Bệnh viêm da cơ địa khiến cuộc sống của bé Hoài An bị đảo lộn, chịu đau đớn, khó chịu suốt nhiều tháng trời ròng rã liền.
Viêm da cơ địa là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ dàng khống chế, nhưng để trở thành một nỗi ám ảnh trong nhiều tháng liền như trường hợp của hai mẹ con chị Tâm và bé Hoài An (hơn 18 tháng tuổi) lại rất hiếm gặp. Từ khi mới 2 tháng tuổi, bé Hoài An đã bị căn bệnh này viếng thăm, đầu tiên chỉ vài đốm nhỏ quanh má, dần dần bị thêm ở tay, chân, đùi. Có những thời gian bị nặng đỉnh điểm, bé gãi ngứa đau rát mà vẫn không đỡ, con khóc, mẹ khóc vì xót xa và bất lực. Hiện tại bé đỡ hơn một chút khi những vết sần sùi đã đóng vảy, nhưng hành trình chữa khỏi hoàn toàn cho con dường như vẫn rất gian nan ở phía trước.
Bé Hoài An khi bị bệnh viêm da cơ địa ở đỉnh điểm, khắp cơ thể là những vùng nổi đỏ, ngứa và loét khi gãi, gây đau đớn vô cùng.
Tuy vậy, chị Tâm cũng muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình, cùng rất nhiều những kinh nghiệm, lời khuyên, tìm hiểu mà chị đã đúc rút lại được để gửi đến những bà mẹ cùng cảnh ngộ "thức đêm gãi ngứa" cho con vì bệnh viêm da cơ địa:
Nhiều đêm dài thức gãi ngứa cho con. Con khóc, mẹ khóc
Chị Tâm kể lại: "Khi vừa sinh ra được mấy tuần, bé đã có mụn sữa nhỏ, dần dần sau đó đến 2 tháng thì phát triển thêm quanh má. Mình đưa con đi bác sĩ da liễu thì được chẩn đoán bị viêm da cơ địa và chỉ định dưỡng ẩm đặc trị. Sau thời gian đó thì bé nhà mình bụ sữa nên bị thêm ở nếp gấp tay, nếp gấp chân, 2 bên cẳng chân. Mình bắt đầu sử dụng thuốc Đông y gồm tắm và bôi cho con thì bệnh thuyên giảm. Nhưng ngừng 1 thời gian thì con lại bị lại. Mình thử sang dùng nước A (Anolyte) theo chỉ định của bác sĩ khác, nhưng vì con mới được mấy tháng, phải chườm nước nên mình không kiên nhẫn được. Qua đợt đó là hè con bị nhẹ hơn, do mồ hôi nên bị ở nếp gấp tay và đùi thôi, mình cũng không cần bôi gì cả, vẫn sử dụng xà phòng riêng".
Từ đó đến cuối năm 2018, thỉnh thoảng bé Hoài An bị thêm một ít ở má, đùi, chân thì chị Tâm bôi thuốc có thành phần corticoid theo đơn cũ của bác sĩ da liễu, vài ngày rồi dừng. Thế nhưng, bệnh chỉ thuyên giảm được một thời gian, cho đến gần đây trở nên đỉnh điểm của đau, ngứa và thử thách sức chịu đựng của hai mẹ con chị. "Hơn 1 tháng gần đây, bệnh lên đến đỉnh điểm. Thời tiết nồm, con bắt đầu đi học, không giữ vệ sinh được kỹ như ở nhà, thay đổi môi trường sống (mình chuyển nhà) nên có lẽ vì vậy mà con phát ra nặng hơn. Mình quyết định cho con đi khám lại".
Bé bị nổi ở vùng đùi.
Vùng tay cũng nổi sần, dày hạt.
Giai đoạn này, chị Tâm đưa con đi khám đến 3, 4 bác sĩ khác nhau, vừa Đông y, vừa Tây y, nhưng bệnh lại phát triển xấu đi. Cuối cùng, chị quyết định cho con theo khám tại một bác sĩ ở khoa dị ứng, Trung tâm nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai. Nhưng những ngày tháng chứng kiến con bị bệnh hành hạ khiến chị Tâm đau thắt lòng: "Một tháng này là tháng dài nhất với gia đình mình. Đêm con ngứa không ngủ được, cả nhà cũng thức theo con. Nhiều hôm con khóc, mẹ khóc, nhìn con gãi tray da mà không làm gì được vì con cứ nhất quyết đòi tự gãi. Có lúc bệnh nặng hơn, mình còn cho con đi khám ở viện Nhi trung ương nữa.
Nhiều đêm liền bé không ngủ được, cả nhà cũng xót xa thức theo con.
Sau nhiều lần đưa con tới các bệnh viện nhận được lời tư vấn của các bác sỹ, chị Tâm nhận ra không phải là việc bôi thuốc mà chăm sóc da cho trẻ mới là quan trọng. Các giải pháp được chị chú trọng là dưỡng ẩm, tái tạo nước cho da, giữ gìn bảo vệ da, kiểm soát ngứa cho con. Hiện tại, bé cũng có đỡ hơn nhiều, nhưng còn nhiều vết thâm do nốt sâu, vẫn ngứa vào buổi đêm.
Các lưu ý khi chăm sóc bé bị viêm da cơ địa
Qua thời gian dài tìm hiểu để chữa bệnh cho con, chị Tâm đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm chăm sóc một em bé bị viêm da cơ địa và có thể chia sẻ đến các mẹ "cùng cảnh ngộ thức đêm gãi con ngứa" khác. Bởi chị muốn nhắn gửi đến các mẹ khác đừng xem thường căn bệnh này, vì thậm chí có thể phát triển thành bệnh hen, viêm mũi dị ứng rất nguy hiểm (phần lớn bệnh nặng sẽ liên quan) hay như bé Hải Anh còn bị kéo theo viêm kết mạc:
- Giữ ẩm, giữ ẩm và giữ ẩm: Chị Tâm nhắc nhở các mẹ tuyệt đối phải nhớ bôi kem dưỡng ẩm. Đối với trường hợp của con mình chị Tâm được bác sỹ tư vấn bôi 4-5 lần một ngày, bất cứ khi nào da khô hoặc ngay sau tắm/rửa (trong vòng 3-5 phút là tốt nhất). Hãy bôi kem toàn thân cho trẻ chứ không riêng gì vùng da chịu tổn thương. Chọn loại kem dưỡng ẩm tùy vào việc con hợp và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Chị Tâm cũng được bác sĩ khuyên nên bọc/che lớp giữ ẩm này để kem không bay mất.
Hiện tại các nốt hạt của bé Hoài An đã đóng vảy, nhưng vẫn còn rất nhiều vết thâm sâu, và vẫn ngứa vào buổi đêm.
- Tuyệt đối không nên tắm cho con bằng nước quá nóng vì như vậy sẽ khiến da con khô, kích thích ngứa nhiều hơn. Nên sử dụng nước ấm nhẹ khoảng 30 độ và lọc nước trước khi tắm cho con sẽ tốt hơn. Pha nước tắm với bột yến mạch (để trong túi lọc) hoặc bột tắm mua sẵn để da con không bị khô.
- Đeo găng cho con để con không gãi. "Bé nhà mình lớn rồi nên nhiều khi vẫn tự rút được găng ra để gãi, y như rằng hôm sau da sẽ đỏ và rộp lên hơn. Mình tạm giải quyết bằng cách bôi kem dày, liên tuc để da trơn, bớt trày xước khi con gãi. Khuyến khích găng vải lụa sẽ trơn, ít cọ xát hại da con. Các mẹ nếu may được loai găng kèm áo dài tay thì càng tốt, như áo chống nắng của người lớn", chị Tâm khuyên gửi đến các mẹ.
- Nên mặc bodysuit cho con để con đỡ gãi bụng gãi chân. Bé Hải Anh được chị Tâm dùng túi ngủ và bodysuit liền chân, nhưng lưu ý là phòng phải đủ mát vì mặc kín. Nên dùng chất liệu quần áo mềm mại, cắt hết nhãn mác để tránh cọ xát vào da.
- Kiểm tra dị ứng thức ăn và các chất khác. Như bé Hải Anh bị dị ứng bọ nhà. Bác sĩ yêu cầu giữ phòng phải khô đảm bảo độ ẩm dưới 60% (nhưng da phải ẩm), nhiệt độ dưới 25 độ C, giặt mọi thứ chăn ga hàng tuần, quần áo cũng giặt 60 độ, tránh xa thảm, gấu bông. Bé dị ứng bọ nhà cũng sẽ dị ứng tôm, cua biển (hải sản vỏ cứng).
- Nên chọn loại sữa tắm được các bác sỹ khuyên dùng để tránh trường hợp gây khô da.
- Tránh các chất/vật liệu gây kích ứng như: cát, cỏ, lông chó mèo, hồ dán, nước bể bơi... và các yếu tố khiến bệnh nặng lên.
Và điều quan trọng nhất là khi con bị bệnh viêm da cơ địa, các mẹ phải đặc biệt chú ý tới từng chi tiết một, liên quan đến ăn uống, tắm giặt hay điều kiện ngủ nghỉ, môi trường sống, bởi chỉ cần một chút bất thường cũng có thể khiến bệnh của con tái phát hoặc nặng hơn.
Nguồn http://afamily.vn