Đau đầu gối ở tuổi thiếu niên còn gọi là bệnh Osgood-Schlatter, là tình trạng sưng đau ở vùng lồi củ trên xương chày, ngay dưới xương bánh chè do vận động khớp quá mức.
Tổn thương đầu gối khi vận động
Ở độ tuổi thiếu niên, cơ thể đang phát triển, xương của trẻ mới được hình thành từ sụn tiếp hợp nằm ở đầu xương. Khi cùng chịu một lực tác động, xương không tổn thương, còn sụn không chắc khỏe như xương nên bị sưng và đau nhức. Tình trạng đau đầu gối kiểu này là hậu quả của các chấn thương liên tục do vận động, tác động lên đầu trên của xương chày tại vị trí gắn kết của gân xương bánh chè. Những hoạt động của trẻ như chạy nhảy, gập gối nhiều khi tập luyện các môn điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, thể dục dụng cụ... làm cho cơ tứ đầu đùi co kéo nhiều, tác động lên gân xương bánh chè. Khi gân xương bánh chè bị kéo rút, thậm chí bị bóc tách khỏi vùng nó bám dính ở lồi củ xương chày dẫn đến sưng đau.
Dấu hiệu nhận biết
Trẻ ở độ tuổi thiếu niên sau những buổi tập luyện hoặc chạy nhảy nhiều mà bị bệnh Osgood-Schlatter sẽ có những triệu chứng sau: trẻ kêu đau ở đầu gối, nhìn thấy sưng và đau ở lồi củ trên xương chày, ngay dưới xương bánh chè. Tính chất đau là đau tăng khi vận động, nhất là lúc chạy nhảy, giảm bớt khi nghỉ ngơi. Tùy theo tổn thương mà mức độ đau ít hay nhiều: trẻ chỉ cảm thấy đau nhẹ khi chạy nhảy nếu tổn thương lần đầu hoặc nhẹ.
Trái lại, tổn thương nặng hoặc tái phát nhiều lần thì trẻ lại bị đau nhiều, đau liên tục. Đau kéo dài từ nhiều tuần đến nhiều tháng, đau tái phát mỗi khi trẻ vận động hay tập luyện. Đau cho đến khi trẻ ngừng tăng trưởng. Bệnh thường xảy ra ở một bên gối hoặc cả hai bên. Các cơ liên quan, nhất là cơ tứ đầu đùi bị co thắt. Việc chẩn đoán bệnh có thể dựa vào các triệu chứng: khớp gối sưng, đỏ, đau; chụp Xquang thấy tổn thương gân và xương.
Cần thực hiện tốt các động tác khởi động trước khi luyện tập thể thao
Chăm sóc trẻ khi bị đau đầu gối
Khi trẻ bị đau đầu gối, gia đình và trẻ có thể thực hiện một số biện pháp tự chăm sóc để giảm viêm và đau bằng nhiều biện pháp như: để cho khớp gối được nghỉ ngơi. Dùng nước đá chườm lên vùng tổn thương để giảm sưng và đau. Khi trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cần băng thêm một miếng đệm trên vùng đau ở đầu gối để bảo vệ khớp gối. Giảm sức ép lên đầu gối bằng cách đeo một đai bảo vệ trên gân xương bánh chè để giảm co kéo lên vùng gân bám dính với xương chày. Nếu có thể, cho trẻ chuyển sang các hoạt động không liên quan đến đầu gối như bơi lội... cho đến khi hết đau.
Chăm sóc vùng chung quanh gối như tập gấp duỗi cơ tứ đầu đùi. Hạn chế những động tác làm ảnh hưởng đến vùng đầu gối như quỳ, chạy, nhảy... Nếu trẻ đau nhiều, cần phải ngưng hoàn toàn các động tác ảnh hưởng đến khớp gối một thời gian cho đến khi trẻ hết đau. Cần cho trẻ dùng nạng đến khi khớp gối lành hẳn, thường từ 2-3 tháng. Có thể cho trẻ sử dụng thuốc để giảm đau chống viêm bằng một hay phối hợp vài loại thuốc không steroid như paracetamol, aspirin, ibuprofen, analgin... Nếu trẻ bị những cơn đau nặng và kéo dài trên 1 tháng thì cần cho trẻ nghỉ ngơi, không hoạt động thể lực, đồng thời, cần cố định khớp gối trong khung nhựa từ 6-8 tuần theo chỉ định của thầy thuốc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để giúp trẻ phòng tránh bệnh, cha mẹ và thầy cô giáo, các anh chị phụ trách thiếu niên cần hướng dẫn trẻ nhận biết được các triệu chứng của đau đầu gối và trẻ cần tự giới hạn động tác, cường độ tập luyện. Nếu cơ tứ đầu đùi co kéo sẽ tạo áp lực lên gân xương bánh chè ở vị trí bám dính của nó vào mỏm củ xương chày nên cần cho trẻ tập các bài tập thư giãn cơ tứ đầu đùi, gân khoeo và các cơ bắp chân để giảm thiểu tình trạng sưng đau ở vùng lồi củ trên xương chày. Mỗi khi bước vào tập luyện, trẻ cần được hướng dẫn thực hiện các động tác khởi động tốt. Sau mỗi buổi tập, trẻ cần thực hiện các động tác thư giãn các cơ vùng đầu gối.
BS. Đỗ Thị Quyên
Nguồn https://suckhoedoisong.vn