Viêm đường tiết niệu là bệnh do vi khuẩn gây nên. Trẻ em ở lứa tuổi học đường dễ mắc căn bệnh này. Bệnh không những ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau nay của trẻ. Vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân do đâu?
Trẻ em trong độ tuổi đến trường dễ mắc bệnh do ý thức vệ sinh chưa cao, ngoài ra chưa được hướng dẫn đầy đủ cách vệ sinh vùng kín. Theo một nghiên cứu, tỉ lệ nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở bé gái cao hơn bé trai 5-10 lần. Nguyên nhân là do ở bé gái bộ phận sinh dục và đường tiểu rất gần nhau, nếu không biết cách vệ sinh sạch sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhất là với trẻ em nông thôn. Việc các bé gái hay ngồi bệt trên nền đất, lau rửa sau đi vệ sinh không sạch sẽ, đúng cách sẽ khiến vi khuẩn xâm nhập vào đường tiểu theo đường ngược dòng (từ niệu đạo lên bàng quang, niệu quản, thận) gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Mặt khác, nếu như ở người lớn, viêm đường tiết niệu có thể phát hiện dễ dàng thì ở trẻ em, bệnh thường khó phát hiện hơn do các bé chưa ý thức được các triệu chứng này. Chính vì thế, những dấu hiệu cảnh báo bệnh thường bị bỏ qua hoặc bị cha mẹ nhầm lẫn với bệnh khác. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thường được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã có những chuyển biến ở giai đoạn muộn.
Dấu hiệu nhận biết
Tuỳ theo độ tuổi, tuổi càng nhỏ thì triệu chứng viêm đường tiết niệu càng kín đáo, khó phát hiện. Trẻ có thể bị sốt nhẹ, sốt kéo dài, đôi khi sốt cao; biếng ăn, kém chơi, hay quấy khóc, đôi khi có rối loạn tiêu hoá như nôn hoặc tiêu chảy; đau khi đi tiểu, đái buốt, đái dắt…
Nước tiểu của trẻ bị viêm đường tiểu có thể đục. Mức độ đục nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian bị viêm đường tiết niệu, thời gian lấy nước tiểu trong ngày.
Nhà vệ sinh bẩn khiến nhiều học sinh nhịn tiểu dẫn đến viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu là bệnh dễ chữa, tuy nhiên, nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như: Viêm thận - bể thận cấp, áp xe quanh thận, nhiễm trùng huyết…
Cách phòng và trị bệnh
Việc điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm tiêu diệt luôn cả các virút gây bệnh và loại trừ các yếu tố thuận lợi tạo nên nhiễm khuẩn nếu có. Kháng sinh là thuốc được lựa chọn hàng đầu cho những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn tiết niệu điển hình và có tình trạng sức khỏe tốt. Loại thuốc và thời gian điều trị tùy thuộc vào tình hình sức khỏe người bệnh, loại vi khuẩn phân lập được từ nước tiểu và vị trí nhiễm trùng.
Ngoài kháng sinh chúng ta cần phải dùng một số thuốc khác có tác dụng giải quyết nguyên nhân như thuốc điều trị sỏi, thuốc sát trùng bề mặt đường tiết niệu.
Để phòng chống bệnh viêm đường tiết niệu cần đặc biệt chú ý tới công tác vệ sinh. Lời khuyên tốt nhất là nên rửa “vùng kín” cho trẻ 2 lần/ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi ngủ. Còn với bé trai thì phải rửa ít nhất 1 lần/ngày vào buổi tối. Rửa ở đây là phải rửa kỹ và rửa sạch.
Tuyệt đối không để trẻ nhịn tiểu bởi nhịn tiểu sẽ khiến nước tiểu bị ngưng đọng và ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Hơn nữa nhịn tiểu làm tăng nguy cơ trương cơ, co thắt bàng quang. Khi đi tiểu thì hãy đi từ từ, không nên quá sức, sẽ ảnh hưởng đến xương chậu.
Tránh mặc các loại quần áo, đồ lót quá chật, làm bằng chất liệu khó thoát mồ hôi. Không sử dụng thường xuyên các sản phẩm thụt rửa không phù hợp có chứa chất kiềm, có chất sát khuẩn…
Khi nghi ngờ trẻ bị viêm đường tiết niệu, phải đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa để khám, xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó có hướng trị bệnh thích hợp.
ThS. BS. Nguyễn Văn Liên
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/