Yuta Ito (10 tuổi, ở Nhật Bản) nói với cha mẹ không còn muốn đến trường, vì thường xuyên bị bắt nạt và đánh nhau với bạn học.
Nghe con trai trình bày vào mùa xuân năm 2018, cha mẹ Yuta đưa ra ba lựa chọn gồm: tham gia trị liệu với chuyên viên tư vấn học đường, giáo dục tại nhà hoặc theo học trường học tự do (tổ chức giáo dục không thuộc chính phủ Nhật Bản, dành cho học sinh thường xuyên nghỉ học, hoặc bị bắt nạt).
Yuta đã lựa chọn phương án cuối cùng. Trong gần hai năm qua, Yuta dành thời gian học để làm những điều em muốn và cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.
Yuta là một trong số những trẻ "futoko", được Bộ Giáo dục Nhật Bản định nghĩa là trẻ em không đến trường trong hơn 30 ngày vì lý do không liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính. Thuật ngữ này được dịch theo nhiều cách, bao gồm: trốn học, sợ hãi học đường hoặc bài xích trường học.
Thái độ của người dân Nhật Bản đối với "futoko" đã thay đổi qua nhiều thập kỷ. Năm 1992, người dân Nhật Bản gọi hiện tượng này là từ chối trường học, sau đó được đổi thành "tokokyoshi" (kháng cự) mang nghĩa như căn bệnh tâm thần. Từ năm 1997, thuật ngữ được đổi thành "futoko", mang sắc thái trung lập, có nghĩa là vắng mặt.
Ngày 17/10, chính phủ Nhật Bản cho biết, số lượng học sinh tiểu học và trung học cơ sở nghỉ học cao kỷ lục, với 164.520 em vắng mặt trong 30 ngày trở lên trong năm 2018, tăng từ con số 144.030 vào năm 2017.
Phong trào trường học tự do bắt đầu nở rộ ở Nhật Bản từ những năm 1980 để đáp ứng số lượng "futoko" ngày càng tăng. Số học sinh theo học các trường tự do đã tăng vọt trong những năm qua, từ 7.420 em vào năm 1992 đến 20.340 em trong năm 2017. Mô hình giáo dục này là lựa chọn thay thế giáo dục bắt buộc hoặc giáo dục tại nhà, nhưng học sinh sẽ không được trao bằng giáo dục tiêu chuẩn.
Học sinh chơi trò chơi tại trường học tự do Tamagawa (thành phố Tokyo, Nhật Bản). Ảnh: Stephane Bureau Du Colombier.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng "futoko" là hoàn cảnh gia đình, vấn đề cá nhân với bạn bè hoặc bị bắt nạt. Những học sinh bỏ học chia sẻ không hòa đồng với bạn bè, đôi khi mâu thuẫn với cả giáo viên.
Đó cũng là trường hợp của nữ sinh Tomoe Morihashi, 12 tuổi. "Em không cảm thấy thoải mái khi ở cùng nhiều người, cuộc sống học đường thật tẻ nhạt", em nói. Tomoe mắc chứng câm chọn lọc, ảnh hưởng đến việc giao tiếp và xuất hiện trước đám đông. Em không thể nói chuyện ngoài phạm vi gia đình và thấy khó tuân thủ những quy định cứng nhắc trong trường học.
"Quần tất không được có màu, tóc không được nhuộm, dây buộc tóc cũng phải có màu nhất định và không được đeo trên cổ tay", em kể. Các quy tắc Tomoe liệt kê được gọi là "quy tắc đen trong trường học", thuật ngữ dùng để chỉ những công ty chuyên bóc lột sức lao động của nhân công.
Giống như Yuta, Tomoe đang theo học trường tự do Tamagawa ở Tokyo, nơi học sinh không cần mặc đồng phục và tự lựa chọn các hoạt động của mình, theo kế hoạch thống nhất giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh. Các em được khuyến khích phát huy kỹ năng và sở thích cá nhân.
"Thông qua học tập, thể thao hoặc vui chơi, trường học muốn hướng đến mục đích chung là giúp trẻ em hòa đồng, thoải mái trong môi trường cộng đồng và phát triển các kỹ năng xã hội", Takashi Yoshikawa, hiệu trưởng nhà trường nói.
Takashi mở trường năm 2010 trong căn hộ ba tầng nằm ở khu dân cư Fuchu, thành phố Tokyo. "Ban đầu, tôi hy vọng sẽ nhận học sinh từ 15 tuổi trở lên, nhưng những em đăng ký chỉ mới 7-8 tuổi. Hầu hết các em đều im lặng do mắc chứng câm chọn lọc và không làm gì ở trường cũ", ông nói, tin rằng vấn đề giao tiếp là căn nguyên của việc từ chối trường học.
Đồng tình với ý kiến của Takashi, giáo sư Uchida tại Đại học Nagoya cho rằng tình bằng hữu là yếu tố quan trọng để tồn tại tại Nhật Bản, không chỉ trong giáo dục mà còn trong các khía cạnh khác của đời sống, như: sinh hoạt, tham gia giao thông. Tuy nhiên, với nhiều học sinh, việc phải làm mọi thứ với số đông bạn bè đồng trang lứa trong không gian lớp học nhỏ hẹp là hành động không thoải mái.
Ngoài ra, trẻ em Nhật Bản sẽ học cùng nhau năm này qua năm khác, rất ít sự xáo trộn trong lớp học nên nếu có vấn đề xảy ra, các em sẽ rất khó giải quyết triệt để. "Theo nghĩa đó, trường học tự do rất quan trọng vì ít quan tâm đến con số mà coi trọng, đề cao suy nghĩ, cảm xúc của từng học sinh", giáo sư Uchida nói.
Dù các trường học tự do đang đưa ra giải pháp thay thế, thực trạng của hệ thống giáo dục công tại Nhật Bản vẫn là vấn đề cần được quan tâm. Giáo sư Uchida cho hay trong môi trường giáo dục công, việc không chú trọng đến sự khác biệt giữa các cá nhân là vi phạm quyền con người.
Bằng chứng vào tháng 8, nhóm chiến dịch "Dự án loại bỏ quy tắc đen trong trường học" đã đưa đơn kiến nghị trực tuyến được ký bởi hơn 60.000 công dân tới Bộ Giáo dục Nhật Bản, yêu cầu điều tra những quy tắc vô lý trong trường học. Quận Osaka sau đó đã ra quyết định xem xét lại những quy tắc học đường và khoảng 40% trường học đã thay đổi.
Giáo sư Uchida cho rằng Bộ Giáo dục Nhật Bản dường như đang chấp nhận việc học sinh nghỉ học là xu hướng, không phải vấn đề bất thường. Ông coi đây là sự thừa nhận ngầm rằng, trẻ em "futoko" không phải vấn đề mà là các em đang phản ứng lại môi trường học tập không lành mạnh.
Nguồn VNE