Quan niệm dân gian cho rằng, ai là người bế đứa trẻ đầu tiên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tương lai đứa bé, điều này cũng có cơ sở khoa học.
Ngày xưa ông bà ta có quan niệm rằng, khi trẻ mới được sinh ra, ai là người bế trẻ đầu tiên thì đứa trẻ sẽ thân với người đó và sẽ có những ảnh hưởng đến tính cách và tương lai của trẻ. Chính vì điều này, nhiều gia đình rất coi trọng việc chọn người có tính cách tốt, giỏi giang, vui vẻ để bế đứa bé mới chào đời. Họ cho rằng đây là lời chúc phúc với mong muốn những gì tuyệt vời nhất sẽ dành cho con cháu của mình.
Cũng vì coi trọng vấn đề "đón tay" trẻ sơ sinh này mà nhiều gia đình cũng đã xảy ra mâu thuẫn.
Chị Phương mới đây đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh trong niềm hân hoan của cả nhà. Ngày đứa bé chào đời, cả hai gia đình nội ngoại đều có mặt đông đủ, chờ đợi sự xuất hiện của thiên thần bé nhỏ. Vì là cháu đích tôn nên ông bà nội đặc biệt vui mừng hơn ai hết.
Khi cô y tá bế đứa trẻ từ phòng sinh ra, ông nội đã phấn khởi tiến nhanh đến phía trước, định ôm cháu ngắm nhìn. Không ngờ bà nội đã lập tức ngăn cản, không cho ông bế cháu. Sau đó bà nội là người đầu tiên ôm đứa bé vào lòng. Hành động của bà nội khiến ông nội rất tức giận nên ông đã bỏ về nhà.
Hóa ra việc bà nội ngăn cản ông bế cháu là có lý do. Vì trước đó ông rất vui mừng khi sắp có cháu đích tôn nên ở nhà đã uống vài ba ly rượu. Khi đến bệnh viện, trên người ông tỏa ra mùi rượu nồng nặc vô cùng khó chịu. Bà nội cho rằng mùi rượu này sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cháu trai, hơn nữa khi ngà ngà say ông có thể trở nên lúng túng và đánh rơi cháu.
Sự lo lắng của bà nội không phải là mê tín mà có cơ sở khoa học. Thực tế, khi đứa trẻ mới chào đời có sức đề kháng rất yếu, cơ thể cũng mỏng manh, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài. Chính vì thế trong giai đoạn đầu đời và nhất là thời điểm đón trẻ từ tay y tá, đây là những người mà phụ huynh nên cẩn thận đề phòng, tránh để họ tiếp xúc gần hoặc bế trẻ trên tay.
1. Người nghiện rượu, thuốc lá
Những người nghiện hút thuốc thường sẽ lưu lại khói thuốc và mùi hương khó chịu trên cơ thể và quần áo. Trẻ sơ sinh vốn rất nhạy cảm và mùi vị của thuốc là sẽ khiến cho trẻ rất khó chịu, có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ.
Tương tự với những người hay uống rượu thì từ trong hơi thở của họ đã bốc lên mùi rượu nồng nặc. Hơn nữa nếu một người uống rượu, cơ thể họ sẽ có phản xạ kém hơn, tay chân lóng ngóng. Việc bế trẻ sơ sinh đối với người này là không thích hợp, sẽ gây ra nguy hiểm đối với đứa trẻ.
2. Người lớn tuổi có khả năng vận động kém hoặc có bệnh
Nhiều gia đình để người già trong nhà bế cháu vì cho rằng đó là một hành động thể hiện sự tôn kính. Tuy nhiên nếu người lớn tuổi trong gia đình không còn đủ minh mẫn, tay chân không nhanh nhẹn thì không nên để họ đón tay đứa trẻ vì có nguy cơ xảy ra việc trượt ngã, gây nguy hiểm cho cả người già và trẻ nhỏ. Đặc biệt người già thường có hệ miễn dịch yếu,hay mắc bệnh và sẽ rất dễ lây cho trẻ sơ sinh.
3. Người mắc bệnh truyền nhiễm
Đứa trẻ mới sinh ra sức đề kháng còn rất kém. Những người mắc bệnh truyền nhiễm nếu tiếp xúc sẽ có thể truyền bệnh sang cho đứa trẻ. Bố mẹ cần đặc biệt chú ý đến những người có vết phồng rộp ở xung quanh miệng và mắt, có khả năng họ đang mắc virut Herpes và sẽ rất nguy hiểm khi trẻ sơ sinh bị nhiễm loại virut này.
Nguồn Afamily