Phụ huynh cần quan sát các dấu hiệu bất thường; vệ sinh rốn cho con bằng tăm bông thấm nước muối sinh lý, không lạm dụng thuốc sát trùng...
Dây rốn là cầu nối cung cấp oxy và dưỡng chất cho thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ. Khi em bé chào đời, dây rốn không còn vai trò nữa nên bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn cách da của bé khoảng 2 cm. Trên lý thuyết, sau 10-15 ngày, rốn của trẻ sơ sinh sẽ dần khô đi và rụng. Tuy nhiên nơi cắt rốn vẫn là một vết thương hở, do vậy nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng.
Nhiễm trùng rốn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân, viêm màng não, uốn ván rốn... Do vậy việc hiểu đúng về đặc điểm của rốn và chăm sóc đúng cách là điều cần thiết.
Bố mẹ cần hiểu rằng việc chăm sóc quá kỹ (như quấn băng rốn kín và chặn; vệ sinh quá thường xuyên...) hoặc vô ý trong việc chăm rốn cho trẻ sơ sinh đều mang lại những hệ quả không tốt. Lưu ý, khi vệ sinh rốn cho trẻ sơ sinh cần rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn trước khi vệ sinh rốn trẻ.
Khi vệ sinh rốn cần tháo quần áo và tã bỉm của trẻ. Bố mẹ quan sát kỹ tình hình rốn: có dịch, mủ, máu ở rốn hay không và da quanh rốn có sưng đỏ không. Sau đó đến kiểm tra mùi, xem có mùi gì bất thường ở vùng rốn của con hay không. Dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý lau nhẹ nhàng từ chân rốn, thân rốn và tới bề mặt cắt của cuống rốn. Lấy tăm bông khô lau lại theo trình tự trên. Dùng cồn 70 độ sát trùng vùng da xung quanh rốn. Lưu ý không cần lạm dụng thuốc sát trùng vì sử dụng nhiều không tốt.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền cho biết vì không rõ về những đặc điểm của rốn trẻ sơ sinh nên nhiều bố mẹ chăm sóc bộ phận này chưa đúng cách.
Bên cạnh những cách cơ bản để vệ sinh rốn, phụ huynh cũng cần biết về những nguy cơ có thể gây tổn hại đến vùng rốn của trẻ sơ sinh như:
- Băng kín rốn: Nhiều bậc phụ huynh cho rằng băng kín rốn là điều cần thiết, song chính vì vậy lại làm rốn lâu khô và có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng.
- Tự ý giật dây rốn trước khi rốn khô và rụng: Dây rốn của trẻ sơ sinh trước khi khô và rụng vẫn là một vết thương hở. Việc tự ý giật dây rốn làm chảy máu càng làm tăng nguy cơ rốn bị nhiễm trùng. Quá trình khô và rụng rốn cần được xảy ra một cách tự nhiên thay vì có sự can thiệp chủ đích như vậy.
- Tự ý bôi các loại thuốc sát trùng, các loại lá dân gian: Bôi thuốc, chất sát khuẩn như cồn iod, đắp các loại lá lên rốn có thể dẫn đến phỏng da quanh rốn, nhiễm trùng rốn. Bởi theo quan điểm khoa học, các loại lá dân gian có tính sát khuẩn cao, khi đắp lên rốn của trẻ sơ sinh sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rốn. Bất kỳ một loại thuốc nào dùng để bôi lên rốn của trẻ sơ sinh (trừ nước muối sinh lý) đều cần có sự tư vấn kỹ từ bác sĩ.
- Chọn quần áo, tã bỉm không phù hợp: Các loại quần áo quá ôm cơ thể hoặc có những tiểu tiết gây cấn đều không nên sử dụng cho trẻ sơ sinh vì da bé giai đoạn này vô cùng mỏng manh, nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là quần áo và tã bỉm. Bố mẹ cần chú ý lựa chọn chất liệu cần đảm bảo thoáng mát, mềm mịn để hạn chế cọ xát với phần rốn của con.
Riêng đối với việc sử dụng tã giai đoạn sơ sinh, thường bố mẹ sẽ quấn phần lưng tã để hạn chế tiếp xúc giữa rốn của con với phần chất tiêu bẩn từ tã, đồng thời để rốn có thể thoáng khí hơn. Tuy nhiên việc quấn tã như vậy sẽ khiến tã không vừa vặn, dễ gây xô lệch và tràn chất bẩn ra bên ngoài tã. Để tiện lợi hơn trong việc chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, bố mẹ nên chọn những loại tã được thiết kế chuyên biệt để tránh vùng rốn bé, điển hình có thể đề cập đến chính là thiết kế rãnh rốn Oheso. Với thiết kế này, tã sẽ giảm cọ xát vào phần cuống rốn, tránh việc vấy bẩn cuống rốn với chất tiêu bẩn của bé, giữ vùng rốn của bé thông thoáng, sạch sẽ hơn, hỗ trợ cho việc chóng khô và rụng.
Trong suốt quá trình chăm sóc rốn, bố mẹ cần chú ý quan sát để kịp thời nhận thấy những dấu hiệu bất thường và mang đi thăm khám bác sĩ. Ví dụ tình trạng sưng đỏ, rỉ dịch, có mủ hoặc có mùi hôi; tấy đỏ nhiều ngày ở vùng da xung quanh rốn; chảy máu hay rốn vẫn ướt sau khi rụng...
Những ngày đầu sau sinh, việc chăm sóc rốn cho trẻ rất quan trọng. Thực hiện tốt điều này có thể ngăn ngừa những bệnh nguy hiểm có thể đe doạ đến tính mạng của trẻ như uốn ván rốn, nhiễm trùng rốn.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền
Giám đốc phòng khám Sản Phụ khoa Hiền Đức, cố vấn cấp cao Bệnh viện Hạnh Phúc
Nguồn Vnexpress