Trong tuần qua TP.HCM ghi nhận 624 ca bệnh tay chân miệng, đây là thời điểm dịch tay chân miệng vào mùa song song với dịch sốt xuất huyết, hô hấp, cúm.
Trẻ 1 - 3 tuổi dễ mắc
BS CK2 Nguyễn Trần Nam - trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, năm nay vì dịch bệnh nhiều nên trẻ đã được khuyến cáo ở nhà, vệ sinh tốt nên bị tay chân miệng ít. Tuy nhiên, khi quay trở lại đi học, dịch giảm thì số ca mắc tay chân miệng lại tăng lên.
Tay chân miệng do siêu vi hay gặp nhất ở trẻ 1 đến 3 tuổi. Bé thường có biểu hiện nốt nổi nhỏ như muỗi cắn, phồng lên có bỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, cùi trỏ, có thể ở miệng. Có trẻ có thể có nhưng cũng có trẻ lại không có biểu hiện như trên mà chảy dãi nhiều.
Biểu hiện tay chân miệng ở trẻ rất đa dạng, có trường hợp không sốt, có trường hợp lại sốt cao không đáp ứng thuốc hạ sốt, có những cháu bé trào bọt bỏng trong họng và chỉ xét nghiệm mới tìm ra nguyên nhân tay chân miệng.
Bác sĩ Nam cho biết nguyên nhân hay gặp ở lứa tuổi 1 đến 3 tuổi vì ở tuổi này các bé chưa được quan tâm vệ sinh cá nhân tốt. Trẻ có thói quen cái gì cũng cho vào miệng, trẻ đưa đồ chơi, vật dụng chưa sạch vào miệng làm cho lây nhiễm bệnh.
Trong khi đó tay chân miệng lây qua đường phân miệng. Khi bé đi vệ sinh không đi trong toilet, tay chân của bé có thể động chạm vào chỗ có phân và đưa tay vào miệng thì đã vô tình đưa con virus vào miệng.
Ngoài ra, những nơi lòng bàn tay, lòng bàn chân hay bị sang thương do virus vì đó là nơi tiếp xúc của trẻ với sàn nhà.
Có những cháu mùa dịch bệnh không đi đâu nhưng không hiểu sao con vẫn bị bệnh. Trường hợp này bác sĩ Nam cho rằng có thể người lớn mang bệnh cho trẻ. Nguồn lây bệnh từ bàn tay của chính người lớn. Người lớn không vệ sinh sạch sẽ, sát trùng thì người lớn mang nguồn bệnh về cho trẻ. Bác sĩ Nam cho biết trên thế giới đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng người lớn cũng làm nguồn lây cho trẻ dù bệnh không biểu hiện trên người lớn.
Trẻ bị chân tay miệng
Dấu hiệu cảnh báo trẻ trở nặng
Theo bác sĩ Nam khi trẻ bị tay chân miệng biến chứng nguy hiểm nhất đó là diễn tiến nặng tổn thương não, tổn thương thần kinh, tim mạch, hô hấp gây tử vong rất nhanh. Có bệnh nhân sáng chơi bình thường, chiều bệnh trở nặng nhưng tối đã tử vong.
Chính vì vậy, nhiều cha mẹ rất sợ nên khi con bị tay chân miệng vội đưa vào xin nhập viện. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nam biểu hiện biến chứng tay chân miệng chỉ khoảng 1% nên không phải trẻ nào bị tay chân miệng cũng cần vào viện.
Bác sĩ Nam cho rằng với những biểu hiện sau đây mới cần đưa trẻ đến bệnh viện:
Thứ nhất: Trẻ sốt cao lên tới 39 - 40 độ, tay chân lạnh. Nếu phụ huynh không đo nhiệt độ thì sẽ không biết con đang sốt cao. Khi uống thuốc hạ sốt lại không hạ sốt thì cần đưa đi viện vì có thể xuất hiện biến chứng.
Thứ hai: Trẻ sốt đi, sốt lại 2 ngày, cho trẻ uống hạ sốt xong lại tiếp tục sốt khi đó cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ chuyên khoa.
Thứ 3: Khi trẻ giật mình cần cho trẻ đi viện ngay. Khi trẻ giật mình chới với, mất thăng bằng. Đây là biểu hiện tổn thương não bắt đầu xuất hiện. Nếu thấy biểu hiện này cần cho trẻ đi viện ngay. Cũng có trường hợp trẻ giật mình run giật cả chân, tay thì cần đưa đi khẩn cấp.
Thứ 4: Trẻ tay chân miệng có biểu hiện yếu 1 tay, yếu 1 chân, trẻ cầm đồ chơi, đồ ăn yếu hơn cũng cần đưa đi bệnh viện ngay.
Còn trẻ bị tay chân miệng chăm sóc ở nhà thì cha mẹ cần thực hiện việc theo dõi nhiệt độ cho trẻ. Cho trẻ uống paracetamol kể cả trẻ bị sốt, không sốt nhưng có vết loét miệng thì paracetamol cũng làm trẻ dễ chịu hơn.
Chế độ ăn uống: Cho trẻ ăn cháo loãng, không nóng, dễ tiêu hoá.
Theo dõi trẻ để thấy có dấu hiệu bất thường khiến cha mẹ lo lắng cần cho vào viện ngay.
Bác sĩ Nam cho biết cha mẹ vẫn phải tắm rửa cho trẻ sạch sẽ bằng xà phòng, giữ vệ sinh răng miệng để hạn chế bội nhiễm trên vết loét.
Trẻ bị tay chân miệng có thể bị tái lại, chính vì vậy trẻ luôn luôn được chăm sóc vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
Nguồn Infonet