Phụ huynh có thể mang theo đồ chơi mà trẻ yêu thích, chia sẻ với con vaccine tốt cho sức khỏe... để bé không lo lắng chuyện tiêm phòng.
Dưới đây là các bước chuẩn bị cho phụ huynh khi quyết định đưa trẻ đi tiêm phòng.
Chuẩn bị trước tại nhà
Phụ huynh nên trang bị kiến thức cơ bản về các vaccine cho trẻ, nhất là những loại dành cho trẻ sơ sinh. Đọc những tài liệu mà bạn nhận được từ chuyên gia chăm sóc sức khỏe, sau đó liệt kê bất kỳ câu hỏi nào để bác sĩ có thể giải đáp kịp thời. Việc làm này giúp củng cố sự an tâm của cha mẹ.
Phụ huynh có thể an ủi, động viên để trẻ thêm dũng cảm, bớt lo lắng khi tiêm phòng. Ảnh: FamilyEducation.
Ngoài ra, bạn cũng nên liệt kê danh sách các vaccine mà con bạn có thể cần. Những thông tin thường thức này đa số đều có sẵn, bạn có thể tổng hợp từ các trang thông tin chính thống hoặc liên hệ trực tiếp bác sĩ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe để hỏi xin ý kiến. Không phải loại nào cũng cần thiết cho trẻ sơ sinh, đôi khi chỉ thích hợp khi trẻ lớn hơn, ở độ tuổi mẫu giáo hoặc tiểu học...
Nếu con đã được thăm khám, tiếp nhận một số liều vaccine trước đó và có sẵn hồ sơ chủng ngừa cá nhân, bạn có thể mang nó đến cho bác sĩ. Việc này giúp cập nhật cho bác sĩ biết chính xác những loại con bạn đã dùng và tình hình sức khỏe sau đó.
Bạn có thể mang theo đồ chơi, sách hoặc chăn mà trẻ yêu thích để an ủi bé trong quá trình tiêm. Nếu con lớn, bạn có thể chia sẻ với rằng vaccine tốt cho sức khỏe, không nên lo lắng. Tránh kể những câu chuyện đáng sợ hoặc đe dọa, khiến trẻ sinh tâm lý sợ hãi, thậm chí bật khóc khi nghe đến khám bệnh, gặp bác sĩ...
Khi đến trung tâm vaccine
Nếu vẫn còn thắc mắc về loại vaccine con mình sắp tiếp nhận, bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để có đủ thông tin về rủi ro và lợi ích của từng loại. Bác sĩ không chủ động cung cấp, bạn có thể đề nghị được xem.
Mang theo gấu bông, chăn hoặc đồ chơi yêu thích của trẻ sẽ giúp trẻ thêm yên tâm, bớt lo lắng. Ảnh: Self.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nên đánh lạc hướng và an ủi chúng bằng cách âu yếm, hát hoặc nói chuyện nhẹ nhàng. Hãy mỉm cười và giao tiếp bằng mắt để con bạn biết rằng mọi thứ đều ổn. Bạn có thể an ủi trẻ bằng một món đồ chơi hoặc cuốn sách mà bé yêu thích. Một chiếc chăn có mùi quen thuộc sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Trong quá trình tiêm, giữ trẻ ngồi yên trên đùi bạn. Khi hoàn tất các liều vaccine cần thiết, đừng quên động viên và khen ngợi sự dũng cảm của con vì đã ngoan ngoãn trong suốt quá trình đó. Ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể được dỗ dành thông qua việc quấn tã, được mẹ ôm ấp hoặc cho con bú.
Với trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, cha mẹ có thể chỉ ra những điều thú vị trong phòng bệnh lúc đó để đánh lạc hướng. Đọc truyện hoặc kể những mẩu chuyện cười nếu bé khóc. Tránh la mắng nếu chúng có dấu hiệu quấy khóc, chống đối. Thay vào đó bạn có thể dỗ dành, động viên giúp trẻ quên nỗi đau, sợ kim.
Tình trạng ngất xỉu có thể xuất hiện ở một số thanh thiếu niên ngay sau khi tiêm ngừa. Để giúp ngăn ngừa bất kỳ thương tích nào có thể xảy ra do ngã khi ngất xỉu, người mới tiếp nhận vaccine nên ngồi yên trong 15 phút.
Sau khi tiêm
Việc xuất hiện một số phản ứng phụ ở mức độ nhẹ ở trẻ sau tiêm phòng là việc thường gặp. Những biểu hiện đó gồm đau, sưng tại chỗ tiêm; phát ban hoặc thậm chí nhiệt độ cơ thể tăng cao, sốt. Những phản ứng này là bình thường và sẽ sớm biến mất. Song nếu vẫn lo lắng khi con em có những biểu hiện này, bạn có thể áp dụng những phương pháp giúp giảm thiểu tác dụng phụ.
Cha mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe của con một vài ngày sau đó để đảm bảo không xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Ảnh: ConsumerReport.
Đọc các bảng thông tin về vaccine do bác sĩ cung cấp sẽ giúp bạn nắm rõ tác dụng phụ con bạn có thể gặp phải để chuẩn bị trước tinh thần. Khi có biểu hiện sưng đỏ, đau, phụ huynh dùng một miếng vải ẩm hoặc chườm đá để giảm sưng.
Nếu có biểu hiện sốt trên 38,5 độ C và quấy khóc, phụ huynh có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường với liều phù hợp cân nặng của trẻ. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, thoải mái, uống nhiều nước và đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
Một số em có biểu hiện ăn ít hơn trong 24 giờ đầu sau tiêm là bình thường. Cha mẹ nên theo dõi biểu hiện sức khỏe của con thêm vài ngày sau đó để đảm bảo trẻ không còn sốt hay đau ở vết tiêm nữa. Trong trường hợp có biểu hiện nghiêm trọng, nên báo ngay cho bác sĩ để có những biện pháp kịp thời.
(Theo CDC Mỹ)
https://vnexpress.net