Nuôi con bằng sữa mẹ có tác dụng bảo vệ chống lại hầu hết các rối loạn do hệ miễn dịch gây ra cho trẻ như hen suyễn, đái tháo đường typ 1, bệnh Crohn...
Tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn đang ngày càng gia tăng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Nguy cơ phát triển các bệnh này phần lớn được xác định bởi hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoặc có thể xuất hiện trong vài tháng đầu sau khi sinh.
Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Karolinska ở Thụy Điển đã nghiên cứu cách hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh thích nghi và được định hình bởi nhiều vi khuẩn, virus, chất dinh dưỡng và môi trường khác mà em bé tiếp xúc trong vài tháng đầu đời. Từ đó cho thấy mối liên hệ giữa sữa mẹ, vi khuẩn có lợi đường ruột và sự phát triển của hệ miễn dịch.
Sữa mẹ tạo hệ miễn dịch khỏe mạnh cho trẻ sơ sinh
Nghiên cứu trên 208 trẻ sơ sinh bú sữa mẹ được sinh ra tại Bệnh viện Đại học Karolinska từ năm 2014 đến năm 2019. Các nhà nghiên cứu phân tích hệ thống miễn dịch từ các mẫu máu. Ngoài ra, một nhóm thuần tập thứ hai được phát triển bởi Đại học California, trong đó trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ hoàn toàn và một nửa được cho ăn bổ sung B. Infantis đã được phân tích về tình trạng viêm ruột.
Kết quả cho thấy, trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ và được bổ sung vi khuẩn bifidobacteria có mức phân tử ILA và Galectin-1 trong ruột cao hơn. ILA (axit indole-3-lactic) là cần thiết để chuyển đổi các phân tử HMO (oligosaccharides một polymer saccharide có chứa một số lượng nhỏ đường đơn trong sữa mẹ) thành chất dinh dưỡng; Galectin-1 là một phân tử quan trọng và mới được phát hiện để bảo tồn vi khuẩn có lợi, đặc tính chống viêm trong hệ vi khuẩn đường ruột. Ngoài ra, Galectin-1 còn là trung tâm để kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ theo dõi các em bé trong thời gian dài hơn để xem những em nào phát triển bệnh chàm dị ứng, hen suyễn và dị ứng.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn