Nấm lưỡi khoang miệng khiến nhiều trẻ khó chịu, bỏ bú, thậm chí là ngây ngấy đau sốt.
Dấu hiệu bệnh nấm lưỡi ở trẻ
Nấm lưỡi/ tưa lưỡi hay còn gọi là bệnh nấm Candida miệng, là một bệnh nhiễm nấm rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nó gây kích ứng ở xung quanh miệng của bé. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng phổ biến nhất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi và ở người lớn tuổi.
Trẻ bị tưa miệng có thể đã nứt da ở các góc của miệng hoặc xuất hiện các mảng trắng trên môi, lưỡi, hoặc bên trong má và không thể làm sạch. Một số bé có thể khó chịu khi bú vì miệng đau, nhưng nhiều bé không cảm thấy đau hay khó chịu.
Ảnh minh họa
Triệu chứng đầu tiên của bệnh tưa lưỡi là những chấm trắng nhỏ xuất hiện ở phía trên đầu lưỡi, sau đó lan rộng thành mảng trắng sữa, giống màu trắng ngọc trai, mịn trên mặt lưỡi, hoặc xuất hiện một mảng ban màu hồng, đỏ, bóng. Sau đó dần dần xuất hiện trên đó các mảng tưa có bề mặt không đều, màu trắng hoặc hơi vàng, lan dần ra khắp trên bề mặt và xung quanh lưỡi, ở mặt trong hai má, lợi, amydal. Những mảng này bám khá chặt vào niêm mạc gây vướng víu và đau, rát, rất khó chịu.
Tổn thương có thể lan xuống thực quản (viêm thực quản do Candida), gây ra các triệu chứng như nuốt đau hoặc nuốt khó, nhai cũng đau, cảm giác như thức ăn bị mắc lại ở cổ hoặc ở ngực và gây sốt.
Nguyên nhân gây ra bệnh nấm lưỡi
Bệnh tưa lưỡi do nấm Candida albicans phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát ở một số niêm mạc miệng gây nên.
Hầu hết mọi người (bao gồm cả trẻ sơ sinh) đều có nấm Candida albicans trong miệng và đường tiêu hóa. Thông thường, một hệ miễn dịch khỏe mạnh và một số loại vi khuẩn "tốt" kiểm soát lượng nấm này trong cơ thể.
Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch bị suy yếu (do bệnh tật hoặc thuốc), các loại vi khuẩn "tốt" bị tiêu diệt, nấm Candida albicans trong đường tiêu hóa có thể tăng lên và dẫn đến nhiễm trùng.
Ngoài ra, sau khi trẻ bú hoặc ăn xong, nếu trẻ không được vệ sinh răng miệng tốt, không uống nước tráng miệng, cặn sữa ứ đọng lâu ngày sẽ lên men, tạo thành môi trường a-xít thuận lợi cho nấm phát triển, chúng sẽ sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh.
Ảnh minh họa
Các phương pháp điều trị bệnh nấm lưỡi
Đầu tiên, mẹ hãy đưa bé đi khám nếu nghĩ rằng bé có thể bị nấm lưỡi. Một số trường hợp bị nấm lưỡi tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, hầu hết bác sĩ sẽ có thể kê đơn thuốc kháng nấm cho bé. Thuốc này thường được bôi vài lần một ngày vào trong miệng của trẻ.
Tùy thuộc vào tuổi của trẻ, bác sĩ cũng có thể gợi ý bổ sung thêm sữa chua vào khẩu phần ăn của trẻ. Các vi khuẩn và men có lợi trong sữa chua có thể giúp "tiêu diệt" nấm Candida albicans trong khoang miệng của bé.
Khi bé bị nấm lưỡi nhẹ, mẹ có thể dùng nước muối thông thường hoặc nước muối sinh lý để súc miệng hằng ngày cho bé. Khi dùng nước muối sinh lý mẹ nên dùng một miếng gạc mềm tẩm dung dịch rồi lau miệng và đầu lưỡi cho bé.
Phòng ngừa bệnh nấm lưỡi
Nấm lưỡi là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ sơ sinh, nhưng mẹ có thể phòng tránh trước:
- Riêng trẻ sơ sinh, bạn cần dùng gạc mềm và sạch, thấm miếng nước muối sinh lý để lau lưỡi cho trẻ sau khi bú.
- Nếu trẻ bú sữa mẹ hoặc sử dụng núm vú giả, hãy làm sạch núm bằng nước ấm sau mỗi lần sử dụng. Bằng cách đó, nếu có men trên núm vú, bé sẽ không bị nhiễm trùng.
- Đựng sữa trong tủ lạnh để ngăn nấm men phát triển.
- Tuyệt đối không cậy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì có thể làm trẻ chảy máu dẫn đến nhiễm trùng lưỡi, khiến bệnh lan rộng và nặng hơn.
- Nếu bạn cho con bú sữa mẹ và núm vú của bạn bị tấy đỏ và đau, bạn có thể bị nhiễm nấm men trên đầu vú. Để tránh nhiễm trùng sang bé, bạn cần đi khám bác sĩ để phát hiện kịp thời, tránh lây nhiễm sang trẻ.
- Tuyệt đối không dùng mật ong tưa lưỡi cho trẻ nhũ nhi vì mật ong có thể chứa bào tử vi khuẩn clostradium botulinum, chuyển dạng thành vi khuẩn sống gây nguy hiểm cho trẻ.
Nguồn ST