Việc trẻ nghỉ học dài ngày ở nhà là một bất lợi lớn cho các con. Các vị phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động của trẻ.
Học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông (từ 3 đến 18 tuổi) đang ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện nhận thức, nhân cách. Ở giai đoạn này, các em rất cần có sự vận động thân thể kết hợp với tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động rèn luyện phát triển đạo đức, trí tuệ. Tuy nhiên, liên tục hơn hai tháng qua kể từ sau Tết Nguyên đán, hàng triệu học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông trong cả nước đang phải nghỉ học, rời xa các hoạt động thiết yếu thường lệ để ở nhà để phòng tránh Covid-19. Vì vậy, trong thời gian này, các bậc cha mẹ cần có những giải pháp tình huống gì để có thể vẫn đảm bảo được những đòi hỏi thiết yếu nhất cho sự phát triển phù hợp với trẻ ở các giai đoạn phát triển này?
Trên các trang diễn đàn và các báo điện tử, phần lớn quan tâm của các cha mẹ học sinh là làm sao giữ cho các em tránh được dịch bệnh Covid-19 và duy trì đều đặn được việc học kiến thức. Rất ít người quan tâm đến những thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ và hành động của các em khi gặp một biến cố liên quan đến nhiều mặt của đời sống trong giai đoạn dễ bị ảnh hưởng hay tổn thương ở lứa tuổi đang phát triển này. Vì vậy tìm hiểu về sự phát triển của trẻ và những tác động từ những biến cố của dịch bệnh có thể sẽ giúp ta có cái nhìn đầy đủ để chung tay phòng chống dịch Covid-19 và góp phần hoàn thiện hơn sự phát triển của các em.
Phụ huynh cần tạo cho con nhưng công việc nhẹ nhàng giúp bố mẹ trong kỳ nghỉ dài ngày chống dịch.
Theo TS Tâm lý - Giáo dục Vũ Xuân Hướng (thành phố Hồ Chí Minh), trẻ em ở các lứa tuổi phát triển khác nhau, nếu không được tham gia các hoạt động cơ thể, không có giao lưu xã hội cần thiết; hay phải ở nhà trong điều kiện tù túng, thiếu những sinh hoạt bài bản như thường lệ, lâu ngày sẽ đến sự mất cân bằng, thiếu điều độ và những điều kiện rèn luyện thiết yếu thì trẻ dễ nảy sinh những hiện tượng tâm lý tiêu cực như trẻ thấy không được thoải mái, cảm xúc tiêu cực biểu lộ nhiều hơn, suy nghĩ tiêu cực và dễ nảy sinh ra các bệnh về tâm lý như trầm cảm, tự ti, hoặc các vấn đề về nhân cách như biểu hiện chống đối xã hội ASPD (viết tắt tiếng Anh của cụm từ Antisocial Social Personality Disorder).
Cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Trí Đức 2 (thành phố Hà Tĩnh), lo lắng: "Việc trẻ nghỉ học dài ngày ở nhà là một bất lợi lớn cho các con. Các vị phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động của trẻ. Đối với các bé gái, nên khuyến khích các con múa hát; còn đối với các bé trai, nên khuyến khích các hoạt động vui chơi trong nhà, ngoài sân. Cha mẹ nên cùng tham gia với các con. Tránh bỏ mặc các con xem tivi hay chơi các trò chơi điện tử nhiều mà dễ sinh ra các bệnh rối loạn tâm lý, chức năng vận động của trẻ".
Cô Phượng đề nghị cha mẹ hàng ngày cần để ý nhiều hơn đến các hoạt động của các con trẻ. Nhiều bé trai tò mò, hiếu động có thể có những việc làm nguy hiểm đến như đốt giấy trong nhà (nguy cơ gây cháy), dùng các vật nhọn kim loại chọc phá ổ điện (nguy cơ điện giật), chơi với nhiệt kế thủy ngân (nguy cơ vỡ nhiệt kế, nhiễm độc thủy ngân), chơi với dao, kéo (nguy cơ làm bị thương tay, chân), tập mở các vật dụng điện tử như quạt, đài, tivi (nguy cơ điện giật, làm vỡ hỏng các đồ dùng)...
Đồng thời nên khuyến khích các con hoạt động thể dục, thể thao để tránh tình trạng xem tivi, điện thoại nhiều.
TS Hướng khuyến nghị cha mẹ học sinh bên cạnh việc chăm lo cho bữa ăn đủ chất dinh dưỡng nên quan tâm đến các hoạt động đa dạng hướng tới sự phát triển các mặt tâm trí của các con. Khuyến khích các con duy trì lịch sinh hoạt điều độ ở tất cả các mặt hoạt động như tham gia các hoạt động vận động cho cơ thể như: chạy nhảy, Yoga, các bài tập thể dục cá nhân, tập hít thở sâu,..., tham gia các hoạt động giao tiếp, cộng tác với người khác như các thành viên trong gia đình, bạn bè người thân qua mạng xã hội, tham gia các hoạt động đọc sách, học online... để có tâm lý thoải mái, hưng phấn và đảm bảo được những đòi hỏi cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nga, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội lưu ý: "Việc trẻ ở nhà dài ngày sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của các em. Nếu các em ngồi lâu trước màn hình máy tính hoặc tivi thì sẽ dễ bị các bệnh như khô mắt, cận thị". Bác sĩ Nga khuyến khích các em nên nghỉ chừng 3-5 phút sau mỗi khoảng 30 phút xem tivi hoặc máy tính; dùng tay mát xa nhẹ xung quanh mắt và nhìn xa ra ngoài sân, ban công, hoặc qua của sổ để măt được thả lỏng. Ngoài ra cha mẹ nên quan tâm bổ sung thêm các loại rau quả giàu vitamin như rau chân vịt, rau cải, bí ngô, cà rốt... trong bữa ăn hàng ngày. Có thể bổ sung thêm vitamin A bằng cách uống dầu cá, dầu gấc. Tuy nhiên, không nên tự uống vitamin A dài ngày mà nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Duy trì cân bằng, hài hòa giữa tinh thần và thể chất rất quan trọng cho các em học sinh trong độ tuổi đang phát triển. Vì vậy, cha mẹ học sinh cần hết sức lưu tâm đến các con khi phải nghỉ học ở nhà dài ngày, tránh nguy cơ mắc các chứng bệnh nội sinh trong khi thực hiện "cách ly xã hội" để phòng chống dịch bệnh Covid-19."
Trần Giang Nam
(Sở GD&ĐT Hà Tĩnh)