Không phải bất cứ sự thay đổi khi mang thai nào cũng ảnh hưởng tới em bé, mẹ bầu đừng tỏ ra quá lo lắng mà vẫn bình tĩnh xem xét từng thay đổi cụ thể.
Có một số cách có thể biết được thai nhi có khỏe mạnh hay không thông qua các biểu hiện bên ngoài. Trên thực tế, khi mang thai cơ thể phụ nữ sẽ có rất nhiều thay đổi, nhưng nếu bạn nhận thấy 4 thay đổi sau, điều này chứng tỏ em bé vẫn đang phát triển tốt, đừng quá lo lắng.
1. Sắc mặt rạng rỡ, tinh thần thoải mái
Khi một người không khỏe, bạn có thể dễ dàng nhận ra thông qua sắc mặt của họ như làn da xỉn màu, tái xanh, môi nhợt nhạt... Con người giống như một cỗ máy, khi một cơ quan bị bệnh, nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Thai nhi kết nối với cơ thể người mẹ thông qua dây rốn, nó không chỉ hấp thụ các chất dinh dưỡng mà còn trao đổi chất lỏng trong cơ thể. Vậy nên, bất cứ một sự thay đổi nào của thai nhi, người mẹ cũng đều có thể cảm nhận được thông qua dây rốn.
Thai nhi có thể cảm nhận được tất cả những sự thay đổi của người mẹ và ngược lại. (Ảnh minh họa)
Theo một báo cáo trên tạp chí của Anh "Journal of Epidemiology and Public Health", một nhà nghiên cứu của Đại học London đã tiến hành một thí nghiệm giữa người mẹ và thai nhi. Họ lấy máu của người mẹ có thai nhi bị bệnh và máu của một người mẹ mang thai bình thường đem ra so sánh với nhau. Kết quả cho thấy, họ tìm được một số chất độc rất đặc biệt. Sau nhiều lần thử nghiệm, các nhà nghiên cứu tin rằng, những chất độc đó là do thai nhi bị bệnh và nó gây hại cho người mẹ.
Nghiên cứu này cũng rút ra được một kết luận, nếu phụ nữ mang thai có làn da đẹp hơn trước, mịn màng và căng bóng, điều này có nghĩa là em bé bên trong vẫn rất khỏe mạnh.
Ngược lại, sau 3 tháng mang thai, nếu da dẻ người mẹ đột nhiên xấu đi, tinh thần suy nhược thì cần đặc biệt chú ý. Trước tiên, người mẹ cần kiểm tra xem bản thân mình có bị bệnh hay không, tốt nhất là nên đến bệnh viện kiểm tra. Trong tam cá nguyệt đầu tiên, việc sàng lọc các dị tật là điều cực kỳ cần thiết, nhiều vấn đề của thai nhi nếu được phát hiện sớm có thể chữa trị được, quan trọng là không được chậm trễ.
Bác sĩ Nhi khoa người Mỹ, tiến sĩ Blitzerton cũng tin rằng, mang thai cũng là một kiểu phục hồi sức khỏe của phụ nữ, tế bào gốc của bào thai sẽ giúp mẹ sửa chữa các cơ quan nội tạng đang bị tổn thương, đặc biệt là đối với bệnh gan và ung thư. Thai nhi sẽ biết cách bảo vệ mẹ theo cách của riêng mình.
2. Thai nhi hiếu động, thích đạp vào bụng mẹ
Trong trường hợp bình thường, thai nhi bắt đầu có những cử động đầu tiên vào khoảng tháng thứ 4. Theo tiêu chuẩn của WHO, trong 12 tiếng thai nhi sẽ cử động khoảng 30-40 lần, nếu vượt quá cũng không sao, nhưng dưới 20 lần thì người mẹ cần chú ý. Nếu thai nhi không khỏe, chúng sẽ không cử động nhiều như thường ngày, nhịp tim cũng không đều, ít bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài.
Ngoài ra, khi bị thiếu oxy, thai nhi cũng sẽ làm giảm tần suất cử động, nếu không can thiệp kịp thời có thể gây ra nguy cơ thai chết lưu.
Thời điểm tốt nhất để đếm cử động của thai nhi là sau khi ăn sáng, trưa, tối. Vào thời điểm này, hàm lượng đường trong máu tăng nhanh, thai nhi như được nạp năng lượng, thuận lợi cho việc đếm các cử động.
Người mẹ có thể đếm cử động vào một giờ cố định mỗi ngày, đếm trong 1-2 tiếng rồi nhân số lần lên. Nếu trong 2 tiếng có 6 lần thai nhi cử động, điều này được xem là em bé hoạt động bình thường, phát triển tốt.
3. Mẹ bầu kém ăn, đi tiểu thường xuyên, gấp gáp
Các triệu chứng này thường xuất hiện vào giai đoạn giữa hoặc cuối thai kỳ. Khi thai nhi lớn dần lên, nó sẽ tác động vào tử cung của người mẹ, khiến tử cung có thể dịch chuyển sang các cơ quan khác. Lúc này, người mẹ thường có cảm giác chán ăn, mỗi lần ăn đều rất ít, nguyên nhân là do tử cung đè lên dạ dày, khiến dạ dày khó có thể chứa được nhiều thức ăn.
Trên thực tế, mỗi bữa người mẹ có thể ăn ít đi, nhưng tần suất lại tăng lên đáng kể, chia ra làm nhiều bữa trong ngày, nhìn chung số lượng thức ăn vẫn không giảm. Nhiều người mẹ dù thực sự không muốn ăn nhưng vẫn cố gắng ép mình ăn, vì họ tin rằng thời điểm này thai nhi cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển nhanh.
Bên cạnh cảm giác ít thèm ăn, một số mẹ bầu lại đi tiểu nhiều lần hơn, mặc dù lượng nước tiểu rất ít, điều này gây ra không ít phiền toái. Đó là do bàng quang bị tử cung chèn ép nên chỉ có thể chứa một ít nước tiểu, tốc độ bài tiết nước tiểu vẫn không thay đổi. Khi bàng quang đầy, đương nhiên các mẹ bầu phải đi vệ sinh nhiều lần hơn nên cảm thấy hoảng sợ.
Bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu không nên nhịn đi tiểu, vì càng nhịn tiểu sẽ khiến bàng quang căng to hơn, kích thích lên tử cung. Nếu việc kích thích diễn ra liên tục, tử cung sẽ bị co thắt, dễ dẫn tới sinh non.
4. Căng tức ngực, khó chịu
Sau khi mang thai, phụ nữ sẽ cảm thấy ngực mình to ra, hơi căng tức, màu sắc của núm vú và quầng thâm cũng thay đổi đáng kể. Điều này khiến cho không ít phụ nữ cảm thấy mình trở nên xấu xí. Tuy nhiên, tình trạng này là do nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi, nó kích thích vú để chuẩn bị cho việc tiết sữa. Mặc dù có chút khó chịu, nhưng sự thay đổi này là một sự chuẩn bị tốt cho em bé sau này có sữa mẹ bú.
Tóm lại, những sự thay đổi khi mang thai kể trên đều chứng tỏ em bé vẫn đang phát triển khỏe mạnh. Người mẹ không cần quá lo lắng mà chỉ nên chú ý, đặc biệt, 2 cảm giác sau tuy có gây khó chịu cho người mẹ một chút.
Nguồn: Nhịp Sống Việt