Vì sợ con mới chào đời chưa biết cách ngậm bắt vú hoặc sữa chưa kịp về... nhiều bà bầu đã có hành động mà bác sĩ sản khoa cảnh báo có thể gây nguy cơ đẻ non.
Chị Khánh Phương mang thai con đầu lòng được 36 tuần tuổi. Không hiểu sao từ khi mang bầu, đầu nhũ hoa của chị to lên rất nhiều. Cô bạn gái thân đã sinh con rồi, khi nhìn thấy đầu nhũ hoa của chị Phương đã kêu lên: "To như này thì sao em bé bú được?". Sau đó, chị Phương được cô bạn tư vấn cần phải vắt sữa non ra xi lanh để cất trữ trong ngăn đá tủ lạnh để khi em bé chào đời có thể được ăn sữa mẹ luôn, không để bé phải loay hoay chật vật với cái đầu nhũ hoa to hơn cả miệng của bé được.
Vài ngày đầu, chị Phương khá vất vả vì nặn mãi chỉ được một hai giọt sữa trong, đủ dính đáy xi lanh. Vài hôm sau, chồng chị giúp vợ cầm lọ chứa, vợ nặn vào được 1-2 ml sữa mỗi lần. Hiện chị Phương đã vắt được 5 ống xilanh, mỗi ống 5 ml, trữ ngăn đá.
Cũng như chị Phương, chị Nga đã thực hiện việc vắt sữa non khi bắt đầu bước sang tuần thứ 36 của thai kỳ. Mỗi ngày, chị Nga cố gắng nặn 2 lần vào sáng và tối, được đầy xilanh 5 ml sữa. "Nghe nói không gì tốt cho bé, nhất là trẻ mới sinh bằng sữa non của mẹ nên mình cứ vắt sẵn đề phòng trước lỡ con chưa biết ngậm bắt vú mẹ hoặc sữa chưa kịp về thì con gái còn có sữa mẹ uống luôn".
Theo bác sĩ Vũ Thị Trúc - Khoa Dịch vụ D5 (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), sữa non - những giọt sữa đầu tiên có màu vàng nhạt, đặc sánh, là nguồn dưỡng chất quý giá rất giàu kháng thể, tế bào bạch cầu, bảo vệ cơ thể trẻ chống nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp trẻ thải phân su ra sớm, ngăn ngừa vàng da sớm. Sữa non còn giúp cho ruột trưởng thành, dự phòng dị ứng, giàu vitamin A phòng nhiễm khuẩn và dự phòng bệnh về mắt.
"Một số mẹ có sữa non từ rất sớm, trước khi sinh em bé. Tâm lý bỏ phí sữa non khiến một số mẹ vắt sữa, tích trữ đến khi sinh sẽ cho bé bú. Tuy nhiên mẹ không biết rằng, việc này hoàn toàn không nên, bởi việc vắt sữa gây cơn co tử cung rất mạnh, một số trường hợp gây chuyển dạ ngay lập tức.
Đặc biệt với mẹ có vết mổ cũ, vắt sữa non cực kỳ nguy hiểm, có trường hợp phải vào viện cấp cứu vì cơn co tử cung quá mạnh. Chưa kể đến việc mẹ có bảo quản sữa tốt hay không, nhiệt độ và thời gian lưu trữ đã đảm bảo hay chưa"- bác sĩ Trúc cho biết.
Cũng theo bác sĩ Vũ Thị Trúc, các bà mẹ khi sinh chỉ cần vệ sinh bầu ngực sạch sẽ để đề phòng hiện tượng nhiễm trùng. Trong thai kỳ, nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ bác sĩ chuyên khoa hoặc tới khám tại cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và giải đáp chính xác.
Nguồn giadinh.net.vn