhất định. Vì tự đóng khung phản ứng của con, bố mẹ sẽ lỡ mất cơ hội dạy con điều nên làm hoặc có thể làm nếu tình huống tương tự phát sinh.

Thay vì hai cụm từ trên, phụ huynh nên tìm hiểu lý do con lặp đi lặp lại một cách phản ứng trong một tình huống cụ thể. Theo bà McManne, bạn không đứng từ xa hét to mà hãy đến gần con để dễ dàng kết nối, chia sẻ với trẻ.

"Con khiến bố mẹ buồn khi làm thế"

Tất nhiên, bạn sẽ thất vọng nếu con không nghe lời. Tuy nhiên, điều quan trọng là thiết lập, duy trì các ranh giới và không đổ cảm xúc của mình lên con.

Chưa kể, việc nói "con khiến bố mẹ buồn khi làm thế" sẽ đem tới cho trẻ "quyền lực tiêu cực". Cụ thể, nếu biết mình có khả năng khiến bố mẹ vui, buồn hoặc tức giận, đứa trẻ sẽ tận dụng các cơ hội để thúc đẩy người lớn phản ứng theo mong muốn của chúng.

"Và sau này khi trưởng thành, suy nghĩ đó của trẻ sẽ làm hại các mối quan hệ tương lai, khiến trẻ trở thành kẻ thao túng người khác để đạt được thứ mình muốn", bà McCready cảnh báo.

Ảnh: Flipboard.

Do đó, thay vì "con khiến bố mẹ buồn khi làm thế", bố mẹ hãy chuyển sang dùng các câu nói mang tính chất đặt ranh giới, ví dụ "nhảy trên sofa là không...". Bạn cũng có thể cho trẻ các lựa chọn như: "Con muốn chơi yên lặng trong nhà hay ra ngoài".

"Con nên tốt hơn thế"

Mục đích của câu nói này là khiến trẻ thấy có lỗi, xấu hổ và thay đổi nhưng thực ra, nó đẩy trẻ vào thế phòng thủ, thậm chí ít nghe lời hơn. Theo bà McCready, khi nghe bố mẹ nói vậy, trẻ cũng bị suy giảm sự tự tin.

"Câu nói này gửi đi thông điệp rằng đứa trẻ quá ngu ngốc, chưa trưởng thành để đưa ra quyết định đúng đắn. Thế nhưng, một đứa trẻ rõ ràng chưa thể biết cách ứng xử tốt hơn theo ý bố mẹ", bà McCready nói thêm.

Giải pháp thay thế cho câu nói "con nên tốt hơn thế" là những câu tập trung vào cách giải quyết. Nhờ đó, bố mẹ sẽ cho trẻ cơ hội thực hành giải quyết vấn đề và sửa lỗi của chính mình. Trẻ cũng sẽ chủ động nghĩ về những cách ứng xử nên đưa ra ngay từ đầu.

"Để bố mẹ làm"

Khi đang vội ra khỏi nhà mà chờ mãi trẻ không xong một việc nhỏ như buộc dây giầy, bố mẹ thường làm luôn hộ con. Tuy nhiên, hãy tránh điều đó nếu bạn có thể.

"Đứa trẻ sẽ hiểu rằng mình không đủ sức hoàn thành công việc nhỏ đó đến mức bố mẹ phải can thiệp. Như vậy, trẻ vừa nản lòng vừa khó chịu", McCready phân tích.

Trong tình huống này, bố mẹ nên kiên nhẫn cho trẻ thời gian chúng cần để làm xong. Hoặc ít nhất, phụ huynh hãy nói rõ vì sao bạn vội. Ví dụ: "Bố mẹ sẽ giúp con lần này vì chúng ta muộn giờ rồi. Nhưng lần sau hãy cùng giải quyết nhé".

"Con là..." đi kèm một nhãn dán

Ví dụ, "con là đứa trẻ lười biếng" hoặc "con là đứa trẻ học kém".

Theo McManne, một trong những điều quan trọng nhất bố mẹ có thể làm cho con là không dán nhãn chúng. Việc dán nhãn khiến mối quan hệ bố mẹ - con cái sứt mẻ bởi phụ huynh có thể không nhận ra đứa trẻ đang gặp khó khăn và cần được giúp đỡ. Bố mẹ cho rằng những hành vi của trẻ liên quan đến nhãn dán mà họ đưa ra, thay vì đào sâu tìm hiểu điều gì đang xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ.

Nhãn dán cũng có thể khiến trẻ thay đổi suy nghĩ về bản thân. Ví dụ, nếu thường xuyên bị bố mẹ nói là "ngu ngốc", trẻ sẽ nghĩ mình ngu ngốc dù sự thật chưa chắc đã như thế.

Những nhãn dán có vẻ tích cực như "con là đứa trẻ thông minh" đôi khi cũng gây hại. Theo McCready, đứa trẻ dễ hiểu rằng "mình đạt điểm cao chỉ vì được sinh ra với bộ não thông minh" chứ không phải nhờ cố gắng, chăm chỉ. Chưa kể, nếu lần tới bị điểm kém, nó sẽ hoang mang, tự hỏi "sao mình thông minh mà thất bại".

Giải pháp cho bố mẹ là chú ý và hoan nghênh nỗ lực của trẻ chứ không tập trung vào kết quả. Bên cạnh đó, tránh việc dán nhãn bất kể cái nhãn đó là tốt hay xấu.

Nguồn VNE

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Cách dạy con tự tin về tiền bạc (2/7)
 3 hành vi của cha mẹ khiến trẻ nổi loạn (2/7)
 Giúp con xóa bỏ cảm xúc đố kỵ (20/6)
 Trả lời con thế nào trước câu hỏi "em bé chui từ đâu ra?" (14/6)
 Bố mẹ sẽ hối hận nếu dạy con theo quan điểm cũ này (14/6)
 Là cha mẹ nhất định phải tránh những lời nói gây sát thương cho con như thế này (14/6)
 Cha mẹ phải rũ bỏ những điều này nếu muốn làm bạn cùng con (8/6)
 Làm gì khi trẻ trộm tiền? (8/6)
 4 điều phải dạy con trước 10 tuổi (2/6)
 Tại sao không nên kèm con học bài? Hiểu điều này cha mẹ sẽ đồng ý ngay! (2/6)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i