Chi phí nuôi nấng một đứa trẻ tới năm 15 tuổi lên tới 131.000 USD ở thành phố lớn như Thượng Hải, khiến nhiều người Trung Quốc không muốn sinh thêm.
Chính phủ Trung Quốc hôm 31/5 tuyên bố các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ ba, bước ngoặt lớn so với hạn chế hai con, sau khi dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới sụt giảm ở mức đáng báo động.
Dù đã bãi bỏ chính sách một con năm 2016, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc hiện giảm xuống chỉ còn 1,3 con/phụ nữ, thấp hơn mức cần thiết 2,1 để đảm bảo dân số ổn định. Giới quan sát cho rằng gánh nặng tài chính để nuôi dạy một đứa trẻ là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ sinh liên tục giảm ở Trung Quốc.
Trẻ em trong một công viên ở Bắc Kinh hôm 1/6. Ảnh: Reuters
Nếu sinh con tại bệnh viện công, người dân sẽ được bảo hiểm nhà nước chi trả các loại phí xét nghiệm và sinh nở. Tuy nhiên, nguồn lực tại bệnh viện công eo hẹp khiến ngày càng nhiều người chuyển sang bệnh viện tư, nơi chi phí sinh con có thể lên tới hơn 100.000 nhân dân tệ (15.700 USD).
Các gia đình khá giả thường thuê nguyệt tẩu, người chăm sóc bà mẹ và em bé trong tháng ở cữ, với giá 2.350 USD. Khi thu nhập tăng lên ở Trung Quốc, những người mới làm mẹ đổ xô tới các trung tâm chăm sóc sau sinh đắt tiền và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Một cơ sở như vậy trong khu Vương Phủ Tỉnh ở Bắc Kinh có giá từ 23.500 tới 54.850 USD một tháng.
Sau khi nuôi con bằng sữa bột nhập khẩu từ Australia và New Zealand, gửi chúng đến những trung tâm giáo dục sớm, các bậc cha mẹ khá giả sẽ phải tìm cách mua nhà tại những quận có nhiều trường học tốt như Hải Điến ở Bắc Kinh, nơi giá nhà trung bình hơn 14.000 USD/m2, bằng giá trung bình ở Manhattan, khu vực trung tâm New York.
Người không đủ điều kiện cho con học trường công vì không có hộ khẩu sẽ phải cho con học trường tư, với học phí từ 6.300 tới 39.000 USD một năm. Ngoài ra, còn mất thêm chi phí học gia sư, ngoại khóa như piano, tennis hay cờ vua.
Cạnh tranh trong nuôi dạy trẻ em ở Trung Quốc khốc liệt tới mức người ta gọi những đứa trẻ này là "kê oa" (gà công nghiệp), từ dùng để chỉ việc cha mẹ tiêm "máu gà" cho các con bằng cách nhồi nhét chúng vào hàng loạt lớp học ngoại khóa để mong con thành tài.
Để giảm bớt áp lực cho trẻ em và nâng cao tỷ lệ sinh bằng cách giảm chi phí giáo dục, giới chức Trung Quốc đã siết chặt quản lý với ngành công nghiệp dạy thêm đang bùng nổ.
Theo báo cáo của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải năm 2019, một gia đình trung lưu sống tại quận Tĩnh An, trung tâm thành phố, chi hơn 131.600 USD cho một đứa trẻ từ thuở lọt lòng tới hết cấp hai, bao gồm 80.000 USD chi phí giáo dục.
Các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn tại Tĩnh An hay quận ngoại ô Mẫn Hàng dành hơn 70% trong khoản thu nhập dưới 7.800 USD/năm cho con cái.
Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ sẽ giảm chi phí giáo dục, cải thiện chăm sóc và bảo hiểm thai sản, cung cấp hỗ trợ về nhà ở và thuế cho các gia đình. Giới chức cũng nói rằng họ sẽ dần nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ.
Chi phí nuôi dạy trẻ lớn, áp lực làm con một, cũng như kỳ vọng họ sẽ chăm nom cha mẹ khi trưởng thành, khiến nhiều thanh niên không muốn sinh con. Điều này phản ánh qua hàng loạt từ lóng trên mạng xã hội, như "nằm yên" chỉ sự thất vọng với xã hội luôn quanh cuồng trong vòng xoáy áp lực. Những từ ngữ này xuất hiện sau khi văn hóa "sang" (tang tóc) trỗi dậy. "Sang" phản ánh tinh thần làm việc sa sút, thiếu động lực và thờ ơ của giới trẻ thành thị và trung lưu Trung Quốc.
"Dù đổi chính sách thành sinh 5 con hay 8 con, giá nhà vẫn là công cụ triệt sản tốt nhất", một người viết. "Chủ yếu là do tôi cảm thấy mệt mỏi. Làm thế nào tôi đủ khả năng nuôi con khi áp lực cuộc sống quá cao?".
"Không có gì sai khi thay đổi chính sách, tôi chỉ hy vọng họ không ép buộc thực hiện", một người khác viết.
Nguồn https://vnexpress.net/