Trẻ sinh non, thiếu tháng có nguy cơ có chỉ số thông minh (IQ) thấp hơn so với trẻ sinh đủ tháng, nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ cải thiện vấn đề này.
Trung bình số điểm IQ của nhóm trẻ sinh non thấp hơn 13 điểm so với trẻ được sinh ra đủ tháng
Thông thường, người mẹ mang thai sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Em bé sinh sau 37 tuần được coi là đủ tháng và những bé chào đời trước 37 tuần tuổi được xem là sinh non. Với những mẹ sinh bé thiếu tháng, lúc nào trong mẹ cũng đau đáu những nỗi lo cả về sức khỏe và trí tuệ của bé. Trong những tuần đầu sau khi chào đời, bé sinh thiếu tháng thường gặp vấn đề về hô hấp, đường tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe khác tùy cơ thể từng bé. Bé cũng có thể gặp phải những thách thức về sau này như suy giảm thị lực, thính giác và khả năng nhận thức, một số trẻ cũng có thể có vấn đề kỹ năng xã hội và hành vi.
Trẻ sinh trước 37 tuần được xem là sinh non và có nguy cơ chỉ số IQ thấp hơn so với trẻ sinh đủ tháng (Ảnh minh họa)
Ngày nay, nhờ tiến bộ của nền y học hiện đại, cơ hội sống sót của trẻ sinh non hoặc nhẹ cân được nâng lên đáng kể, song hậu quả của nó vẫn còn khá nặng nề. Một trong số đó phải kể đến chỉ số thông minh IQ thấp, sức tập trung kém. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các bé càng chào đời sớm thì nguy cơ có chỉ số IQ thấp sẽ càng tăng lên so với trẻ được sinh đủ tháng.
Kết luận này được thực hiện dựa trên dữ liệu tổng hợp của 71 nghiên cứu công bố trước đây trên kết quả kiểm tra chỉ số IQ của hàng nghìn trẻ trong độ tuổi từ 5-20 tuổi, được phân chia làm 2 nhóm trẻ sinh thiếu tháng và đủ tháng. Trong số trẻ sinh thiếu tháng thì có một nửa số trẻ sinh non trước 28,5 tuần thai. Trung bình kết quả bài kiểm tra của nhóm trẻ sinh non thấp hơn 13 điểm so với trẻ được sinh ra đủ ngày đủ tháng. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra cứ mỗi tuần thai nhi chào đời sớm hơn dự kiến có liên quan đến việc giảm 1,26 điểm trong chỉ số IQ của trẻ.
Trung bình số điểm IQ của nhóm trẻ sinh non thấp hơn 13 điểm so với trẻ được sinh ra đủ tháng (Ảnh minh họa)
Bà Sabrina Twilhaar, tác giả chính của nghiên cứu, đến từ trung tâm Academic Medical Center thuộc Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết: "Sự tiến bộ y học trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh đã làm tăng đáng kể tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non. Nhưng cải thiện khả năng sống sót không đi kèm với cải thiện kết quả nhận thức".
Nuôi dưỡng não bộ ngay từ nhỏ để cải thiện trí thông minh cho trẻ
Nghiên cứu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng những trẻ sinh non, thiếu tháng cần được quan tâm và giáo dục đặc biệt về mặt nhận thức. Tuy nhiên, ông Riikka Pyhala, nhà nghiên cứu tại Đại học Helsinki, Phần Lan, cho biết trẻ em vẫn hoàn toàn có thể thành công với việc học tập ở trường sau này bởi: "IQ là một chỉ số không hoàn hảo để đánh giá về khả năng nhận thức của mỗi đứa trẻ. Đằng sau một điểm số IQ nói chung thì mỗi đứa trẻ đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Điều này sẽ được phản ánh trong các kỹ năng nhận thức cụ thể như lý luận bằng lời nói hoặc bằng hình ảnh, trí nhớ và khả năng tập trung, chú ý".
Cha mẹ cần có sự tương tác sớm, nuôi dưỡng não bộ của bé để hạn chế nguy cơ IQ thấp (Ảnh minh họa)
Cha mẹ hãy quan tâm và có các biện pháp hỗ trợ tích cực cho bé bằng cách tương tác sớm, nuôi dưỡng não bộ của bé, hạn chế nguy cơ IQ thấp bằng 4 cách sau:
- Trò chuyện với bé: Nói chuyện với bé sẽ giúp phát triển vốn từ vựng của trẻ. Cha mẹ hãy tạo chủ đề cuộc trò chuyện xoay quanh các lĩnh vực mà bé biết và quan tâm ví dụ như một món đồ chơi thay vì nói về chủ đề kỳ nghỉ của gia đình.
- Đọc sách cùng bé: Đọc sách sẽ giúp xây dựng mối quan hệ gắn bó, tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Đọc sách cũng hỗ trợ khả năng học tập của bé. Hình ảnh trong mỗi cuốn sách, truyện cũng giúp bé hình dung và nhìn thấy nhiều điều, ví dụ như động vật hoang dã.
Đọc sách là một biện pháp hữu ích giúp bé cải thiện chỉ số IQ (Ảnh minh họa)
- Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu trước khi trẻ biết nói: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngôn ngữ ký hiệu có tác động tích cực đến sự phát triển ngôn ngữ và chỉ số IQ của bé.
- Dành cho bé khoảng thời gian riêng: Các bác sĩ cho biết khoảng thời gian trẻ được ở một mình riêng tư giúp bé học cách tự vui chơi, giải trí. Trẻ học cách chơi với các món đồ chơi, làm tăng sự tập trung, chú ý của trẻ.
Theo Afamily