GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, chủ tịch danh dự CLB Trẻ tự kỷ Hà Nội, cho biết trẻ được phát hiện và ghi nhận mắc tự kỷ ngày càng tăng.
Ở Mỹ cách đây 20 năm cứ 1.000 trẻ có 1 trẻ mắc tự kỷ, năm 2014 tỉ lệ này tăng lên 15/1.000 và cập nhật mới nhất vào tháng 3-2016 là 1/65. Ở VN cũng tương tự, trong khi Việt Nam lại thiếu cơ sở y tế, giáo dục và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ.
Biểu hiện từ sinh nhật đầu tiên
Con trai đầu của chị L.Q.L. (ở Thanh Trì, Hà Nội) đã 27 tháng tuổi mà chưa biết nói. Bé có thể lặp lại một số yêu cầu của người thân như tạm biệt, vẫy tay, nhưng chỉ biết nói mỗi từ bà.
Gia đình chị L. lo bé mắc hội chứng tự kỷ, nhưng lại tự an ủi cha bé khi bé cũng chậm nói, bé có tiếp xúc mắt với người đối diện và biết thực hiện yêu cầu của người lớn.
Bà Nguyễn Thị Nha Trang, giám đốc chuyên môn của Viet Clever (một trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ), cho biết việc chẩn đoán trẻ tự kỷ rất dễ nhầm.
Theo bà Trang, trẻ có một hoặc một số trong các biểu hiện như ít nói, tăng động, có vấn đề tâm lý như ngại tiếp xúc, hay lo sợ dễ bị xác định là tự kỷ. Trong khi nếu xem xét kỹ trẻ có thể mắc chứng chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ...
"Cốt lõi để xác định trẻ tự kỷ hay không là khả năng giao tiếp. Nếu trẻ vẫn chia sẻ, có tiếp xúc mắt 2 chiều hoặc 3 chiều thì cơ sở y tế dễ xác định, nhưng có trường hợp không rõ vì ở ranh giới giữa các chứng bệnh có cùng nhóm biểu hiện"- bà Trang nói.
Cũng theo bà Trang, nếu chú ý kỹ, gia đình có thể phát hiện khi trẻ 1 tuổi. Ở buổi sinh nhật, trẻ có thể vỗ tay hoặc rất thích thú khi nhà đông người tới chơi. Nhưng trẻ tự kỷ thường chỉ chú ý tới đồ vật mà không chú ý tới người, không chia sẻ hay tương tác về cảm xúc với cha mẹ và các vị khách, kể cả khách là trẻ em.
Cha mẹ cần có kỹ năng
Chi phí hướng dẫn trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng là một trong những khó khăn với không ít bậc cha mẹ có con tự kỷ, bởi đắt đỏ hơn nhiều so với tiền học của trẻ cùng độ tuổi. Tuy nhiên nếu cha mẹ có kỹ năng chơi cùng trẻ tự kỷ, thì 1 giờ chơi cùng cha mẹ có hiệu quả tương đương 5 giờ với chuyên gia.
"Vấn đề là cha mẹ có kỹ năng chơi với trẻ thì hiệu quả mới rõ. Khoảng 2 tháng tới, chúng tôi sẽ đưa những kỹ năng hướng dẫn nuôi dạy trẻ tự kỷ lên mạng Internet, trong đó có cả video, bảng biểu để phổ cập hướng dẫn cho cha mẹ", ông Liêm cho hay.
Ngoài ra, theo bà Trang, ở Mỹ có 27 chương trình có kiểm chứng khoa học là hiệu quả với trẻ tự kỷ. Việc áp dụng các chương trình này vào hỗ trợ và giáo dục cho trẻ tự kỷ đã giúp một tỉ lệ đáng kể trẻ tự kỷ ở Mỹ có khả năng làm việc và tự kiếm sống ở giai đoạn trưởng thành.
Nhưng ở Việt Nam thì 500.000 gia đình có con tự kỷ (theo ước tính) đang hằng ngày đối diện với những khó khăn trong nuôi dạy con dù nhiều trẻ mắc chứng tự kỷ đã ở tuổi vị thành niên hoặc thanh niên...
Nguồn http://afamily.vn