21 giờ đêm, bé đang chơi bình thường bỗng nhiên xuất hiện cơn khó thở, gia đình đưa đi cấp cứu bác sĩ cho biết bé bị lên cơn hen cấp tính.
Thủ phạm gây hen
Chị Lê Thị Thanh (trú tại Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho bé Nguyễn Nhật Minh, 2 tuổi vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bé bị khó thở, hen rít. Khi vào viện, bác sĩ khám cho bé nghi ngờ bé lên cơn hen cấp tính và cho bé dùng thuốc xịt trị hen thì tình trạng này nhanh chóng kết thúc.
Chị Thanh cho biết trước đó bé hoàn toàn khỏe mạnh, gia đình không có ai có tiền sử bị hen. Nghĩ đến việc con trai bé bỏng bị hen, bà mẹ này không khỏi buồn rầu.
Khi tìm hiểu nguyên nhân, PGS Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc BV An Việt - người trực tiếp khám cho bé Minh, cho biết tác nhân gây hen cho bé có thể xuất phát từ chính môi trường sống của gia đình. Nhà bé Minh rất bí, cả nhà suốt ngày đóng cửa và trong nhà cũng chẳng có ánh sáng. Đây là điều kiện lý tưởng để các loại bụi mốc, bụi bẩn sinh sôi nảy nở trong chính gia đình mình.
Sau khi về nhà, bác sĩ An khuyến cáo gia đình chị Thanh cần làm sạch không khí trong nhà trước. Hàng ngày bé Minh không đi học ở nhà với bà ngoại nên ít tiếp xúc với các tác nhân khác. Khi đứng gần lọ hoa cũng không thấy bé có biểu hiện của cơn hen nên loại trừ khả năng do phấn hoa gây nên.
Môi trường sống không đảm bảo có thể khiến bé đối diện với những cơn hen cấp tính. (Ảnh minh họa)
PGS An cho biết mỗi ngày bà tiếp nhận hàng chục người có dấu hiệu bị hen vào khám bệnh. Trong đó có 50% là người tái khám khi họ có triệu chứng ổn định và một số người đi khám lần đầu với triệu chứng khó thở, khò khè, ho, tức ngực. Một số người đến viện trong tình trạng cấp cứu do hen.
Theo PGS An, hen là tình trạng mãn tính của đường hô hấp, tình trạng viêm này diễn ra dai dẳng trong đường hô hấp làm phổi nhạy cảm với kích thích bên ngoài, đường thở siết lại khiến bệnh nhân khó thở. Nguyên nhân có thể do ô nhiễm không khí, môi trường bên ngoài, phấn hoa, thức ăn. Cơn hen có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào trong ngày.
Hen do các thủ phạm như ô nhiễm không khí, mạt nhà, bụi mốc, phấn hoa. Một số trường hợp do thức ăn. Nhưng với tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay thì nguy cơ gây hen từ chính không khí trong nhà lại có rất nhiều. Những bụi mạt tiềm ẩn trong nhà, trong các đồ dùng như chăn, màn, ga, gối đều có thể là thủ phạm gây ra hen. Một số trường hợp khác do di truyền, do cơ địa dị ứng thức ăn.
Những người có nguy cơ mắc hen đó là người trẻ, nhất là trẻ em. Người lớn ít khi bị hen hơn. Người có nguy cơ cao mắc hen là người có cơ địa dị ứng, mề đay mãn tính, người bị chàm, người có người thân bị hen, bị các bệnh lý dị ứng thì người đó có nguy cơ mắc hen cao hơn. Người làm việc trong môi trường không tốt cũng có thể mắc hen nghề nghiệp.
Dấu hiệu của hen
PGS An cho biết dấu hiệu nghi ngờ hen suyễn: Ho, khò khè, nặng ngực, khó thở. Dấu hiệu này rất dễ gặp ở các bệnh lý viêm hô hấp khác. Điểm khác nhau là bệnh hen là mãn tính kéo dài nên sẽ gặp đi gặp lại nhiều lần.
Nếu xuất hiện 1 lần thì chỉ là viêm họng, viêm phế quản còn lặp lại nhiều lần có thể bị hen. Tần suất xuất hiện khoảng 3 lần/năm không phải do cảm cúm, cảm lạnh nên đi kiểm tra chính xác mình có bị hen suyễn hay không.
PGS Nguyễn Thị Hoài An khám cho bệnh nhi.
Khi được chẩn đoán hen sẽ tiến hành điều trị. Việc điều trị cần thời gian lâu dài và dùng thuốc kiểm soát bệnh. Có thể sử dụng thuốc xịt, khí dung, kiểm soát bệnh để không ảnh hưởng đến cuộc sống.
PGS An khuyến cáo hen không thể chữa dứt khỏi hoàn toàn. Nhưng hiện có nhiều bệnh nhân tin vào quảng cáo hen có thể chữa khỏi, điều này không đúng vì có thể gây thêm bệnh khác như loét bao tử, nhịp tim nhanh hơn, phù, loãng xương. Vì vậy, người bệnh không nên nghe theo quảng cáo chữa khỏi hen.
Hiện các phương pháp điều trị bệnh hen đã hiện đại hơn, người bệnh có thể điều trị ngoại trú. Nhưng bệnh nhân cần tuân thủ điều trị. Nếu sau thời gian điều trị thấy bệnh tốt hơn bỏ thuốc sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân. Nếu lên cơn hen tại nhà không biết cách xử lý thì có thể tử vong.
Vì vậy dù triệu chứng bệnh đã giảm vẫn cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ hướng dẫn để đạt hiệu quả kiểm soát hen tại nhà.
Khi bị hen, phụ huynh cần lưu ý một số thức ăn có nguy cơ gây dị ứng. Người bệnh không nên kiêng hoàn toàn mà chỉ tránh thức ăn có nguy cơ dị ứng cao như thực phẩm lên men; các món có tính lạnh như thịt bò, thịt trâu, cá biển, tôm... các món này không nên kiêng hoàn toàn vẫn ăn thử ít nếu không có phản ứng thì vẫn ăn bình thường. Người bệnh không nên ăn một cách vô tư vì nếu ăn không kiểm soát sẽ rất nguy hiểm, cần có thói quen ghi lại thức ăn dị ứng để tránh ăn lần sau.
Theo Infonet