Kiêng cữ sau sinh như thế nào để cơ thể nhanh hồi phục là nỗi băn khoăn của không ít người.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sỹ Lê Thị Kim Dung - Phó Giám Đốc viện Sức khỏe sinh sản (RAFH), Phụ trách khoa sản Trung Tâm Y Tế 178 Thái Hà.
Thực tế, sau sinh cơ thể phụ nữ cần được nghỉ ngơi và có chế độ chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng phù hợp để đảm bảo sức khỏe của mẹ và con.
Kiêng cữ sau sinh và những điều cần lưu ý
Một bác sĩ tiền bối nổi tiếng đã từng nói: Sinh đẻ chẳng qua là một cuộc hành kinh lớn. Không nên kiêng cữ quá nhiều. Tuy nhiên, các mẹ nên tuân thủ một số kiêng cữ cơ bản sau sinh sau:
1. Không nên kiêng khem quá mức
Một số bà mẹ mới sinh được khuyên ăn thức ăn khô và mặn như thịt kho tiêu, cá bống kho tộ, kiêng ăn rau, canh... để da thịt được săn chắc. Thực tế, việc ăn thức ăn khô, mặn cùng chế độ ăn thiếu rau xanh có thể khiến mẹ bị tăng huyết áp, táo bón ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Ngoài ra, sau sinh không nên ăn đồ lạnh, thức ăn lên men như các loại dưa muối hay thức ăn để qua đêm, không ăn đồ sống nhằm hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn hay ký sinh trùng gây bệnh. Nên ăn đồ mới nấu, uống đủ nước.
Tuy cần kiêng cữ sau sinh nhưng mẹ không nên kiêng khem quá mức vì dễ dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể, dễ nhiễm bệnh, thiếu dưỡng chất thiết yếu, ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Ngoài các loại thực phẩm nên tránh kể trên, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm.
Nếu mới sinh, nên tránh ăn các thực phẩm chế biến sẵn vì trong nhóm thực phẩm này thường có nhiều muối, đường, các chất bảo quản không tốt cho sức khỏe, nhất là với các bà mẹ mới sinh.
Uống rượu và các thức uống có cồn có thể khiến chị em sau sinh bị huyết áp cao. Ảnh minh họa
2. Không uống rượu và thức uống có cồn, caffeine
Uống rượu và các thức uống có cồn có thể khiến chị em sau sinh bị huyết áp cao. Sau sinh, nếu nuôi con bằng sữa mẹ, chị em tuyệt đối không uống rượu bia, vì những thức uống này có thể đi vào sữa mẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, lượng sữa tiết ra sẽ giảm nếu mẹ thường xuyên uống rượu hay các thức uống có cồn. Mẹ nên uống đủ nước để cơ thể khỏe mạnh, có đủ sữa cho bé bú. Những thức uống tốt cho phụ nữ sau sinh là nước lọc, nước trái cây và sữa.
Đồng thời, tránh sử dụng cà phê và các loại thức uống có caffeine. Caffeine có trong các loại thức uống có thể đi vào sữa mẹ khiến bé trằn trọc, khó ngủ. Chị em phụ nữ nên kiểm tra thông tin ghi trên nhãn bao bì các loại thức uống đóng chai vì một số loại có chứa caffeine để tránh uống nhầm.
3. Không sử dụng thuốc bừa bãi
Nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ và gặp các vấn đề về sức khỏe, chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Nguyên nhân là bởi những gì mẹ nạp vào cơ thể đều có thể đi vào dòng sữa gây ảnh hưởng không tốt đến bé.
4. Tránh quan hệ tình dục sớm
Sau khi sinh, phụ nữ nên đợi khoảng 4 - 6 tuần mới quan hệ tình dục trở lại. Nguyên do là cơ thể cần có khoảng thời gian nhất định để hồi phục sau cuộc vượt cạn tốn nhiều sức lực. Do đó, trong thời gian ở cữ sau sinh, nên tránh quan hệ sớm để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu vùng kín.
Nếu mẹ mệt mỏi, căng thẳng, hormone gây nên tình trạng này cũng có thể đi vào sữa, tác động xấu đến bé yêu. Ảnh minh họa
5. Tránh căng thẳng, mệt mỏi
Nếu mẹ mệt mỏi, căng thẳng, hormone gây nên tình trạng này cũng có thể đi vào sữa, tác động xấu đến bé yêu khiến bé khó chịu, quấy khóc, chậm lớn. Nếu việc chăm sóc bé và chăm lo việc nhà khiến mẹ mệt mỏi, hãy cố gắng nhờ người thân hỗ trợ hoặc thuê người giúp việc theo giờ để sau sinh mẹ có thời gian nghỉ ngơi.
6. Những thực phẩm cần tránh ăn khi đang ở cữ sau sinh
Sau khi sinh và đặc biệt nếu đang cho con bú, mẹ nên tránh ăn những thực phẩm sau: chocolate, quế, tỏi, ớt, hành tây, bông cải xanh, bông cải trắng, dưa chuột, bắp cải, dứa (thơm), kiwi, dâu tây, trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng. Nguyên nhân là các loại thực phẩm này có thể khiến sữa có mùi khiến bé không thích bú.
Uống đủ nước, có thể ăn những thực phẩm đã quen từ trước. Đặc biệt, khi ngồi lưu ý không ngồi xổm, vẫn có thể rửa bát, nấu cơm đi chợ.
Nguồn https://eva.vn