Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) phối hợp với tổ chức VVOB (Bỉ) vừa tổ chức Hội thảo chuyên đề “Tận dụng cơ hội để giảm thiểu tác động của các rào cản đô thị tới việc học và tham gia của trẻ mầm non”.
Ông Wouter Boesman phát biểu tại buổi hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của 80 đại biểu, bao gồm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục cấp trung ương và các trường đại học, viện nghiên cứu, các cán bộ giáo dục mầm non cấp sở, và đại diện các tổ chức quốc tế.
Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về tận dụng các cơ hội do thành phố mang lại để giảm thiểu tác động của các rào cản đô thị thông qua việc ứng dụng các phương pháp sáng tạo dựa vào nghệ thuật, đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm về quá trình áp dụng Cộng đồng thực hành như một phương pháp phát triển chuyên môn giáo viên có hiệu quả. Các bài học kinh nghiệm đều được đúc kết từ quá trình áp dụng thực tiễn sau gần 2 năm vận hành dự án Cộng đồng Sáng tạo Dạy học trong Giáo dục Mầm non (tên viết tắt là CITIES).
Theo ông Wouter Boesman – Trưởng văn phòng VVOB (tổ chức phi chính phủ của Bỉ) tại Việt Nam: “Trẻ em lớn lên ở nông thôn và thành thị đều có thể gặp phải những khó khăn nhất định. Khác với trẻ lớn lên ở nông thôn, trẻ lớn lên ở thành thị thường gặp phải: sự gắn kết xã hội thường ít chặt chẽ hơn so với trẻ ở nông thôn, vấn đề an toàn (giao thông) có tác động đến việc phân bổ thời gian và tương tác xã hội, những dịch vụ công ở các khu vực đông dân cư đang đối mặt với các vấn đề năng lực.
Đồng thời, những thách thức trong việc xây dựng những điều kiện sống an toàn cho sức khỏe cũng khá khác biệt. Những điều này tạo ra các thách thức và rào cản xã hội đặc trưng của bối cảnh đô thị có tác động đến việc học tập của trẻ. Vì những lí do đó, cách tiếp cận giáo dục đối với trẻ mầm non ở môi trường đô thị cũng nên khác đi so với cách tiếp cận giáo dục mầm non cho trẻ ở khu vực nông thôn.”
Một hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh – giám đốc trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non (thuộc Viện Khoa Học Giáo dục Việt Nam) cho biết: Việc áp dụng các phương pháp sư phạm đổi mới và sáng tạo trong giáo dục mầm non sẽ giúp trẻ trải nghiệm học tập một cách sáng tạo, cũng như cảm thấy thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân, qua đó giúp trẻ phát triển theo cách riêng phù hợp với từng trẻ.
Cùng trong buổi hội thảo, ông Boesman đã gửi lời cảm ơn đến Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đã và đang đồng hành cùng tổ chức VVOB trong suốt thời gian dự án CITIES diễn ra, để cùng tìm hiểu các phương pháp sư phạm đổi mới, sáng tạo nhằm giảm thiểu tác động của các rào cản đô thị lên việc học tập của trẻ và kỳ vọng buổi hội thảo sẽ giúp lan tỏa các kết quả mà dự án đã đạt được.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn