Nhiều cha mẹ bảo bọc con quá mức, khiến đứa trẻ quen với những điều kiện tốt nhất. Khi lâm vào những cảnh khó khăn, chúng sẽ bi quan, chán nản, sa sút.
Lý Mai Cẩn (Meijin Li) - giáo sư tâm lý học Trung Quốc đã chỉ ra rằng không nên nuôi dưỡng nội tâm của trẻ như "nâng niu một quả trứng". Trước 12 tuổi, nếu được làm hài lòng mọi mặt, từ 13 tuổi trở đi - ở độ tuổi dậy thì - trẻ dễ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực khi đối diện với những trải nghiệm xấu.
Nhà nghiên cứu tâm lý người Mỹ Katie Frey nhận định, những đứa trẻ thành công trong việc vượt qua nghịch cảnh đều có những đặc điểm chung về tính cách, đó là tự lực, độc lập, lạc quan và có ý thức về mục đích. Trẻ từng trải qua thời thơ ấu khó khăn sẽ không sợ thử thách khi trưởng thành, thậm chí có thể vươn lên những đỉnh cao mới trong cuộc sống. Lý do là khi học cách thừa nhận thất bại, trẻ sẽ biết làm thế nào vượt qua nó.
Sự nghiêm khắc của cha mẹ sẽ là động lực để trẻ cứng cáp hơn. Ảnh: iStock.
Giáo sư Lý Mai Cẩn cũng chỉ ra những lợi ích của việc giáo dục trẻ "đối diện nỗi thất vọng", đồng thời khuyến khích cha mẹ rèn luyện cho con cứng cáp hơn về mặt tâm lý, thông qua những cách làm sau.
Đừng ngại nói lời nghiêm khắc với trẻ
Cha mẹ ngày nay gay gắt phản đối "bạo lực ngôn ngữ", cho rằng nên mềm mỏng nói với trẻ để trẻ hiểu vấn đề, thay vì quát mắng, dùng roi vọt. Tuy nhiên, giáo sư Lý cho rằng bạo lực ngôn ngữ hoàn toàn khác với việc sử dụng những lời răn đe nghiêm khắc, có tính kỷ luật với trẻ.
Theo bà, không phải lúc nào bạn cũng nên bình thản động viên con cái, con mắc lỗi thì cứ phê bình, an ủi, thậm chí không dám nặng lời sợ con tổn thương. Đôi khi thái độ quá mềm mỏng đó của phụ huynh khiến đứa trẻ trở nên yếu đuối, bị mắng một chút là chảy nước mắt, là bỏ ăn, giận dỗi. Đây hoàn toàn không phải cách làm thích hợp để rèn luyện đứa trẻ cứng cỏi, vững vàng trong cuộc sống.
Theo giáo sư Lý, đừng ngại "mắng" trẻ. Tuy nhiên, thay vì mạt sát, làm nhục, cần mạnh mẽ chỉ ra những sai sót, yếu điểm của con, khuyến khích con nhìn nhận cái sai của mình, và tìm hướng thay đổi. Ví dụ, nếu trẻ bị điểm kém, đừng nói lời an ủi con rằng "thôi lần sau sẽ khá hơn", hay "bạn ấy may mắn hơn con thôi mà", nên cùng con xem bài kiểm tra xem vì sao trẻ bị điểm kém, cùng con xem phần đó bé đã học kỹ chưa? Đó chính là cách thực tế nhất để bạn giúp con đối diện với những sai sót của mình và tìm cách khắc phục.
Thúc giục trẻ rèn luyện thể chất
Các môn học mà giáo sư Lý khuyến khích cha mẹ nên cho trẻ học là chạy đường dài và bơi. Đây là những môn học giúp rèn luyện thể chất, sức bền và sự kiên trì. Những người có kinh nghiệm về môn chạy bộ đều hiểu rằng sau khi chạy một đoạn đường dài vài km, chúng ta cảm thấy khó thở, chân nặng hơn, ngày hôm sau chân sẽ trở nên đau nhức. Tuy nhiên, vượt qua được thử thách ban đầu này, những lần chạy sau, chúng ta dần dần sẽ cảm thấy tốt hơn.
Tương tự như vậy, bơi lội cũng là một trải nghiệm giúp khắc phục nỗi sợ hãi và giúp thể chất khỏe khoắn hơn. Do đó, các môn này là cần thiết và hữu ích, nếu cha mẹ muốn rèn luyện cho trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần bền bỉ.
Dạy trẻ kiên cường
Cuốn sách "Mẹ kiên cường, con mạnh mẽ" có đề cập đến việc nên cho trẻ xem một số sách tranh về việc gặp và vượt nghịch cảnh. Trải nghiệm ảo về nghịch cảnh này rất có lợi cho sự phát triển tâm lý của trẻ. Thông qua đó, trẻ có được những ví dụ, từ đó học được cách giải quyết vấn đề và có thể dễ dàng đối phó với những thất bại. Ví dụ, khi một đứa trẻ thi trượt, nó sẽ không buồn bã, chán học mà sẽ tự mình lập ra kế hoạch học tập, bù đắp khiếm khuyết, từ đó sẽ tiến bộ hơn.
Thay vì bảo bọc, tìm cách giúp trẻ giải quyết khó khăn, cha mẹ nên để con tự mình đối diện và chịu trách nhiệm. Sự tự chịu trách nhiệm của trẻ đồng nghĩa với việc khi đứa trẻ lớn lên, bé sẽ biết cách đối mặt với thất bại ngay cả khi không có sự giúp đỡ của cha mẹ, thay vì bị đánh gục bởi khó khăn.
Nguồn VNE