Bị ngứa vùng nhũ hoa khi mang thai là hiện tượng rất nhiều mẹ bầu gặp phải, khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu và phiền toái. Vậy nguyên nhân và cách xử trí hiện tượng này ra sao?
Nguyên nhân khiến bầu ngực ngứa ngáy, đau nhức
Đối với phụ nữ, có một vấn đề nhạy cảm và khó nói khiến chị em gặp không ít rắc rối đó là đôi nhũ hoa bỗng dưng bị ngứa, khó chịu, có khi đau rát. Có một số nguyên nhân có thể kể đến như thay đổi nội tiết tố trước hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, mặc áo ngực và quần áo không phù hợp đặc biệt là trong khi tập thể dục, thể thao, cháy nắng, gãi bằng móng tay dài, xịt nước hoa hoặc bôi thuốc, các vấn đề về da như viêm da, mụn trứng cá...
Ngay từ những ngày đầu mang thai, mẹ sẽ thấy nhiều biểu hiện lạ ở ngực như sưng, ngứa, rạn da. Tất cả dấu hiệu này hoàn toàn bình thường (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, lý do mang thai cũng sẽ khiến mẹ bầu bị ngứa ngáy và đau nhức đôi "gò bồng đảo". Đây là dấu hiệu sớm đầu tiên báo hiệu mẹ đã cấn bầu, có thể thấy sau khi thụ thai khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, đây là hiện tượng khá bình thường nên mẹ bầu không cần quá lo lắng. Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi, lồng ngực mở rộng, bụng căng ra và các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ dồn gọn lại để nhường chỗ cho tử cung phát triển. Ngay từ những ngày đầu mang thai, mẹ sẽ thấy nhiều biểu hiện lạ ở ngực như sưng, ngứa, rạn da. Tất cả dấu hiệu này hoàn toàn bình thường.
Trong quá trình mang thai, hormone trong cơ thể mẹ bầu có những thay đổi nhất định. Sự thay đổi này làm gia tăng sự lưu thông máu cũng như thay đổi về các mô tại vùng ngực. Hiện tượng sưng vú, ngứa vú và đau núm vú khi mang thai là kết quả của:
- Thay đổi nội tiết tố khác nhau trong cơ thể làm tăng lưu lượng máu trong vú, làm cho bầu ngực tăng lên về kích cỡ.
- Hình thành các tế bào sản xuất sữa và ống dẫn sữa để chuẩn bị nuôi em bé.
- Sự tích tụ chất béo trong vú cũng có thể là một nguyên nhân.
Những rắc rối tế nhị ở nhũ hoa khi mang thai mẹ bầu hay gặp và điều nên làm để ứng phó với tình trạng này - Ảnh 2.
Mô phỏng sự thay đổi của đôi gò bồng đảo trong suốt thai kì
Những triệu chứng thường gặp phải ở ngực khi có thai
Hai bầu ngực thay đổi khi mang thai là hiện tượng không thể tránh khỏi trong suốt thai kì, bởi đó cũng chính là sự thay đổi của cơ thể để thích ứng với quá trình nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh. Mẹ lưu ý bầu ngực sẽ có những thay đổi và triệu chứng điển hình như sau:
- Ngực phát triển to và sưng hơn, có cảm giác ngứa.
- Núm vú trông to và sậm màu hơn, quanh đầu nhũ hoa có vẩy da đóng khô lại, gây ngứa ngáy và khó chịu.
- Vùng da quanh bầu ngực xuất hiện vết rạn đi kèm với ngứa.
- Các đường tĩnh mạch xanh nổi lên và có thể dễ dàng nhìn thấy trên ngực.
- Cảm giác nặng nề ở hai bầu vú, thỉnh thoảng có cơn đau nhói.
- Ngứa ngáy râm ran, thậm chí ngứa dữ dội ở ngực.
- Có trường hợp da nứt nẻ, có vết thương hở gây đau nhiều.
Bầu ngực của mẹ sẽ có những thay đổi và triệu chứng điển hình như sưng to hơn, đầu vú tối màu, quầng vú lan rộng (Ảnh minh họa)
Các triệu chứng trên đều khá phổ biến với các mẹ mang thai. Nhưng nếu trường hợp đau nhức, ngứa nhiều và có vết thương hở thì mẹ cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và được tư vấn điều trị, giảm bớt triệu chứng khó chịu này.
Cách hạn chế những triệu chứng khó chịu ở đôi nhũ hoa
Khi mẹ bầu bị sưng đau, ngứa hai bầu ngực, đầu nhũ hoa thì cần hết sức chú ý công tác vệ sinh, chăm sóc bầu ngực bằng cách:
- Lựa chọn và mặc các loại áo ngực thoải mái, phù hợp với kích cỡ của ngực. Sử dụng các loại áo lót được làm bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi, tránh loại có ren và các loại vải tổng hợp khác.
- Hạn chế làm trầy xước quanh khu vực nhạy cảm, bởi nó có thể làm tình trạng ngứa và đau nhức nặng hơn.
- Tránh tắm nước quá nóng và ngừng sử dụng xà phòng có mùi thơm, chất tẩy mạnh vì những sản phẩm này có thể làm cho da bị khô và ngứa hơn. Thay vào đó, sử dụng xà phòng dịu nhẹ, không mùi.
Hãy nhớ lựa chọn và mặc các loại áo ngực thoải mái, phù hợp với kích cỡ của ngực, sử dụng các loại áo lót được làm bằng chất liệu tự nhiên (Ảnh minh họa)
- Thử dùng gel lô hội hoặc kem gel lô hội không nhờn giúp ngăn không cho da quanh núm vú bị dính, mắc vào đồ lót hoặc quần áo của mẹ.
- Bôi kem dưỡng ẩm không mùi sau khi tắm để giúp da đàn hồi tốt hơn, hạn chế bị khô, nứt nẻ.
- Thử chườm đá lên những vùng da ngứa nhiều, cách này giúp làm dịu da trong một thời gian ngắn để mẹ nghỉ ngơi và thoát khỏi cơn ngứa tạm thời.
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời, vì sức nóng sẽ càng khiến mẹ bầu bị ngứa nhiều hơn.
Nếu hiện tượng ngứa và đau trầm trọng, vú nổi cục, chỉ mềm khi được chườm nóng hoặc mát xa thì mẹ bầu nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn. Trên đây là những biện pháp mà mẹ bầu có thể thực hiện trong thai kì. Khi gặp hiện tượng này, mẹ bầu không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu những hiện tượng này kéo dài, khiến mẹ bầu khó chịu quá mức hoặc đi kèm những triệu chứng bất thường khác như đau nhức, nứt đầu nhũ hoa thì mẹ bầu có thể tới bệnh viện để thăm khám, kiểm tra và có hướng xử trí phù hợp.
Nguồn http://afamily.vn