Căn bệnh ngoài da của trẻ khiến một số phụ huynh phải khổ sở bởi con toàn thân đầy những vết lở loét và không ít trường hợp biến chứng khiến các bé bị nhiễm trùng huyết phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Đưa con đến khám tại BV. Nhi Đồng 1 TP.HCM, chị Hoa nhà ở Tây Ninh cho biết con chị mắc bệnh lạ, trị hoài không khỏi. Gương mặt mếu máo lo sợ, người mẹ vừa khóc vừa mở áo cậu con trai 6 tuổi cho BS xem chi chít những vết lở loét, có vết to gần bằng bàn tay, tươm đầy dịch vàng.
Tương tự, phụ huynh nhà ở Long An cũng đưa con đến BV khi gương mặt bé gần như biến dạng bởi nhiều vết lở loét kèm những bọng nước. Người mẹ kể bé bắt đầu mắc bệnh từ nhiều tháng, thoa thuốc nhưng không khỏi mà tình hình mỗi ngày một nghiêm trọng hơn.“Tôi lo lắm. Nhiều người nhìn mặt con tôi nói nó bị bệnh truyền nhiễm. Bạn học của bé cũng không đứa nào dám đến gần”.
Đây không phải là hai trường hợp hy hữu. Các bệnh viện nhi ở TP.HCM, thi thoảng các BS vẫn tiếp nhận những trường hợp tương tự. Hầu hết phụ huynh mang tâm trạng hoang mang lo lắng mà không biết rằng con mình mắc bệnh chốc.
Theo ThS.BS. Nguyễn Thị Hồng Ngọc, BV. Nhi Đồng 1, chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da hay gặp ở trẻ nhỏ. Đặc trưng bởi các tổn thương cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vẩy tiết. Nguyên nhân thường do vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác; vì vậy bệnh còn được gọi là “ chốc lây”. Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bệnh chốc tàn phá da trẻ
Khởi phát là vết đỏ xung huyết đường kính 0,5 - 1cm, sau đó bọng nước nhanh chóng phát triển trên các dát đỏ. Bọng nước có thể hóa mủ nhanh chóng sau vài giờ.Bọng nước nhanh chóng dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong.Nếu ở đầu, vảy tiết làm bết tóc.Khoảng 7 - 10 ngày sau, vảy tiết bong đi để lại dát hồng, ẩm ướt, ít lâu sau lành hẳn, không để lại sẹo hoặc chỉ để lại dát tăng sắc tố.
Tổn thương thường ở vùng da hở như tay, mặt, cổ, chi dưới. Trẻ thường không sốt, đôi khi có hạch viêm do phản ứng. Trẻ có thể ngứa nhiều hoặc ít.
BS. Trần Thị Huyền, BV. Da liễu Trung ương, phân tích chốc hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn.Người bệnh có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch.
Nếu không được điều trị, bệnh có thể tự lành sau 2 - 4 tuần mà không có sẹo. Thương tổn có thể lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi. Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có thể bị nhưng mặt và các chi hay bị nhất.Thương tổn có thể ngứa nhẹ hoặc không có triệu chứng, có hoặc không có quầng đỏ bao quanh. Hạch ngoại vi thường to. Bệnh nhân có thể có chấn thương nhẹ, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa tại vị trí bị chốc.
Chốc loét bắt đầu giống như chốc không bọng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo.
Chốc bọng nước khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần thành bọng nước. Bọng nước nông, dễ vỡ, kích thước nhỏ hoặc lớn, chứa dịch vàng, trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ sau 1 - 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo. Xung quanh bọng nước có thể có quầng đỏ hoặc không. Thương tổn hay gặp ở mặt, thân mình, các chi, mông, sau đó lan ra các đầu xa do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bọng nước, chốc bọng nước có thể có thương tổn ở niêm mạc má, ít lây hơn, hạch vùng không to.
Một ca mắc bệnh chốc
Chăm sóc tại nhà
Nếu tạm thời chưa có điều kiện đưa trẻ đến các cơ sở y tế, bạn nên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô, se thương tổn.
Cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc xanh methylen… Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên nên gặp BS để được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Chốc dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác.
Các phương pháp điều trị
Điều trị tại chỗ: Ngâm tắm ngày một lần bằng nước thuốc tím loãng 1/10.000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác. Nếu xuất hiện các bọng nước hoặc bọng mủ: chấm dung dịch thuốc vùng da bị chốc vào buổi sáng (dung dịch Milian, Castellani, eosin 2%...).
Trường hợp nhiều vảy tiết: Đắp nước muối sinh lý 9‰, nước thuốc tím 1/10.000 lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy, hoặc bôi mỡ kháng sinh như mupirocin hoặc kem axit fucidic, erythromycin… 2 - 3 lần/ ngày.
- Nếu nhiều tổn thương ở một vùng da và/hoặc lan tỏa toàn thân BS sẽ cung cấp cho con của bạn kháng sinh đường uống trong khoảng 5 - 7 ngày và điều trị các biến chứng nếu có.
- Nếu bé ngứa nhiều BS sẽ cung cấp thêm cho bé thuốc kháng histaimine tổng hợp.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn