Xã hội
   Chuyện 'xếp hạng đạo đức giáo viên': Bộ GD&ĐT, chuyên gia giáo dục nói gì?
 

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, phần đông giáo viên, cán bộ quản lý trên toàn quốc ủng hộ, bởi họ thấy rằng các quy định này cũng xuất phát từ các quy định đã có từ năm 2015, bây giờ chỉ bổ sung và bỏ những quy định bất cập.

TS. Giáp Văn Dương, Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo), Chủ tịch Hội đồng giáo dục của trường Tiểu học Times School cho rằng, với hoàn cảnh hiện giờ, chỉ cần quy định về đạo đức nhà giáo hiện thời là đã quá tải cho giáo viên. Quy định này gồm 24 nội dung, ban hành năm 2008, đến nay vẫn còn hiệu lực.

Quy định mới theo chiều hướng có lợi cho giáo viên?

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trong các cơ sở công lập. Nhóm thông tư không chỉ khiến nhiều giáo viên băn khoăn về các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp; chuyện nâng, tụt hạng mà còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.

Nhiều giáo viên cho rằng, số lượng chứng chỉ, tên văn bằng đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; thành tích và thâm niên công tác của từng cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp có thể khác nhau (xếp hạng I, hạng II, hạng III...), nhưng đạo đức nhà giáo thì không nên phân loại để xếp hạng.

Trao đổi về vấn đề này, Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, có thể nói việc quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm xếp lương giáo viên theo các hạng chức danh nghề nghiệp không phải là quy định mới, mà đã được thực hiện từ năm 2015, đối với cả giáo viên mầm non, phổ thông và đại học.

Theo ông Bình, nói về điểm mới, khi chùm thông tư này ra, một mặt phải khắc phục được những bất cập trong quá trình thực hiện của chùm thông tư liên tịch 20,21, 22, 23; đồng thời phải bổ sung được những điểm mới của Luật Giáo dục và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực từ năm 2020 cũng như một số quy định mới về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp.

Ông Bình phân tích, đối với giáo viên mầm non và tiểu học, trước đây cũng quy định 3 hạng nhưng là hạng IV, hạng III, hạng II (mà không có hạng I, do chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp, nên phải áp dụng chức danh tương đương), nhưng khi Luật Giáo dục 2019 được ban hành, chuẩn trình độ giáo viên được nâng lên thì ở thông tư mới xếp giáo viên mầm non và tiểu học ở 3 hạng (hạng I, hạng II, hạng III) như giáo viên THCS và THPT.

“Việc chuyển các quy định từ chùm thông tư cũ sang chùm thông tư mới sẽ đảm bảo chuyển hạng tương ứng. Cũng như vậy, các quyền lợi của giáo viên, cũng như các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực sẽ được giữ nguyên hoặc theo chiều hướng có lợi cho giáo viên, chứ không có chuyện giáo viên bị giảm đi quyền lợi của mình”- ông Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng cho rằng, việc quy định hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên sẽ không cứng nhắc. Có nghĩa một giáo viên mà suốt cả đời chỉ là giáo viên hạng 3 cũng không sao cả. Ai có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp thì sẽ có sự phấn đấu cả về mặt phẩm chất, nghề nghiệp, trình độ và năng lực để lên hạng 2, rồi hạng 1. Khi giáo viên đã phấn đấu thăng các hạng cao hơn thì dĩ nhiên sẽ được hưởng các quyền lợi và chế độ cao hơn.

Còn quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo, ông Bình cho rằng, nhà giáo đã có quy định riêng về đạo đức nhưng nhà giáo ở đây cũng là một viên chức. "Do đó, chúng tôi phải có sự kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp"- ông Bình nói.

Chỉ cần quy định về đạo đức nghề dạy học là đủ

Liên quan đến việc 'xếp hạng đạo đức cho nhà giáo', phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS. Giáp Văn Dương, Tiến sĩ ngành Vật lý kỹ thuật ĐH Công nghệ Vienna (Áo), Chủ tịch Hội đồng giáo dục của trường Tiểu học Times School.

TS. Giáp Văn Dương cho rằng: Đạo đức nghề nghiệp là bộ quy định chung của một tổ chức, một hiệp hội nghề nghiệp nào đó mà mỗi thành viên đều cần tuân thủ. Nghề giáo có đạo đức của nghề giáo. Nghề y có đạo đức của nghề y. Nghề báo chí có đạo đức nghề nghiệp của báo chí.  Đạo đức nghề nghiệp vì thế là một thực hành phổ biến.

TS. Giáp Văn Dương

Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện giờ, tôi cho rằng chỉ cần quy định về đạo đức nhà giáo hiện thời là đã quá đủ, và quá tải cho giáo viên. Quy định này gồm 24 nội dung, ban hành năm 2008, đến nay vẫn còn hiệu lực.

Vì thế, việc đưa thêm bộ tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp theo tôi là không cần thiết, phát sinh nhiều thuật ngữ mới cần định nghĩa, tưởng là hữu ích, nhưng sẽ không đi vào thực tiễn cuộc sống được.

Xung quanh câu hỏi, nhiều giáo viên cho rằng, số lượng chứng chỉ, tên văn bằng đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ ở các cấp có thể khác nhau (xếp hạng I, hạng II, hạng III...), nhưng đạo đức nhà giáo thì không nên phân loại để xếp hạng? TS. Giáp Văn Dương nhận định: Đạo đức là môt bộ quy định nhất quán, trình bày dưới dạng các quy định tường minh hoặc các chuẩn mực ngầm hiểu, được người thực hành tự nguyện chấp nhận. Triết gia I. Kant gọi đó là các quy luật đạo đức ở trong tôi. Mỗi cá nhân khi đó chỉ có hai trạng thái, tuân thủ hoặc vi phạm các luật đạo đức này.

Vì lẽ đó, rất khó để chia đạo đức thành hạng bậc thấp hay cao, đặc biệt là với đạo đức cá nhân. Do đó, người ta chỉ có thể xếp hạng năng lực làm việc qua các tiêu chí có thể định lượng được, chứ không thể xếp hạng đạo đức cá nhân được.

Tuy nhiên, do đặc thù của nghề giáo nên tồn tại sự chồng lấn giữa đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp. Nhà giáo không chỉ dạy học bằng phương tiện và sách vở, mà quan trọng hơn là bằng lối sống của chính mình thông qua việc làm gương.

Vì thế, đạo đức cá nhân của nhà giáo đóng vai trò chính, quan trọng hơn cả đạo đức nghề nghiệp.

Do đó, để quy định về đạo đức nhà giáo và bộ tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp không bị chồng chéo và có thể đi vào thực tế, tôi cho rằng cần phải sửa đổi cả hai thì mới được.

Phần đạo đức cá nhân, gắn liền với lối sống và quan điểm sống của mỗi người, thì chúng ta tôn trọng, không chạm đến. Thay vào đó, chúng ta ban hành một quy định về “Đạo đức nghề dạy học” và yêu cầu tất cả những ai làm nghề này đều phải tuân thủ.

Như vậy là vừa tôn trọng con người cá nhân, vừa đáp ứng được yêu cầu về quản lý đối với những người làm nghề dạy học.

Trước câu hỏi, theo đại diện Cục nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), các quyền lợi của giáo viên, cũng như các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực sẽ được giữ nguyên hoặc theo chiều hướng có lợi cho giáo viên, chứ không có chuyện giáo viên bị giảm đi quyền lợi của mình? Ông có đồng tình với ý kiến này không? TS. Giáp Văn Dương khẳng định: Có lẽ đây chỉ là ý kiến để động viên an ủi giáo viên thôi, chứ luật pháp vô tình. Với các văn bản có tính pháp quy, thì cần phải thực hiện đúng những nội dung được quy định, chứ không thể thực hiện theo hướng có lợi cho cho bất cứ bên nào.

Thông tư mới, quy định mới, hướng dẫn mới… sẽ tạo ra một thực thể pháp lý mới, đòi hỏi tất cả những người liên quan phải tuân thủ. Không thể tùy tiện thực hiện theo hướng này hay hướng khác. Thế thì mới là pháp lý, mới là luật.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD&ĐT đề xuất phương án sửa đổi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, TS. Giáp Văn Dương tỏ thái độ hoàn toàn đồng ý. TS Dương cho rằng, trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện thời, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không cần thiết, và sẽ tạo ra các tiêu cực mới. Lý do: Với các nước thì các chứng chỉ hành nghề hoặc chuẩn hóa này cần được thẩm định và cấp bởi các hội nghề nghiệp. Đây là các tổ chức độc lập, chỉ đánh giá về chuyên môn của ứng viên.

Còn với chúng ta, đơn vị cấp chứng chỉ không phải là hội nghề nghiệp có tính cách độc lập. Nếu cấp sẽ rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Việc cấp chứng chỉ khi đó sẽ không còn ý nghĩa thực sự, gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho giáo viên, và có nguy cơ suy thoái trở thành “lợi ích nhóm” cho đơn vị cấp chứng chỉ.

Nguồn https://www.tienphong.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục (25/3)
 Tuyên Quang coi trọng phát triển GD mầm non ngoài công lập (24/3)
 Kiểm tra việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên mầm non (23/3)
 Cuộc đua căng thẳng vào lớp 1 trường tư (23/3)
 Nha Trang_Kiểm tra công tác quản lý bán trú mầm non (22/3)
 Vụ bé 2 tuổi tử vong ngày đầu đến lớp: Tạm đình chỉ nhóm lớp Phú An (22/3)
 Xây dựng điểm Trường Mầm non Họa Mi mới (17/3)
 Lương giáo viên mầm non cao nhất 9,5 triệu đồng/tháng từ ngày 20/3 (16/3)
 Đồng bào dân tộc thiểu số Chăm vui mừng khi có trường mầm non (16/3)
 Tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số: Hóa giải rào cản (15/3)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i