Xã hội
   Năm học 2020 - 2021: Khởi đầu mới song hành cùng cơ hội
 

“Năm học 2020 - 2021 tuy vẫn phải đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song cũng sẽ có nhiều cơ hội mới. Ngành Giáo dục xác định tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: An toàn cho học sinh, giáo viên và thực hiện tốt kế hoạch năm học” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ nhân dịp đầu năm học mới.

Học sinh Trường Tiểu hoc Nậm Cắn 1, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bước vào năm học mới. Ảnh: Hồ Lài

Năm học của quyết tâm và hành động

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả hoạt động dạy và học. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, bằng sự nỗ lực, quyết tâm, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, toàn ngành đã thực hiện tốt mục tiêu kép: “Vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên; vừa hoàn thành kế hoạch năm học”. 

Đặc biệt, ngành Giáo dục đã nỗ lực cùng các địa phương tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan và an toàn phòng chống dịch bệnh. “Qua đây, tôi ghi nhận và cảm ơn các em học sinh, thầy cô giáo, các vị phụ huynh và địa phương cùng chung tay để tổ chức thành công kỳ thi cũng như đã nỗ lực, đồng hành với ngành Giáo dục vượt khó khăn trong suốt năm học vừa qua” – Bộ trưởng chia sẻ.

Có thể nói, năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt, ghi dấu mốc quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH theo hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 luật hóa nhiều chủ trương quan trọng, như: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT); nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận... Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch phát triển GD-ĐT; trong đó giao rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành có liên quan và địa phương trong triển khai thực hiện. Vai trò, trách nhiệm của bộ, ban, ngành, cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT qua đó được tăng cường.

Cũng trong năm học vừa qua, giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục ĐH có những chuyển biến rõ rệt từ công tác quản lý, điều hành đến nâng cao chất lượng giáo dục, dạy học, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Giải pháp để bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non được tiếp tục thực hiện. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, an toàn, lành mạnh, thân thiện; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi. 

Công tác triển khai Chương trình GDPT mới được thực hiện đồng bộ, toàn diện từ việc biên soạn, thẩm định phê duyệt sách giáo khoa lớp 1; bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm điều kiện thực hiện từ năm học 2020 - 2021 với lớp 1. Tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực trong thực hiện chương trình GDPT hiện hành. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phát triển theo hướng thực chất, hiệu quả, gắn với thực tiễn địa phương và biến động của thị trường lao động. Tự chủ ĐH đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế trong trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học… Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến ĐH. Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua ký kết các biên bản thỏa thuận, bản ghi nhớ cấp Nhà nước, Bộ; nhiều cơ sở GD&ĐT đã triển khai các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu.

Nền giáo dục phát triển mềm dẻo, linh hoạt, có khả năng thích ứng cao cũng là dấu ấn đặc biệt của năm học vừa qua. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, tinh giản chương trình GDPT học kỳ II; điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học, phương án thi tốt nghiệp THPT và hướng dẫn công nhận kết quả đào tạo từ xa. Các hoạt động về tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học; cắt giảm các thủ tục hành chính, đổi mới công tác truyền thông được triển khai quyết liệt, góp phần thúc đẩy GD-ĐT phát triển.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”

Năm học mới bắt đầu với nhiều bài học quý được rút ra từ năm học đặc biệt vừa qua. Một trong số đó là tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT. Chủ động phát hiện vấn đề nảy sinh để có giải pháp giải quyết kịp thời trong công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành. Bám sát thực tiễn hoạt động giáo dục; đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp cho phù hợp trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở Trung ương, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương và cơ sở giáo dục, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học; đẩy mạnh tự chủ và trách nhiệm giải trình của  cơ sở giáo dục.

Công tác xây dựng kế hoạch phải được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác quản lý và là cơ sở để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu đề ra. Kế hoạch phải sát thực tế, có tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi thực hiện kế hoạch để kịp thời có những giải pháp tháo gỡ. Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa giáo dục. Ưu tiên đầu tư nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm khả thi, tránh lãng phí về nguồn lực và nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành. 

Một bài học khác là cần tập trung nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện thể chế. Chú trọng công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Làm tốt công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong công cuộc đổi mới GD - ĐT. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cần tăng cường theo hướng trọng tâm, trọng điểm; xử lý nghiêm và công khai với các vi phạm; duy trì trật tự, kỷ cương, nền nếp các hoạt động giáo dục, phòng ngừa và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực; tăng cường kiểm tra thực hiện kết luận sau thanh tra. 

Chia sẻ về nhiệm vụ năm học mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngành Giáo dục xác định vẫn phải tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”: An toàn cho học sinh, giáo viên và thực hiện tốt kế hoạch năm học. Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị năm học, xác định 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản để triển khai thực hiện. Trong đó, xuyên suốt năm học này là tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, nhất là triển khai tốt Chương trình GDPT mới đối với lớp 1; đồng thời, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai Chương trình GDPT mới ở năm học, lớp học tiếp theo.

Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh tự chủ ĐH, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong GD - ĐT.

“Xác định năm học 2020 - 2021 vẫn là một năm khó khăn, song cũng sẽ có nhiều cơ hội mới. Bên cạnh sự kiên trì, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ GD&ĐT, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên toàn quốc và sự tin tưởng, ủng hộ của phụ huynh, học sinh và xã hội” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắn gửi.

 

Ngành Giáo dục bước vào năm học mới bằng một lễ khai giảng gọn nhẹ, phù hợp với tình hình dịch bệnh nhưng trang trọng, ý nghĩa, vui tươi và truyền đi được niềm tin, sự hứng khởi; lan tỏa yêu thương cho mỗi học sinh, giáo viên và cộng đồng. Trước thềm năm học mới, tôi chúc các thầy cô giáo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục và các em học sinh sẽ có một năm học an toàn và thành công!

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ 

 Nguồn https://giaoducthoidai.vn

 In Trang này     Email Trang này Chia sẻ lên Facebook

Bình luận:

Nhận xét của bạn:

Tiêu đề:
Nội dung:


Các bài đã đăng :
 Bộ trường Phùng Xuân Nhạ chung vui cùng thầy trò trong ngày khai giảng (5/9)
 Năm học "bản lề" đổi mới giáo dục (5/9)
 Đắk Lắk: Yêu cầu trường mẫu giáo Ea Wy hoàn trả tiền cho phụ huynh (4/9)
 Hòa Bình: Ưu tiên đảm bảo chất lượng giáo viên khối lớp 1 (4/9)
 9 nhiệm vụ, 5 giải pháp của năm học mới 2020-2021 (3/9)
 Trường mầm non trong khu công nghiệp hối hả chuẩn bị đón trẻ vào năm học mới (27/8)
 Mức thu học phí năm học 2020-2021 của Hà Nội (27/8)
 Không có tình trạng nâng giá bán sách giáo khoa lớp 1 (27/8)
 Nhiều giáo viên muốn nghỉ hưu sớm, nhưng vì 6% lương nên phải cố thêm (25/8)
 Hàng ngàn học sinh TPHCM chưa có chỗ học (25/8)
Đăng nhập:
Mật khẩu:
Đăng kí tài khoản
nhac thieu nhi truyen thieu nhi
giáo án mầm non kheo tay



Truy cập:
http://www.mamnon.com
Công Ty Cổ Phần Mạng Trực Tuyến VietSin
Trung Tâm CNTT Giáo Dục Mầm Non
QTSC Building 3, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028).37150256
Số giấy phép: 62/GP-BC, cấp ngày: 09/02/2007. ® Ghi rõ nguồn "mamnon.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này. Mamnon Portal 5.0 - Bản quyền của công ty Vsionglobal
Số GCNĐKKD: 0303148799, Ngày cấp 19/12/2003 do Sở kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cấp. Email: mamnon@vsionglobal.com
code vyng magicbox 120x600 bjn ph?i