Thời tiết thay đổi bé nhà tôi bị ho nặng tiếng, kèm theo nhiều đờm nhưng cháu không bị khó thở, không sốt.
Tôi cho cháu uống thuốc giảm ho ngay nhưng không thấy đỡ. Vậy tôi nên xử trí thế nào?
Thu Anh (Hà Nam)
Trẻ nhỏ dễ bị ho khi có hiện tượng kích thích, ho kéo dài thường có đờm kèm theo. Chị không nên vội vàng cho cháu uống thuốc giảm ho ngay vì ho là phản xạ tốt của cơ thể, ho để tống dị vật đường hô hấp ra ngoài. Các dịch tiết của đường hô hấp, đờm thường chứa nhiều vi khuẩn, virut hay các độc tố khác trong phế quản lâu ngày làm cản trở lưu thông không khí gây khó chịu cho trẻ. Mặt khác màng lưới mao mạch trong phổi rất phong phú lại là môi trường tốt cho vi khuẩn, virut phát triển. Nếu uống thuốc giảm ho ngay thì đờm càng ứ đọng không tống ra ngoài được và ho cũng không giảm. Vì vậy chị nên cho cháu uống nhiều nước, sau khi ho đào thải hết đờm, chỉ còn ho khan mới uống thuốc giảm ho.
Không nên cho trẻ uống thuốc giảm ho ngay vì ho là phản xạ tống dị vật ra khỏi đường hô hấp
Đối với trường hợp đờm nhiều lại dính trong cổ họng của trẻ thì nên uống thuốc làm loãng đờm, kháng viêm để trẻ ho đẩy đờm ra rồi mới uống thuốc giảm ho. Hiện nay thường dùng các loại siro có chứa acetylcysteine (exomuc), carbocysteine (flemex) hoặc bromhexine HCL (biosolvon)... Cần chú ý với trẻ dưới 2 tuổi phải có y lệnh của bác sĩ mới dùng các sản phẩm này. Ngoài ra, không dùng thuốc chống ho (ức chế ho) trong thời gian dùng những thuốc trên.
Chị nên kết hợp trở mình và hỗ trợ vỗ lưng trẻ có thể khiến đờm long ra và tăng cường tuần hoàn máu phổi hoặc cho trẻ hít hơi nước nóng và ẩm khiến đờm đặc dính bị loãng ra dễ đào thải như cho trẻ hít miệng chai nước ấm bằng mồm, mũi trẻ rất dễ chịu.
Để dùng thuốc được đúng với tình trạng bệnh của con chị, tốt nhất chị nên đưa cháu đến khám bác sĩ để được chỉ định và tư vấn dùng thuốc hợp lý, an toàn, không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ.
BS. Phạm Thị Thục
Nguồn https://suckhoedoisong.vn